Người phụ nữ cào ngao trở thành nông dân doanh thu cao nhất nước

Người phụ nữ cào ngao trở thành nông dân doanh thu cao nhất nước

Từ người cào ngao mưu sinh ven biển, sau 20 năm, bà Nguyễn Thị Biên, 51 tuổi ở Thanh Hóa vừa được vinh danh là nông dân xuất sắc có doanh thu lớn nhất Việt Nam năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Biên, quê xã
Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa là đại diện duy nhất của tỉnh Thanh Hóa được bình
chọn trong tổng số 63 nông dân xuất sắc tiêu biểu vừa được Trung ương Hội nông
dân Việt Nam tôn vinh trong chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” năm 2024.

Bà Nguyễn Thị Biên vừa được vinh danh là nông dân xuất sắc trong chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” năm 2024

Trở về sau “kỷ lục”: nông dân có doanh thu cao nhất, 150 tỷ đồng, bà Biên phấn khởi cho biết, đây sẽ tiếp tục
là động lực để bản thân nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Dành cả thanh xuân đi… cào
ngao

Kể về hành trình khởi nghiệp,
bà Biên nhớ những ngày mùa đông hơn 30 năm trước đi cào ngao ở Lạch Trào (xã
Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) dưới cái rét căm căm.

“Lúc đó chưa ai nghĩ đến nuôi
ngao. Đi cào ngao tự nhiên ở cửa biển chỉ để mưu sinh. Lứa chúng tôi lớn lên
nhìn theo con nước mà mưu sinh. Quê tôi (xã Hoằng Thanh, Hoằng Hóa – PV), thời
kỳ đó người dân chủ yếu sống bám biển. Đàn ông khỏe mạnh thì đi bè mảng ra
khơi, phụ nữ chủ yếu cào ngao, kéo rùng ven bờ. Công việc vất vả nhưng thu nhập
không đáng là bao”, bà Biên bồi hồi nhớ lại.

Hơn 20 năm trước bà Biên từng đi cào ngao mưu sinh ven biển quê nhà

Cào ngao tự nhiên không làm
việc theo giờ mà phụ thuộc vào con nước và mùa vụ. Vì thế, thu nhập bấp bênh,
thiếu ổn định, bữa được, bữa không. Nhưng theo bà Biên chính những năm tháng
vất vả ấy đã hun đúc ý chí quyết tâm theo đuổi nghề nuôi ngao sau này. Đến mức,
mấy chục năm nay, bà có biệt danh là Biên “ngao”.

“Ngao có lẽ là cái nghiệp của
tôi vì lớn lên đi cào ngao, giờ lên bà nội, bà ngoại rồi vẫn ngày đêm gắn bó,
lăn lộn với ngao. Cào ngao thì đơn giản nhưng nuôi được ngao, chinh phục được
ngao rất khó. Tôi có may mắn là đi lên từ cào ngao nên hiểu đặc tính của ngao,
hiểu con nước, khí hậu, thổ nhưỡng, dần dần vừa học vừa làm tích lũy kinh
nghiệm nên cũng có chút gọi là thành công”, bà Biên tâm sự.

Bà Biên nói những năm tháng cào ngao mưu sinh đã hun đúc nên ý chí quyết tâm theo đuổi nghề nuôi ngao bây giờ

Nông dân trăm tỷ

Năm 2005, hơn 30 tuổi và có
khoảng chục năm cào ngao, bà Biên quyết định khởi nghiệp, quyết chí… làm ăn lớn
bằng nghề nuôi ngao. Từ 1 đến 2 ha bãi nuôi ngao ban đầu, sau gần 20 năm, người
phụ nữ hơn 50 tuổi giờ đây sở hữu khoảng 50 ha diện tích nuôi ngao khắp các
tỉnh từ Thanh Hóa, Nam Định đến Hải Phòng.

Nhìn lại hành trình đi lên từ
ngao, bà Biên nói nhiều phen phát ngán vì ngao chết. Năm 2017, do ô nhiễm
nguồn nước, hàng chục ha ngao bị chết, thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Đến năm
2021, thiệt hại ước tính gần chục tỷ đồng. Mặc dù vậy, bà Biên nói, bản thân đã
“nghiện” ngao nên không thể bỏ cuộc.

Gia đình bà Biên sở hữu 50 ha diện tích nuôi ngao tại nhiều tỉnh, thành

Nghề nuôi ngao nếu thuận lợi,
trúng vụ, thu nhập rất tốt nhưng nếu gặp mưa bão hay ô nhiễm môi trường, ngao
chết, nguy cơ sạt nghiệp rất cao. Bà Biên mong chính quyền các địa phương cần
quy hoạch vùng nuôi ngao ổn định, có biện pháp bảo vệ môi trường tốt, tránh
tình trạng để các nhà máy xả nước thải ra môi trường gần khu vực nuôi ngao.

Không chỉ nuôi ngao thương
phẩm, hiện nay hộ gia đình bà Biên còn nuôi ngao giống cung cấp cho thị trường
khắp các tỉnh miền Bắc và khu vực Bắc Miền Trung. Năm 2019 gia đình bà Nguyễn
Thị Biên đã đầu tư trên 27 tỷ đồng để mở rộng diện tích nuôi trồng và mua
sắm một số máy móc khai thác chuyên dụng. Mỗi năm cơ sở nuôi ngao của bà
Biên cung cấp giống nuôi cho diện tích trên 1.000 ha, sản lượng nuôi
trồng và thu mua trên 100 ngàn tấn ngao thương phẩm và được gia đình bà
đăng ký xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Ngao thương phẩm của gia đình bà Biên khai thác đến đâu tiêu thụ đến đó

Về kinh nghiệm nuôi ngao,
theo bà Biên, trước mỗi vụ nuôi thả ngao giống cần cho khử trùng đầm bãi, vệ
sinh khu vực nuôi, dọn bỏ các vỏ ngao, san phẳng bãi; theo dõi sự thay đổi đột
ngột của thời tiết, của con nước để có chế độ chăm sóc phù hợp. Ngoài ra, khi
bà con thả ngao cần thường xuyên theo dõi thủy triều, nhất là độ mặn, độ
phù sa và màu nước.

Năm 2023 được xem là năm đỉnh
cao trong sự nghiệp nuôi ngao của bà Biên khi doanh thu đạt 150 tỷ đồng, được
Trung ương Hội nông dân Việt Nam xác lập “kỷ lục” là nông dân có doanh thu lớn
nhất Việt Nam.

Bà Biên mong muốn vùng quy hoạch nuôi ngao cần ổn định, không để các nhà máy xả thải ô nhiễm khiến ngao chết

Bà Biên nói, ngoài việc không
ngừng học hỏi, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong việc nuôi ngao giống, ngao
thương phẩm, bản thân còn phải mở rộng thị trường, tăng cường quan hệ với đối
tác để tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay giá ngao trung bình tại bãi khoảng 12.000
đồng/kg. Ngao của gia đình bà có mặt ở hầu khắp các chợ đầu mối hải sản ở Thanh
Hóa và một số tỉnh Bắc Miền Trung. Ngoài ra một số lượng lớn sản phẩm ngao được
các nhà máy chế biển thủy hải sản ở khu vực phía Bắc thu mua.

Cào ngao thuê thu nhập
500.000 đồng/ngày

Việc đầu tư mở rộng vùng nuôi
trồng của gia đình bà Nguyễn Thị Biên cũng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng
80 lao động, lúc cao điểm lên tới 120 người, chủ yêu là lao động địa phương.

Ngày công thu hoạch ngao của mỗi lao động là 500 ngàn đồng/ngày

Bà Lê Thị Phú, 58 tuổi ở
phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) nói mỗi ngày làm công cho gia đình bà Biên khoảng 8 giờ nhưng tùy thuộc con nước. Có hôm làm như giờ hành chính
nhưng cũng có hôm làm vào ban đêm vì theo quy luật: “nước dòng ngao nổi”.

“Công việc tuy vất vả nhưng
thu nhập khá cao. Mỗi ngày công thu hoạch ngao chúng tôi được trả 500 ngàn nên
rất phấn khởi”, bà Phú nói.

Bạn cũng có thể thích