Thắt chặt tình đoàn kết đặc biệt, mở rộng hợp tác nghị viện giữa Việt Nam và Lào
Chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Một tiết mục nghệ thuật tại lễ khai mạc cuộc đua xe đạp với tên gọi ‘Đoàn xe của tình đoàn kết’ chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch AIPA Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và tham dự Đại hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) từ ngày 17 đến 19/10.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến Lào trên cương vị mới, diễn ra ngay trước thềm Đại hội đồng AIPA lần thứ 45 mà Lào là nước chủ nhà. Chuyến thăm là dịp để thắt chặt tình đoàn kết đặc biệt, mở rộng hợp tác nghị viện giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào không ngừng được vun đắp
Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai nước luôn gắn bó bền chặt.
Ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. 47 năm qua, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để không ngừng thắt chặt và phát triển quan hệ giữa hai nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên “hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện” vào tháng 2/2019 nhân chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Đây là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử quan trọng, tạo bước đột phá mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Từ đây, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào ngày càng trở nên gắn bó keo sơn, đổi mới và phát triển.
Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane chiều 11/7/2024 tại thủ đô Vientiane. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Trong những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước tăng cường gặp gỡ, thường xuyên trao đổi đoàn trên tất cả các kênh.
Gần đây, hai nước đã tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào (ngày 7/1/2024); Cuộc gặp cấp cao thường niên giữa hai Đảng (ngày 26/2/2024); tích cực tổ chức các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao và các cấp như: Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước) Tô Lâm thăm cấp Nhà nước tới Lào (ngày 11 và 12/7/2024); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam (ngày 10 đến 13/9/2024); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 tại Pháp (ngày 5/10/2024); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane… nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Lào (ngày 8 đến 11/10/2024)…
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane ngày 8/10/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thông qua các chuyến thăm và làm việc lẫn nhau, hai bên đã trao đổi thực chất, thẳng thắn, định hướng quan hệ giữa hai Đảng, hai nước phát triển ổn định, vững chắc và hiệu quả hơn; khẳng định quyết tâm tăng cường, nâng cao mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong tình hình mới, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nước.
Trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai nước luôn quan tâm và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 1,64 tỷ USD; 8 tháng năm 2024 đạt 1,3 tỷ USD.
Về đầu tư, tính đến tháng 8/2024, Việt Nam có 256 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào, với tổng vốn đăng ký hơn 5,5 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam có 6 dự án được cấp phép mới với vốn đầu tư đạt 36,7 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhiều dự án đầu tư của Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách của Lào, nhất là trong lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa.
Công nhân làm việc tại một xưởng chế biến chuối của Công ty Nông nghiệp Nam Lào tại tỉnh Attapeu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Ngoài ra, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, góp phần duy trì ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội của mỗi nước và khu vực biên giới hai nước. Hợp tác trên các lĩnh vực khác như kết nối giao thông, giáo dục-đào tạo, văn hóa, giao lưu nhân dân… tiếp tục được quan tâm.
Trên các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước Việt Nam-Lào luôn phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau; tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp với các nước thành viên ASEAN khác trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì đoàn kết, đồng thuận của ASEAN trong các vấn đề chiến lược ở khu vực.
Trong năm 2024, Việt Nam tích cực phối hợp chặt chẽ và ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, Chủ tịch AIPA-45.
Đẩy mạnh hợp tác giữa Quốc hội hai nước
Cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai Đảng, hai nước, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên đã duy trì hợp tác chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả trên kênh nghị viện, đóng góp quan trọng vào tổng thể quan hệ giữa hai nước.
Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao, trao đổi kinh nghiệm công tác, giao lưu cấp Ủy ban, giữa các Nhóm Nghị sỹ hữu nghị hai nước; hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực, quốc tế như: Đại hội đồng liên Nghị viện các nước ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP), Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF)…
Hai bên tích cực phối hợp triển khai Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội, tích cực chia sẻ nhiều kinh nghiệm quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật và triển khai nhiều hoạt động hợp tác đa dạng như trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và các cấp của hai Quốc hội; tổ chức hội thảo chuyên đề có nội dung chuyên môn sâu, thiết thực đối với hoạt động của Quốc hội hai nước; phối hợp giám sát các thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước.
Các hoạt động hợp tác giữa hai Quốc hội tiêu biểu thời gian qua như: trao đổi đoàn hằng năm, hai bên trao đổi 2-3 đoàn lãnh đạo cấp cao Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội) và nhiều đoàn các cơ quan của hai Quốc hội (từ 5-10 đoàn/năm).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Lào và tham dự AIPA-45 từ ngày 17 đến 19/10. (Nguồn: TTXVN) |
Hai bên đã hình thành cơ chế hợp tác giữa Đại biểu Quốc hội trẻ, nữ Đại biểu Quốc hội hai nước; cơ chế hợp tác thường niên giữa các Ủy ban, hai Văn phòng Quốc hội/Ban Thư ký của hai Quốc hội…
Đặc biệt, một sự kiện mang tính biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào là vào ngày 10/8/2021, Việt Nam đã chính thức bàn giao cho Lào công trình Tòa nhà Quốc hội mới sau 4 năm xây dựng. Đây là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em.
Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane khẳng định công trình Tòa nhà Quốc hội này là một trong những biểu tượng hiếm có trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt-Lào anh em.
Hiện Quốc hội hai nước đang tích cực phối hợp nghiên cứu biên soạn và xuất bản cuốn sách “50 năm quan hệ giữa Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào-Hợp tác toàn diện và phát triển” để tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của nhân dân hai nước về quan hệ gắn bó giữa hai Quốc hội, góp phần giúp nhân dân hai nước nhận thức sâu sắc hơn nữa về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào…
Trên cơ sở nền tảng quan hệ tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lần này tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành ưu tiên cao nhất và coi trọng việc phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; đồng thời tăng cường sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; đánh giá kết quả hợp tác giữa hai Đảng, hai nước, nhất là hợp tác giữa hai Quốc hội trong thời gian qua; trao đổi phương hướng và các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai Quốc hội thời gian tới; trao đổi về một số tình hình nổi bật của khu vực và thế giới hai bên cùng quan tâm.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn hội đàm song phương với Đoàn đại biểu Quốc hội Lào do Thượng tướng Souvon Leungbounmi làm Trưởng đoàn chiều 8/10/2024. (Ảnh: Xuân Tú/TTXVN) |
Theo Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động sâu sắc đến các nước, trong đó có Việt Nam và Lào, sự đoàn kết và sự giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quốc hội Việt Nam và Lào là yếu tố khách quan, quy luật lịch sử, một trong những nguồn sức mạnh to lớn nhất và có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước, góp phần giữ gìn và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Theo Đại sứ Nguyễn Minh Tâm, trong thời gian tới, Quốc hội hai nước cần tiếp tục chú trọng phối hợp chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội hai nước tập trung giám sát và tạo thuận lợi cho việc triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao, các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2030, Hiệp định Hợp tác Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội hai nước tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm về các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội bao gồm các Kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội về các nội dung hợp tác mà hai bên cùng quan tâm, nhằm tham mưu cho Quốc hội, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác; tăng cường giao lưu giữa Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị, Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội, Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, trao đổi đoàn đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới và các tỉnh có quan hệ kết nghĩa của hai nước.
Một vấn đề mang tính chiến lược nữa là tăng cường hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng bồi dưỡng cán bộ quản lý của hai Quốc hội.
Ngoài ra, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, trao đổi lập trường trong các vấn đề quốc tế và khu vực tại các diễn đàn liên Nghị viện khu vực và quốc tế như IPU, AIPA, APPF, APF…, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Chắc chắn chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quốc hội và nhân dân hai nước, đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào tiếp tục trở thành mối quan hệ mẫu mực hiếm có trên thế giới./.
Nguồn: Báo xây dựng