Mốc son cuộc đời vị Tướng

Ông bắt đầu hành trình quân ngũ từ năm 1965, và đến năm 2025 sẽ đánh dấu 50 năm Giải phóng miền Nam, 60 năm ông nhập ngũ cùng 15 năm kể từ khi Nga trao tặng ông bằng Viện sĩ về nghệ thuật quân sự. Ông đã có mặt trên những chiến trường ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ chiến trường Bình Trị Thiên, miền Đông Nam Bộ đến chiến dịch lịch sử Giải phóng Sài Gòn, tướng Hiệu luôn là người trực tiếp tham gia các cuộc hành quân thần tốc, trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu. Ông đã tham gia 4 chiến dịch lớn như: Mậu Thân 1968, Đường 9 Nam Lào 1971, mở màn Chiến dịch 1972 và đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đã khắc sâu hình ảnh của một vị tướng trẻ tuổi, gan dạ, tràn đầy tinh thần yêu nước.

Ở độ tuổi 26, tướng Hiệu đã được tuyên dương là Anh hùng Quân Giải phóng miền Nam, với 67 trận chiến đấu thành công. Ông còn được vinh danh với 7 huân chương, trong đó có 2 huân chương chiến công hạng Nhất, hai huân chương hạng Nhì và 3 huân chương hạng Ba. Những phần thưởng này nhằm tôn vinh lòng dũng cảm, sự cống hiến của ông, đồng thời còn thể hiện sự trung thành và tinh thần chiến đấu kiên cường của một người lính.

Cuộc đời binh nghiệp của ông không dừng lại ở những chiến công lẫy lừng trên chiến trường, mà còn được ghi dấu ấn qua các tác phẩm viết về nghệ thuật quân sự. Với 9 cuốn sách do chính ông viết, nay đã được biên soạn thành tuyển tập thứ nhất: “Thượng tướng – Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu về Nghệ thuật quân sự” và  tuyển tập thứ hai: “Thượng tướng – Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu trong lòng nhân dân và đồng đội” cùng 15 cuốn sách khác được viết bởi các nhà văn, nhà báo về sự nghiệp của ông, Nguyễn Huy Hiệu đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền tảng lý luận và tư duy quân sự cho thế hệ mai sau. Thậm chí, hình ảnh của ông còn xuất hiện trên màn ảnh nhỏ qua hàng trăm bộ phim và phóng sự. Đặc biệt, ba bộ phim “Bến sông tuổi thơ”, “Một thời Quảng Trị”, và “Vị tướng 4 tại chỗ” đã khắc hoạ rõ nét chân dung của một người lính tài hoa, một nhà chiến lược tài ba và một vị tướng có tầm nhìn xa trông rộng.

Một trong những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của ông là “phương châm 4 tại chỗ” mà ông đề xuất khi giữ chức Phó trưởng ban phòng chống lụt bão Trung ương và Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Phương châm này đã giúp Việt Nam giảm thiểu thiệt hại trong các thảm hoạ thiên nhiên và là bài học quý giá trong công tác phòng chống và cứu hộ cứu nạn.

Một trong những dấu ấn nổi bật của 4 chiến dịch là cuộc hành quân thần tốc từ Tam Điệp, chuẩn bị cho công cuộc giải phóng Huế và Đà Nẵng đã in sâu vào ký ức của bao thế hệ. Khi đó, tướng Hiệu giữ chức vụ Trung đoàn trưởng cùng với đồng chí Trịnh Văn Thư là Chính uỷ Trung đoàn 27. Đơn vị của ông đã được tăng cường thêm các lực lượng như xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ,… nhằm thực hiện nhiệm vụ dự bị tấn công vào Huế khi đơn vị bạn đang gặp khó khăn. Khi nhận được lệnh, ông cùng đơn vị đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc vào Đông Hà, Quảng Trị để làm lực lượng dự bị cho đơn vị bạn đánh và Huế và Đà Nẵng. Đặc biệt, khi hành quân vào Đông Nam Bộ, ông nhận được điện chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” – những lời ấy đã trở thành kim chỉ nam, thúc đẩy bước chân của ông và đồng đội tiến nhanh về Sài Gòn, khép lại cuộc chiến tranh đầy cam go.

Vào đêm 29, tấm bản đồ từ Bà Má Sáu Ngẫu đã giúp toàn Trung đoàn thực hiện thành công cuộc tấn công vào lúc 4 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4/1975, bắt đầu tấn công theo trục đường 13 giải phóng Lái Thiêu và chiếm cầu Vĩnh Bình. Đơn vị của ông đã nhanh chóng chiếm toàn bộ Bộ Tư Lệnh thiết giáp quân Nguỵ ở Gò Vấp cùng 13 căn cứ lục quân, đồng thời tiếp quản Tổng Y viện Cộng hoà. Cũng nhờ tấm bản đồ Má trao, họ đã vượt qua các chướng ngại vật và giảm thiểu thương vong, tướng Hiệu cùng đồng đội đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng từ đó, bài hát “Tấm bản đồ Má trao” đã ra đời và trở thành biểu tượng truyền thống của Trung đoàn, là dấu ấn của tướng Hiệu và cũng là minh chứng sống động cho sự gắn kết giữa người dân và người lính trong những ngày tháng gian khổ.

Má Sáu Ngẫm trào tấm bản đồ thành đô Sài Gòn cho trung đoàn 27 đêm 29/4/ 1975 tại Búng lái thiêu Thủ dầu một !

Cuộc đời của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là một hành trình của lòng dũng cảm, sự quyết đoán và tinh thần phục vụ tổ quốc. Ông là minh chứng cho lòng yêu nước bất khuất và sự lãnh đạo sáng suốt, người đã dành cả đời mình để bảo vệ và xây dựng quê hương. Dù đã lùi xa khỏi chiến trường, nhưng những bài học và tầm nhìn của ông sẽ còn mãi trong tâm trí của bao thế hệ sau, như một ngọn đèn soi sáng con đường bảo vệ Tổ quốc.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích