Liên Hợp quốc thông qua tiêu chuẩn phát triển bền vững cho thị trường carbon
Ảnh minh họa.
Liên Hợp quốc đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc đẩy nhanh triển khai Điều 6.4 của Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu bằng cách phê duyệt các tiêu chuẩn toàn diện cho các dự án loại bỏ carbon và khung phương pháp luận. Những tiêu chuẩn này, được công bố bởi Cơ quan Giám sát (SBM) vào ngày 10 tháng 10 năm 2024, được thiết kế để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của thị trường carbon toàn cầu.
Tại cuộc họp của SBM tổ chức tại thành phố Baku, Azerbaijan, kết thúc vào ngày 9 tháng 10, cơ quan này đã hoàn thiện hai tài liệu quan trọng: Tiêu chuẩn Loại bỏ Carbon và Tiêu chuẩn Phương pháp luận. Các tiêu chuẩn này nhằm đặt ra các quy định rõ ràng cho việc phát triển các dự án tín chỉ carbon theo Điều 6.4, một yếu tố quan trọng của Thỏa thuận Paris cho phép các quốc gia trao đổi tín chỉ carbon xuyên biên giới. Thay vì chờ phê duyệt tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2024 (COP29) sắp tới, SBM đã hành động để đẩy nhanh quá trình triển khai cơ chế này.
Theo Điều 6.4, các công ty tại một quốc gia có thể giảm phát thải và bán tín chỉ giảm phát thải này cho một công ty khác ở quốc gia khác. Việc triển khai điều khoản này sẽ cung cấp một cấu trúc mới cho thị trường carbon toàn cầu, tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về tín chỉ carbon, với các quy tắc về tính đủ điều kiện được Liên Hợp quốc định nghĩa.
Trong những năm gần đây, các cuộc đàm phán nhằm kích hoạt Điều 6.4 đã gặp nhiều khó khăn do lo ngại về tính toàn vẹn và phương pháp luận của các dự án loại bỏ carbon. Tuy nhiên, việc phê duyệt các tiêu chuẩn này bởi SBM đã mở đường cho những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này.
Theo bà Andrea Bonzanni – Giám đốc Chính sách Quốc tế tại Hiệp hội Thương mại Phát thải Quốc tế (IETA), quyết định này nhằm mục đích đơn giản hóa quá trình phê duyệt tại COP29 và cho phép cập nhật linh hoạt các tiêu chuẩn, điều mà bà đánh giá rất tích cực. “SBM và các thành viên có nhiệm vụ từ CMA (Hội nghị Các bên Tham gia Thỏa thuận Paris) và phải thực hiện nó. Nếu SBM bị quản lý quá chặt chẽ bởi CMA và các quyết định bị đàm phán lại tại mỗi COP, chúng ta sẽ không bao giờ có thể thiết lập được cơ chế tín chỉ hiệu quả”, bà Bonzanni nhấn mạnh.
Với việc công bố các tiêu chuẩn này, các nhà phát triển dự án giờ đây có thể nộp phương pháp luận của mình cho Hội đồng Chuyên gia Phương pháp dưới sự giám sát của SBM. Ông Dana Agrotti – chuyên gia phân tích carbon tại S&P Global Commodity Insights, cho biết tài liệu này là tiêu chuẩn theo đó các phương pháp cho các hoạt động loại bỏ có thể được thiết kế bởi SBM, các tổ chức thực hiện được chỉ định và các nhà phát triển tư nhân.
Điều này có nghĩa là các phương pháp trên thị trường carbon tự nguyện, nếu tuân thủ tiêu chuẩn này, có thể phát hành các đơn vị tín chỉ carbon đủ điều kiện theo Điều 6.4, tùy thuộc vào tiến triển của các cuộc đàm phán sắp tới. Điều này có thể mở ra nguồn cung cấp bổ sung cho các tín chỉ loại bỏ carbon, đặc biệt là các dự án được chính phủ chấp thuận thông qua việc áp dụng các điều chỉnh tương ứng.
Mặc dù quá trình định nghĩa tiêu chí cho các dự án carbon để đủ điều kiện tham gia cơ chế này kéo dài và gặp nhiều trở ngại, SBM cho biết họ sẽ phát triển và thực hiện các tiêu chuẩn này một cách chi tiết và nhanh chóng, đồng thời cung cấp báo cáo tiến độ cho CMA trong báo cáo thường niên.
Điều 6 của Thỏa thuận Paris quy định các nguyên tắc cho giao dịch toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính. Các quy tắc cho Điều 6.2, thiết lập hệ thống kế toán quốc gia cho phát thải với các nguyên tắc chung mà các quốc gia có thể áp dụng, đã được thống nhất tại COP26 ở Glasgow vào tháng 11 năm 2021.
Theo dữ liệu của Commodity Insights, các tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện có thể có giá trị khác nhau, từ mức tín chỉ đủ điều kiện CORSIA (Platts CEC, 17,30 USD/tCO₂e) cho đến tín chỉ thiết bị gia đình (4,55 USD/tCO₂e) và tín chỉ công nghệ thu giữ carbon (140 USD/tCO₂e), tính đến ngày 9 tháng 10.
Duy Trinh (theo rnergynews)