Thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II

(Xây dựng) – Ngày 16/10, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án phân loại đô thị thành phố Hà Tĩnh mở rộng (tỉnh Hà Tĩnh) đạt tiêu chí đô thị loại II. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chủ trì Hội nghị.

Thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng chủ trì Hội nghị.

Đô thị loại II trực thuộc tỉnh vào năm 2025

Thành phố Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại III vào năm 2007; được công nhận là đô thị loại II vào năm 2019. Từ ngày được công nhận là đô thị loại II, UBND thành phố Hà Tĩnh tiếp tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo Quy hoạch chung thành phố và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3926/QD-UBND ngày 09/10/2015).

Đến nay, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng phát triển đô thị, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị. Trên cơ sở kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc và Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1363/QĐ-TTg ngày 08/11/2022), thành phố Hà Tĩnh xác định đến năm 2025 sẽ là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu rõ: Nghiên cứu mở rộng không gian đô thị và địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh để đảm bảo điều kiện phát triển thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Bắc Trung bộ.

Nhằm cụ thể hóa định hướng mục tiêu phát triển đô thị, mở rộng địa giới hành chính, điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm vùng Bắc Trung bộ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, UBND thành phố đã xây dựng Đề án phát triển thành phố Hà Tĩnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 có quy mô phù hợp, tạo nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội hướng tới xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.

Đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 931/QĐ-UBND ngày 05/05/2022, đề ra nhiệm vụ trọng tâm là mở rộng không gian đô thị thành phố có quy mô phù hợp đáp ứng tiêu chí đô thị theo quy định.

Thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà tiếp thu ý kiến Hội đồng thẩm định.

Như vậy, việc mở rộng địa giới hành chính đô thị thành phố Hà Tĩnh đã có trong các quy hoạch có liên quan và phù hợp với hiện trạng phát triển, tốc độ đô thị hóa của thành phố trong thời gian qua.

Khu vực phụ cận thuộc phạm vi dự kiến mở rộng của thành phố Hà Tĩnh có tính gắn kết chặt chẽ và ảnh hưởng trực tiếp từ sự phát triển của thành phố, đồng thời là khu vực tạo động lực phát triển cung cấp, hỗ trợ các nguồn lực cho thành phố, cư dân trong khu vực có có xu hướng hòa nhập thuận lợi vào quá trình đô thị hóa của đô thị; là tiền đề và động lực để đô thị thành phố Hà Tĩnh phát triển hơn nữa trong tương lai.

Mặt khác, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện và cấp xã, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Hà Tĩnh.

Phương án xác định điều chỉnh, mở rộng địa giới ĐVHC thành phố Hà Tĩnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 14 xã giáp ranh liền kề, bao gồm 11 xã thuộc huyện Thạch Hà, 1 xã Hộ Độ thuộc huyện Lộc Hà và 2 xã thuộc huyện cẩm Xuyên.

Qua đối chiếu Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 30/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, thành phố Hà Tĩnh mở rộng cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II.

Việc xét đề nghị công nhận thành phố Hà Tĩnh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II là hết sức cần thiết nhằm đánh giá đúng vị thế, vai trò, thực trạng phát triển đô thị của thành phố Hà Tĩnh, từ đó đưa ra các giải pháp quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị phù hợp với định hướng lâu dài, tạo đà tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế trong tương lai.

Thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hà Tĩnh

Phạm vi nghiên cứu lập Đề án bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thành phố Hà Tĩnh và 14 xã giáp ranh liền kề thuộc các huyện Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên.

Trong đó, khu vực nội thành bao gồm 10 phường hiện hữu và 4 xã dự kiến trở thành phường. Khu vực ngoại thị bao gồm xã Thạch Bình (thành phố Hà Tĩnh), xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà), 11 xã thuộc huyện Thạch Hà và 2 xã thuộc huyện cẩm Xuyên.

Về chức năng, vai trò của đô thị, thành phố Hà Tĩnh sẽ là trung tâm chuyên ngành cấp vùng hoặc trung tâm tổng hợp cấp tỉnh về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, khoa học và công nghệ, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của một tỉnh, vùng liên tỉnh.

Mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 9,44%. Tăng trưởng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn gấp 2,25 lần so với cả nước. Cân đối thu chi ngân sách dư. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm xuống còn 2,11%. Tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ tăng theo mục tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khoảng 75,51%.

Dân số toàn đô thị khoảng 266.000 người, tỷ lệ dân số khu vực nội thành, nội thị chiếm 59,7%. Tỷ lệ tăng dân số đạt 1,43%, mật độ dân số toàn đô thị là 1.309 người/km2. Cũng theo Đề án, thành phố Hà Tĩnh cơ bản đạt các nhóm tiêu chuẩn về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị.

Tuy nhiên, thành phố này vẫn còn 6 tiêu chuẩn chưa đạt, đó là thu nhập bình quân đầu người so với trung bình cả nước; Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị; Mật độ đường giao thông đô thị; Quy chế quản lý kiến trúc đô thị hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; Công trình xanh; khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.

Về kết quả rà soát, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với các xã dự kiến thành lập phường thuộc thành phố Hà Tĩnh, cả 4 khu vực dự kiến thành lập phường Thạch Hạ, Thạch Trung, Thạch Hưng và Đồng Môn đạt từ 10 – 13/13 tiêu chuẩn.

Đối chiếu với Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khu vực các xã dự kiến thành lập phường thuộc thành phố Hà Tĩnh đáp ứng các tiêu chuẩn của phường thuộc đô thị loại II.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh xây dựng quy chế quản lý kiến trúc

Về cơ bản, các thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí đánh giá Đề án có đầy đủ cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục đúng quy định của pháp luật. Nội dung Đề án phù hợp với quy hoạch, chương trình phát triển đô thị của tỉnh và Trung ương. Báo cáo của tỉnh có tiếp thu, chỉnh sửa theo góp ý của các Bộ, ngành, Hội, Hiệp hội.

Thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định.

Mặc dù vậy, Hội đồng thẩm định vẫn đóng góp một số ý kiến để thành phố Hà Tĩnh và đơn vị tư vấn hoàn thiện Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Đối với 4 xã dự kiến thành lập phường, Hội đồng thẩm định lưu ý cần có tầm nhìn trong việc hoạch định, định hướng xây dựng hệ thống hạ tầng khung, hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp thoát nước; Đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy chế quản lý kiến trúc; Định hướng đầu tư công trình xanh, đô thị xanh; Bổ sung đánh giá rủi ro thiên tai và biện pháp phòng chống thiên tai; Triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp đô thị…

Đồng thời, địa phương cần làm rõ hơn việc đánh giá hiện trạng, nhất là công tác đầu tư phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm, đầu tư các khu vực dự kiến thành lập phường.

Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đã tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định, đồng thời cam kết tỉnh sẽ phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc chậm nhất là ngày 15/11/2024.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng làm rõ một số nội dung liên quan đến tiêu chuẩn cây xanh, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, phương hướng khắc phục các tiêu chí còn yếu và chưa đạt…

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Trần Quốc Thái lưu ý UBND tỉnh Hà Tĩnh chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo, đảm bảo sự phù hợp của Đề án về phạm vi ranh giới và các quy hoạch liên quan.

Thành phố Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II
Sơ đồ hành chính đô thị Hà Tĩnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ Đề án; Rà soát, thuyết minh các bảng biểu, bản vẽ, đảm bảo sự thống nhất; Đảm bảo tính chính xác của số liệu, thông tin được nêu trong Đề án và báo cáo giải trình.

Địa phương cần cụ thể hóa các giải pháp và hoàn thiện, khắc phục các tiêu chuẩn chưa đạt hoặc đạt ở mức thấp; Nâng cao chất lượng đô thị, phấn đấu đến năm 2025 đảm bảo đạt các tiêu chí cơ sở hạ tầng; Phê duyệt các quy hoạch phân khu liên quan.

Đối với 4 xã dự kiến thành lập phường, diện tích đất nông nghiệp còn lớn, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo theo quy định, Thứ trưởng đề nghị làm rõ hơn nội dung này trong hồ sơ Đề án.

Thứ trưởng cũng đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương rà soát quy hoạch chung đô thị Hà Tĩnh; Quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật như giao thông, vận tải, xử lý rác thải, nước thải…Quan tâm đảm bảo công bằng cho người dân trong quá trình sát nhập các huyện vào thành phố Hà Tĩnh…

Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Đề án phân loại đô thị thành phố Hà Tĩnh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II với số điểm trung bình là 83,3 điểm, không tiêu chí nào dưới mức tối thiểu. Khu vực các xã dự kiến thành lập phường đáp ứng các tiêu chuẩn của phường thuộc đô thị loại II.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích