Chuyển đổi xanh: Giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu

Ảnh minh họa.

“Chuyển đổi xanh” đã trở thành xu thế tất yếu, là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Trong hơn 2 thập kỷ qua, Việt Nam phải chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ thực trạng tỷ lệ rừng suy giảm.

Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Nhiều văn bản liên quan đã được ký kết như: Tuyên ngôn quốc tế và kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999).

Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như chương trình cấp nhãn sinh thái, nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai. Đặc biệt là, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến tiêu dùng xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới.

Định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện chi tiết tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Việt Nam đang tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả, đồng thời nỗ lực hết sức mình để phục hồi hậu Covid-19.

Để tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ nhất Chuyển đổi xanh trong bối cảnh biến đổi toàn cầu năm 2024 – “The 1st International Conference Green Transformation 2024” do Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24 – 25/10/2024, tại tầng 18, Eurowindow Office Building, số 2 Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.

Chủ đề của hội thảo “Chuyển đổi xanh trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm kiếm những giải pháp mới, linh hoạt và sáng tạo để giải quyết các thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Những đóng góp của hội thảo này sẽ góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho việc xây dựng một tương lai bền vững hơn cho các thế hệ mai sau, nơi con người và thiên nhiên có thể cùng tồn tại và phát triển hài hòa.

Với bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đang là những thách thức lớn trên toàn cầu, hội thảo hứa hẹn sẽ mang đến những đóng góp quan trọng trong việc tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi xanh. Đây không chỉ là một diễn đàn khoa học liên ngành mà còn là nơi gặp gỡ, chia sẻ những ý tưởng sáng tạo, chính sách và kinh nghiệm thực tiễn từ các nhà nghiên cứu và chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.

Những phiên thảo luận nóng hổi

Nội dung của hội thảo được chia thành tám phiên thảo luận xoay quanh những chủ đề thiết thực, phản ánh các vấn đề nóng hiện nay:

Phiên I, Chính sách, quản lý và kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh: Đề cập đến những thách thức và cơ hội trong việc chuyển đổi năng lượng tái tạo tại Việt Nam, cũng như các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn. Những kinh nghiệm thực tiễn từ các lĩnh vực khác nhau sẽ được chia sẻ, như quy trình chuyển đổi xanh trong ngành hóa chất hay ngành cảng biển…

Phiên II, Chuyển đổi xanh trong bối cảnh chuyển đổi số: Sự tích hợp giữa công nghệ số và chuyển đổi xanh sẽ là chủ đề trung tâm. Những nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin trong công-nông nghiệp, cũng như việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục số sẽ được thảo luận, nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất và bảo vệ môi trường.

Phiên III, Giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng: Thảo luận về các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng sang các nguồn tái tạo. Các nghiên cứu trường hợp từ nhiều quốc gia sẽ chỉ ra những mô hình thành công và các phương pháp kỹ thuật hiệu quả.

Phiên IV, Thảm họa, môi trường và biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống và môi trường sinh thái, phiên này sẽ tập trung vào đánh giá tác động của biến đổi khí hậu cũng như các giải pháp thích ứng tại các khu vực đô thị, nông thôn, miền núi và các vùng dân cư ven biển tại Việt Nam.

Phiên V, Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn: Các bài viết trong phiên này phân tích các mô hình kinh tế chia sẻ, tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Những thách thức trong việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam sẽ được thảo luận, nhằm tìm ra các giải pháp khả thi.

Phiên VI, Vật liệu thân thiện với môi trường và công nghệ các-bon thấp: Các nghiên cứu về vật liệu xây dựng từ đất sét tự nhiên và công nghệ xử lý chất thải sẽ được chia sẻ, phản ánh sự phát triển của các công nghệ mới nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.

Phiên VII, Sinh thái nông nghiệp và hệ thống thực phẩm bền vững: Những nghiên cứu về nông nghiệp và tác động của môi trường, thực phẩm, đến hành vi tiêu dùng sẽ giúp mở rộng hiểu biết về cách mà thực phẩm có thể được sản xuất và tiêu thụ một cách bền vững.

Phiên VIII, Văn hóa, giáo dục và truyền thông về chuyển đổi xanh: Phiên này sẽ tìm hiểu vai trò của giáo dục và truyền thông trong việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh, bao gồm cả sự tham gia của các cộng đồng địa phương và các chiến lược giáo dục để thúc đẩy các hành động bền vững.

Triển lãm sản phẩm xanh và kết nối doanh nghiệp

Song song với các phiên thảo luận, Hội thảo còn có các gian hàng triển lãm sản phẩm xanh diễn ra trong hai ngày 24-25/10. Đây là cơ hội để người tiêu dùng trải nghiệm thực tiễn các sản phẩm bền vững, đồng thời giúp doanh nghiệp kết nối kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm. Các cơ quan quản lý, tổ chức và hiệp hội cũng sẽ tham gia trao đổi, đề xuất sáng kiến nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ nhất về chuyển đổi xanh này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kiến thức giá trị, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.

Dương Giang

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích