Hiệu quả từ truy xuất nguồn gốc bằng QR Code tại Ninh Bình

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình cho biết, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin với người tiêu dùng và trở thành tiêu chí cần phải có trong sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, góp phần mang lại lợi ích thiết thực đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đối với cơ quan quản lý, hoạt động truy xuất nguồn gốc hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; theo dõi, giám sát thị trường tiêu thụ và hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến an toàn thực phẩm.

Đối với doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc giúp công khai, minh bạch quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm; góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm, kiểm soát được thị trường và chất lượng sản phẩm, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và uy tín doanh nghiệp…

Đối với người tiêu dùng, kiểm tra được thông tin về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng, an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết rõ ràng về sản phẩm thông qua truy xuất bằng mã trên mỗi sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình.

Việc ứng dụng quét QR Code truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giúp người dân biết rõ mình đang sử dụng hàng hóa có xuất xứ ở đâu, thuộc đơn vị nào. Mặt khác, giúp doanh nghiệp minh bạch các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.

Việc truy xuất nguồn gốc thông qua mã hóa thông tin sản phẩm là việc làm rất cần thiết cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Thông qua hoạt động này giúp đơn vị quản lý quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng uy tín, thương hiệu cho sản phẩm của mình và chiếm được lòng tin của người mua do sự minh bạch về thông tin.

Sử dụng QR Code trong truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lọi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, nhà quản lý. Ảnh minh họa

Theo đó, để đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, trong những năm qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Ninh Bình đã tham mưu cho Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện về việc thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh.

Chi cục đã tham mưu cho Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai 2 nhiệm vụ về truy xuất nguồn gốc thực hiện Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh: “Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm thảo dược của tỉnh Ninh Bình” và “Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm Cơm cháy của tỉnh Ninh Bình”, các nhiệm vụ trên do Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia- Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia chủ trì thực hiện.

Kết quả, thông qua 2 nhiệm vụ trên đã hỗ trợ cho 6 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; đào tạo, hướng dẫn việc sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy và thảo dược theo đúng Tiêu chuẩn Việt Nam; hỗ trợ 60.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 2 nhóm sản phẩm nêu trên, với tổng kinh phí của 2 nhiệm vụ là 1.185.000.000 đồng.

Điển hình, tại Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, từ năm 2022, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị đã sử dụng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia. Thông qua mã QR gắn trên sản phẩm, tất cả công đoạn từ ươm giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đều được cập nhật trên hệ thống theo thời gian thực hiện. Từ đó đã thúc đẩy lượng hàng hoá tiêu thụ cho HTX.

Từ hiệu quả này, các cấp, các ngành đã tích cực hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Tập trung hướng dẫn việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trong quản lý, nhận diện, xác định nguồn gốc nông sản, thực phẩm an toàn cho các doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất khi có nhu cầu.

Ông Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn cho biết, so với trước đây, HTX mới có tem truy xuất thông tin, việc được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đã khẳng định uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại; chất lượng, giá cả sản phẩm được nâng tầm, tiếp cận và chinh phục nhiều khách hàng. 

Còn đối với HTX Nấm và cây dược liệu xã Khánh Công (Yên Khánh) hiện có 29 thành viên. Tổng diện tích trồng cây dược liệu là 14,5 ha. Khu nhà xưởng trồng nấm rộng 4.000 m2 bên cạnh đầu tư lắp đặt máy móc công nghệ cao HTX cũng áp dụng một mã QR gắn trên sản phẩm, người tiêu dùng có thể biết được toàn bộ quy trình sản xuất. Nhờ ứng dụng truy xuất nguồn gốc đã khẳng định uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, đồng thời góp phần ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Bên cạnh đó, để xây dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, HTX đã tiến hành đăng ký độc quyền bảo hộ sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ và đăng ký bản quyền tem nhãn, tem truy xuất nguồn gốc qua mã QR.

 An Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích