Cảnh báo nguy cơ từ măng khô không rõ nguồn gốc, tẩm ướp hoá chất

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 14 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Hình sự, Kinh tế và Ma túy – Công an huyện Thọ Xuân tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Chí Quyền, tại thôn Cộng Lực, xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 520 kg măng khô dạng sợi không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh măng khô. (Ảnh: QLTT Thanh Hóa)

Với hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, Đội Quản lý thị trường số 14 đã quyết định xử phạt hành chính hộ kinh doanh Nguyễn Chí Quyền số tiền 17 triệu đồng. Toàn bộ tang vật vi phạm, bao gồm 520 kg măng khô trị giá 26 triệu đồng, đã bị thu giữ và tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng giám sát tiêu hủy tang vật vi phạm. (Ảnh: Cục QLTT Thanh Hóa)

Nguy cơ từ măng khô không rõ nguồn gốc

Măng khô là thực phẩm giàu chất xơ và thường được tiêu thụ nhiều trong các bữa ăn truyền thống. Tuy nhiên, khi măng không rõ nguồn gốc xuất xứ, rất có thể chúng đã được xử lý bằng hóa chất độc hại, điển hình là lưu huỳnh (diêm sinh) nhằm chống mốc và tạo màu sắc bắt mắt.

PGS. TS Trịnh Lê Hùng – nguyên Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc xông lưu huỳnh lên măng khô là biện pháp phổ biến để ngăn chặn nấm mốc và bảo quản lâu dài. Tuy nhiên, hóa chất này khi tích tụ trong cơ thể người có thể gây hại cho sức khỏe, đặc biệt ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch và các cơ quan khác như mắt và thận.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lưu huỳnh trong thực phẩm không nên vượt quá mức 20 mg/kg. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thường sử dụng lượng lưu huỳnh vượt mức cho phép, gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho người tiêu dùng.

Theo kết quả giám sát an toàn thực phẩm, măng khô không rõ nguồn gốc trên thị trường thường có dấu hiệu tồn dư hóa chất như lưu huỳnh và sulfite, gây nguy cơ cao cho sức khỏe. PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia tại Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, măng sấy bằng lưu huỳnh có thể dễ dàng nhận biết qua mùi khét đặc trưng của SO2 (diêm sinh). Loại măng này thường có màu sắc quá bóng loáng hoặc quá xỉn màu, không bao giờ bị ẩm mốc dù để lâu, đánh lừa người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, măng ngâm hóa chất không chỉ giữ độ bóng mà còn có nguy cơ chứa hóa chất gây độc cho cơ thể. Nếu tiêu thụ thường xuyên măng chứa hóa chất độc hại, người dùng có thể gặp các triệu chứng ngộ độc cấp tính như ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, thậm chí ảnh hưởng đến phổi và tuần hoàn máu.

Để tránh mua phải măng khô không đảm bảo an toàn, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những loại măng có màu vàng nhạt tự nhiên, bề mặt có độ bóng vừa phải, thịt măng dày và không có mùi lạ. Măng khô ngon thường có màu hổ phách, cầm vào không bị ẩm tay, có thể bẻ gãy.

Ngoài ra, người tiêu dùng nên ưu tiên mua măng khô được đóng gói trong túi ni-lông có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Khi mua về, cần rửa sạch, ngâm kỹ và luộc nhiều lần để loại bỏ hóa chất tồn dư. Tuyệt đối không sử dụng măng đã bị mốc hoặc có dấu hiệu bất thường.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích