Đồng Nai trải thảm đỏ mời nhà đầu tư xây dựng “Chiến lược phát triển 100 năm”

Đồng Nai được đánh giá đang ở thời điểm vàng, hội tụ đầy đủ các yếu tố để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới. Trong đó, gắn phát triển của địa phương với vùng Đông Nam Bộ.

Đồng Nai trải thảm đỏ mời nhà đầu tư xây dựng “Chiến lược phát triển 100 năm”
Cù lao Hiệp Hòa đang được quy hoạch thành khu đô thị hiện đại ven sông Đồng Nai. Quy hoạch tỉnh Đồng Nai xác định lấy 2 khu vực làm động lực phát triển mới của tỉnh, cụ thể là đô thị sân bay Long Thành và hành lang sông Đồng Nai. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với Quy hoạch này, Đồng Nai được đánh giá đang ở thời điểm vàng, hội tụ đầy đủ các yếu tố để tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới. Trong đó, gắn phát triển của địa phương với vùng Đông Nam Bộ; đặc biệt phát huy lợi thế Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thành phố sân bay và chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai với hệ thống giao thông kết nối, các tuyến cao tốc, đường vành đai 3,4, cảng biển, logistics…

Đồng Nai đang mời gọi các nhà đầu tư cùng xây dựng “Chiến lược phát triển 100 năm tới tại Đồng Nai.”

Để làm rõ hơn về nội dung này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức.

– Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, được xem là “kim chỉ nam” để tỉnh cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới. Đó là những mục tiêu, nhiệm vụ nào, thưa ông?

Ông Võ Tấn Đức: Tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc; đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế.

Bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng – an ninh được đảm bảo vững chắc.

Một số mục tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 14.650 USD.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 70%; có 100% số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 huyện hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường…

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài.

Tỉnh lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng “0.” Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc; quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Để đạt được những mục tiêu đó, tỉnh đã xác định 5 nhiệm vụ đột phá để phát triển. Cụ thể là: Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay; hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon, tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho vùng Đông Nam Bộ; triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Đồng Nai trải thảm đỏ mời nhà đầu tư xây dựng “Chiến lược phát triển 100 năm”
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

– Theo Quy hoạch, Đồng Nai xác định 2 khu vực làm động lực phát triển mới của tỉnh là đô thị sân bay Long Thành và hành lang sông Đồng Nai. Xin ông cho biết vai trò của 2 vùng động lực này đối với kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới?

Ông Võ Tấn Đức: Theo Quy hoạch, đây là 2 vùng được xem là động lực phát triển mới cho tỉnh, vì vậy có vai trò rất quan trọng. Ở đây, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với đường cao tốc, đường sắt quốc gia và vùng.

Khu vực đô thị sân bay Long Thành được phát triển tại 3 huyện. Cụ thể: Tại huyện Long Thành phát triển khu đô thị phía Tây Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành; phát triển các khu cụm công nghiệp, logistics phía Đông Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành, liên kết với hệ thống công nghiệp-dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép-Thị Vải; phát triển chuỗi đô thị-công nghiệp-dịch vụ theo trục cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Quốc lộ 51 và Vành đai 4 vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại huyện Nhơn Trạch phát triển chuỗi đô thị-dịch vụ-công nghiệp công nghệ cao, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics với hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải, cảng biển Phước An, trung tâm thành phố Hồ Chí Minh; phát triển tuyến dịch vụ-du lịch kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Tại huyện Cẩm Mỹ phát triển khu đô thị-công nghiệp-dịch vụ Sông Nhạn tại cửa ngõ phía Đông Bắc Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Khu vực hành lang sông Đồng Nai lấy sông Đồng Nai làm trục phát triển kinh tế năng động của tỉnh. Kế thừa, duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai; xây dựng tuyến đường ven sông; xúc tiến xây dựng các cầu qua sông liên kết mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Tỉnh sẽ tập trung phát triển các khu đô thị ven sông Đồng Nai đẳng cấp hiện đại nhằm thu hút các chuyên gia tri thức đến sinh sống, cũng như các tập đoàn quốc tế đặt văn phòng tại đây. Trong thời kỳ mới, đây cũng là trục giao thông xanh kết nối các đô thị của vùng, mặt tiền xanh của các thành phố văn minh hiện đại, hành lang sinh thái mang lại không gian mở cho các hoạt động cộng đồng ở mọi quy mô.

Đồng Nai trải thảm đỏ mời nhà đầu tư xây dựng “Chiến lược phát triển 100 năm”
Khu công nghiệp Biên Hòa 2 được xem là một trong những hình mẫu phát triển hạ tầng công nghiệp của Đồng Nai. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

– Ông có thể cho biết vai trò của Đồng Nai trong mối liên kết vùng. Đồng Nai đã và sẽ làm gì để khơi thông những “điểm nghẽn,” “nút thắt” đặc biệt trong phát triển hạ tầng giao thông, logistics thời gian tới?

Ông Võ Tấn Đức: Có thể nói Đồng Nai đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết vùng. Tỉnh sở hữu đầy đủ 5 phương thức giao thông, gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế, đường hàng không. Địa phương có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Đông Nam Bộ; có hệ thống giao thông kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ với nhiều vùng kinh tế của Việt Nam và hướng ra quốc tế.

Cụ thể, tỉnh có các tuyến quốc lộ đi qua như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, Quốc lộ 56. Ngoài ra còn có các tuyến cao tốc như: Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành-Dầu Giây; Phan Thiết-Dầu Giây (kết nối nối khu vực Đông Nam Bộ với các tỉnh miền Trung); Bến Lức-Long Thành (kết nối vùng Đông Nam Bộ với vùng Đồng bằng sông Cửu Long); Dầu Giây-Liên Khương (chuẩn bị đầu tư, kết nối vùng Đông Nam Bộ với vùng Tây Nguyên); Biên Hòa-Vũng Tàu (đang thi công).

Kết nối vùng Đông Nam Bộ còn có tuyến đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đang được thi công và thời gian tới sẽ triển khai dự án đầu tư đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 2030, Đồng Nai sẽ hình thành 4 trung tâm logistics, gồm: Trung tâm logistics phía Nam Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Trung tâm logistics phía Đông Bắc Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Trung tâm logistics tổng kho trung chuyển miền Đông tại huyện Trảng Bom và Trung tâm logistics tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.

Hiện tỉnh đang tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án giao thông. Cùng với các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, Đồng Nai tập trung cho các dự án giao thông nội tỉnh như nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới một số tuyến đường để thuận tiện cho việc kết nối đồng bộ giao thông.

Đồng Nai trải thảm đỏ mời nhà đầu tư xây dựng “Chiến lược phát triển 100 năm”
Một góc đô thị trên tuyến đường Nguyễn Ái Quốc (thành phố Biên Hòa) bên sông Đồng Nai. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

– Đồng Nai đang mời gọi các nhà đầu tư đến xây dựng “Chiến lược phát triển 100 năm”. Vậy tỉnh đã và đang chuẩn bị như thế nào cho hoạt động này?

Ông Võ Tấn Đức: Để thu hút được những nhà đầu tư lớn có công nghệ cao đòi hỏi tỉnh phải chuẩn bị rất nhiều vấn đề. Cụ thể, Đồng Nai đang tập trung hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông.

Cùng với đó, địa phương chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển những chuỗi đô thị đẳng cấp để đáp ứng nhu cầu sinh sống của các chuyên gia, trí thức; phát triển thêm những khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp xanh.

Hiện tỉnh quy hoạch 39 khu công nghiệp, trong đó có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10.514 ha; đã thu hút được 46 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với 1.667 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 34,84 tỷ USD.

Theo đồ án quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030, Đồng Nai đầu tư hoàn thành 48 khu công nghiệp đi vào hoạt động, phù hợp với diện tích được phân bổ theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, hình thành và phát triển khu công nghệ cao Đồng Nai với trọng tâm thu hút, phát triển các lĩnh vực tiên tiến như: công nghệ thông tin, điện tử, tự động hóa, công nghệ hàng không, công nghệ trí tuệ nhân tạo…

– Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích