Bài 1: Xây dựng đặc trưng riêng về du lịch
(Xây dựng) – Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, tính đến hết tháng 9, tỉnh đã đón gần 1,7 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, đạt hơn 70% so kế hoạch năm 2024; tổng thu hơn 2.400 tỷ đồng, tăng hơn 6,5% so cùng kỳ 2023. Từ vùng xa xôi cuối miền cực Nam của Tổ quốc đã thu hút nhiều khách tham quan. Vì sao như vậy?
Khu du lịch sinh thái cộng đồng Hoàng Hôn, thu hút nhiều du khách. |
Phát triển du lịch trải nghiệm
Nhiều du khách khi đến Cà Mau phải đến điểm cuối cùng của cực Nam của Tổ Quốc, mũi Cà Mau (ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Nắm bắt được nhu cầu trên, nhiều mô hình du lịch công đồng phát triển. Ban đầu, huyện Ngọc Hiển có 9 hộ làm du lịch cộng đồng hiệu quả đón du khách khám phá mũi Cà Mau.
Năm 2024, huyện có thêm 18 hộ đăng ký. Bên cạnh các sản phẩm trải nghiệm, huyện khuyến khích phát triển thêm các sản phẩm du lịch có yếu tố lịch sử, như: Tôn tạo, đầu tư thêm Khu đền thờ Bác thành điểm đến; tái hiện đời sống các cô chú ngày trước hoạt động cách mạng tại địa phương để du khách có thể thấy được “cất nước từng lon, đói ăn trái mắm”.
Đặc biệt, khi tuyến đường Hồ Chí Minh đến mũi Cà Mau được thông xe, cột cờ Hà Nội được khánh thành cùng nhiều biểu tượng gắn chặt miền cuối đất được xây dựng… đã níu chân du khách. Từ đó, nhiều người dân địa phương làm du lịch cộng đồng để phục vụ du khách. Năm 2019, gia đình ông Nguyễn Minh Đua (ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) làm du lịch cộng đồng. Với kiến thức du lịch là con số không nhưng có đam mê nên ông Đua cũng đi tham quan, học hỏi nhiều nơi để tìm hướng phát triển. Gia đình đang dùng tất cả các thế mạnh vùng đất mình có để phục vụ du khách. Đó là các sản phẩm du lịch trải nghiệm nghề truyền thống của người dân địa phương như: Câu, đặt lọp cua; đổ lú; soi ba khía, bắt ốc len… Thế là điểm du lịch cộng đồng của ông Đua được thành lập và níu chân nhiều du khách phương xa khi khám phá mũi Cà Mau.
Sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị du lịch, Nguyễn Trung Kiên quản lý điều hành điểm du lịch Hoàng Hôn cùng gia đình. Trung Kiên chia sẻ, mỗi gia đình ở địa phương đều có đất rừng, đây là sản phẩm du lịch đáng quý, nhưng các bạn cùng trang lứa với em thường không gắn bó đất rừng mà đi làm ở nhiều nơi. Khi về địa phương sinh hoạt trong Chi đoàn, Kiên chia sẻ về ý tưởng liên kết phát triển du lịch cộng đồng, cùng phục vụ du khách, cùng hưởng lợi. Đã có những bạn nhận ra thế mạnh và cùng thành lập lên 1 câu lạc bộ với 15 đoàn viên tham gia. Chính những bạn này đưa du khách đi trải nghiệm, trồng cây tại gia đình. Du khách được góp phần vào môi trường sinh thái, tái tạo thiên nhiên sẽ càng thích thú và chính điều này kích thích khách tìm về lần nữa.
Du khách trải nghiệm bắt ba khía. |
Không ít chuyên gia về du lịch nhận định, với tính đa dạng về tài nguyên du lịch, trong đó có nhiều tài nguyên đặc sắc, tỉnh có cơ sở để phát triển những sản phẩm du lịch không trùng lặp với sản phẩm du lịch nhiều địa phương khác trong khu vực. Các tài nguyên cũng được phân bố ở các vị trí khá thuận lợi cho việc khai thác phục vụ phát triển du lịch, hay tổ chức các loại hình tham quan như: Du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, tham quan làng nghề, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch cộng đồng gắn với nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm… đang là xu hướng phát triển của khu vực và trên thế giới, có sức cuốn hút du khách mạnh mẽ. Và địa phương có kết quả khá khả quan từ du lịch cộng đồng đến du lịch thông minh để thu hút du khách.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế
Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao – Du lịch tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có 34 khu, điểm và hộ du lịch cộng đồng, có 2 khu được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh; có 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành… Năm 2023, lượng khách du lịch đến Cà Mau đạt 2 triệu lượt, tăng 23,5% so 2022, tổng thu đạt 2.908 tỷ đồng, tăng 20,4%, vượt 9% kế hoạch. Năm 2024, ngành Du lịch Cà Mau phấn đấu thu hút hơn 2,35 triệu lượt khách (khách trong nước 2,33 triệu lượt; khách quốc tế khoảng 13.000 lượt); tổng doanh thu từ du lịch khoảng 3.480 tỷ đồng. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2024 đã đón hơn 1,66 triệu lượt khách, tổng thu đạt 2.402 tỷ đồng, đạt 69% so kế hoạch năm 2024; công suất sử dụng phòng đạt 60%.
Ông Nguyễn Văn Hướng, chủ điểm du lịch cộng đồng tại Đất Mũi, Cà Mau cùng du khách chèo xuồng bắt cua. |
Để có được kết quả trên, thời gian qua, tỉnh không ngừng quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch như: Đào tạo, bổ sung nguồn lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch, có nghiệp vụ tay nghề, phẩm chất tốt; tăng cường xúc tiến, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước, nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh về vùng đất, văn hóa, con người Cà Mau với du khách trong nước và quốc tế bằng nhiều hình thức; thực hiện các chương trình ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, xúc tiến du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Bình…
Đặc biệt, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Trat (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) thông qua việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác quảng bá sản phẩm du lịch, kết nối doanh nghiệp lưu trú, lữ hành, trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch… Tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội (Facebook, fanpage, Zalo)… nhất là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển và quảng bá du lịch tỉnh Cà Mau (du lịch thông minh) hỗ trợ tối ưu cho du khách tiếp cận các điểm đến du lịch của tỉnh.
Bài 2: Quy hoạch tổng thể để phát triển bền vững
Nguồn: Báo xây dựng