Đà Nẵng xử phạt 3 cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu

Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đấu tranh chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong năm 2024 của Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; phát hiện, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, đặc biệt là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh. Ảnh: Cục QLTT Đà Nẵng

Qua quá trình theo dõi hoạt động kinh doanh hàng hóa trên thị trường, Đội Quản lý thị trường số 4 đã phát hiện các cửa hàng kinh doanh hàng hóa là túi xách, giày dép trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đội Quản lý thị trường số 4 đã nhanh chóng xây dựng phương án, tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 03 tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm. Qua quá trình kiểm tra đã phát hiện các địa điểm kinh doanh trưng bày để bán hàng hóa là giày dép, túi xách các loại gắn dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Với vi phạm trên 3 cơ cở bị xử phạt tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 32 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy đối với 65 sản phẩm là giày dép, túi xách giả mạo nhãn hiệu.

Sản phẩm giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng bị buộc tiêu hủy. Ảnh: Cục QLTT Đà Nẵng

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã kiểm tra đột xuất Công ty TNHH MTV H.T.P tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công ty này nhập khẩu 90 động cơ diesel hiệu “Tiger” với dấu hiệu “TIGER POWER và hình” và “HOBI” có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng giá trị lô hàng vi phạm lên tới hơn 1,1 tỷ đồng.

Sau quá trình xác minh và lập biên bản vi phạm hành chính, Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng đã đề xuất lên UBND thành phố Đà Nẵng xử phạt Công ty TNHH MTV H.T.P số tiền 500 triệu đồng với hành vi nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, công ty cũng bị buộc phải loại bỏ và tiêu hủy các yếu tố vi phạm liên quan đến lô hàng này.

Những sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ thường không đảm bảo được tiêu chuẩn chất lượng, gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp bị làm giả và gây hoang mang cho người tiêu dùng. Ngày 23/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Trong đó, có quy định về yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Cụ thể tại Điều 77 của Nghị định này có quy định: Yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là dấu hiệu gắn với hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ.

Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là phạm vi bảo hộ nhãn hiệu gồm: Mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc Giấy xác nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam, hoặc bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp, hoặc thông qua việc đánh giá chứng cứ chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ.

Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với nhãn hiệu. Đồng thời, phải so sánh hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ. Chỉ có thể khẳng định có yếu tố xâm phạm khi đáp ứng cả 2 điều kiện sau đây:

– Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có cùng cấu tạo và cách thức thể hiện; một dấu hiệu bị coi là tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu thuộc phạm vi bảo hộ nếu có một số thành phần hoàn toàn trùng nhau hoặc tương tự đến mức không dễ dàng phân biệt với nhau về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm, ý nghĩa, cách trình bày, màu sắc đối với dấu hiệu nhìn thấy được, nhạc điệu, âm điệu đối với dấu hiệu âm thanh và việc sử dụng dấu hiệu có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

– Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự về bản chất hoặc về chức năng, công dụng và có cùng kênh tiêu thụ với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ; hoặc có mối liên quan với nhau về bản chất, hoặc chức năng, hoặc phương thức thực hiện.

Đối với nhãn hiệu nổi tiếng, dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là yếu tố xâm phạm nếu: Dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 3 Điều 77 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP. Hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 77 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP hoặc hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự, không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ, hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích