Ô nhiễm không khí tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng: Chuyên gia ‘hiến kế’ giải pháp toàn diện
Hà Nội “chìm” trong bụi mịn
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội không phải vấn đề mới, nhưng có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng, liên tục xuất hiện những lớp sương mù dày đặc, che lấp nhiều tòa nhà cao tầng và đường phố, không khí cũng vì thế mà trở nên ngột ngạt. Nhiều khu vực nội thành Hà Nội “chìm” trong bụi mịn, chỉ số ô nhiễm không khí ở top đầu thế giới. Theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường thường nặng nhất vào sáng sớm, chiều tối và ban đêm.
Dữ liệu từ ứng dụng theo dõi chất lượng không khí IQAir, chỉ số ô nhiễm không khí từ đầu tháng 10 đã có thời điểm ở ngưỡng 200-300 µg/m³, gấp nhiều lần mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Sáng 8/10 nhiều tuyến đường, khu dân cư, khu đô thị ở các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, huyện Hoài Đức… mịt mờ trong sương mù và chất lượng không khí xấu, kém. Đáng chú ý, những khu vực cạnh các công trường xây dựng, một số tuyến đường đang thi công, tình trạng ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn.
Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), lúc 8h ngày 17/10, kết quả quan trắc cho thấy chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội ở mức kém và xấu.
Nhiều chuyên gia y tế cho biết, chất lượng không khí xấu, khói bụi trong môi trường nhiều thì người ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Chất lượng không khí xấu làm người bệnh thấy khó thở, ho nhiều, kèm theo tức ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Do vậy, những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm. Với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cần tuân thủ, duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hà Nội bắt đầu vào mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi chỉ số chất lượng không khí ở mức kém (AQI ở mức 101 – 150), người dân giảm thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời, nhất là đối với những người có triệu chứng đau mắt, ho, đau họng; hạn chế hoặc tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao (đường phố, điểm giao cắt giao thông, công trình xây dựng, khu vực sản xuất công nghiệp, làng nghề và các khu vực ô nhiễm khác); học sinh có thể tham gia các hoạt động ngoài trời tuy nhiên hạn chế hoạt động tập thể dục hoặc vận động cần gắng sức trong thời gian dài.
Triển khai nhiều giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí
Ông Lê Thanh Nam – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho biết, Hà Nội hiện có 17 khu công nghiệp, hơn 1.300 làng nghề, 8 triệu phương tiện giao thông, tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày… đó là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm. Đứng trước thực trạng này, việc cải thiện chất lượng không khí không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn cần sự tham gia tích cực từ cộng đồng để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống cho chính mình.
Hiện tại, TP.Hà Nội cùng nhiều chuyên gia đã đưa ra các giải pháp cấp bách và lâu dài để giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm không khí. Để cứu lấy bầu trời Hà Nội, ông Lê Thanh Nam – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thành phố đang triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt, trong đó trọng tâm là cải tạo hồ, sông ngòi; chuyển đổi năng lượng sạch; phát triển hệ thống giao thông và đô thị xanh.
Mục tiêu đến năm 2025, rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện, giảm diện tích chôn lấp. Đồng thời, từ năm 2025, Hà Nội sẽ thí điểm triển khai các vùng phát thải thấp. Các khu vực đông đúc và là điểm nóng về ô nhiễm không khí sẽ bị hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc phát triển giao thông xanh, từ xe buýt điện đến hạ tầng giao thông thông minh sẽ là chìa khóa giúp Hà Nội giảm ùn tắc và ô nhiễm, mang lại một tương lai trong lành hơn cho Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, giải pháp căn cơ để giảm ô nhiễm và cũng có vai trò giảm ùn tắc giao thông là đầu tư vào hệ thống đường sắt đô thị. Quy hoạch hiện tại đã nâng lên 14 tuyến với gần 600km. Tuy nhiên, để mạng lưới này phát huy tối đa hiệu quả, các tuyến phải được liên thông.
GS. TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, chất lượng không khí của Hà Nội bị suy giảm chứng tỏ việc quản lý chất lượng không khí đang có vấn đề. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường cần xác định rõ vấn đề quản lý chất lượng không khí do đơn vị, cơ quan nào quản lý và ai là người chịu trách nhiệm trong công tác này để đưa ra biện pháp cụ thể nhất. Đồng thời, các cơ quan cũng cần xây dựng cơ chế tổ chức quản lý chất lượng không khí nghiêm túc và chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
GS. TS Hoàng Xuân Cơ cũng cho rằng, vai trò của các nhà nghiên cứu trong việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, để mang lại giải pháp hiệu quả nhất, đại diện doanh nghiệp, các bộ, ngành cần cung cấp, chuẩn bị những số liệu chính xác nhất, từ đó, các nhà nghiên cứu khoa học mới đưa ra được những giải pháp gắn liền với thực tiễn.
Cũng bàn về giải pháp cho tình trạng ô nhiễm không khí ở Thủ đô, PGS. TS Lê Văn Hưng, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Giải pháp để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí rất nhiều nhưng đòi hòi tính đồng bộ, thống nhất từ hệ thống chính sách tới quá trình thực thi. Vì vậy, rất cần sự đầu tư phù hợp của Nhà nước và chung tay của cộng đồng vì đây là vấn đề khó, không dễ để xử lý”.
An Dương (T/h)