Chia sẻ giải pháp khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng dự và phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.

Biến nhận thức thành kết quả cụ thể

Thông tin tại Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội) cho biết: Việc đào tạo thế hệ trẻ luôn nhận được sự quan tâm của cả xã hội, kể cả những lúc khó khăn. Đặc biệt, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, trên cơ sở đánh giá thực trạng nền giáo dục cho đến những năm 90 của thế kỷ 20, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/1/1993 xác định: “Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đã được Đại hội VII xem là quốc sách hàng đầu. Đó là một động lực thúc đẩy và là một điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước”. Điều này cũng đã được hiến định; khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đã được nâng lên vị trí mới, luôn được tập trung ngân sách để phát triển.

Chia sẻ giải pháp khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi
Quang cảnh Tọa đàm.

Với Hà Nội – Thủ đô của cả nước, lãnh đạo Thành phố luôn xác định giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước. Chính vì vậy, trong suốt 70 năm qua, kể từ khi giải phóng, quy mô giáo dục Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ với gần 3 nghìn trường học, hơn 70 nghìn lớp học với gần 140 nghìn giáo viên và khoảng 2,2 triệu học sinh các cấp. Đặc biệt, những năm gần đây, việc đầu tư cho giáo dục lại càng được Thành phố chú trọng. Trong Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy, Hà Nội đã dành hơn 2,5 nghìn tỷ đồng để xây dựng 5 trường liên cấp với diện tích từ 5ha trở lên với trang thiết bị hiện đại. Điều đó chứng tỏ cả hệ thống chính trị của Hà Nội đã vào cuộc chăm lo cho ngành Giáo dục, biến nhận thức thành kết quả cụ thể.

Tuy vậy, mặc dù kinh tế Thủ đô luôn tăng trưởng, năm sau tăng hơn năm trước, đời sống người dân đã được nâng lên đáng kể những vẫn chưa đồng đều giữa nội và ngoại thành, giữa vùng thành phố và núi cao, giữa vùng công nghiệp phát triển và vùng nông nghiệp đơn thuần.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, trong những năm gần đây, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều Nghị quyết mang tính đặc thù liên quan đến giáo dục để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời cho các học sinh, sinh viên sinh sống trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí đặc biệt khó khăn do thiên tai, bệnh tật, bố (mẹ) mất sớm… nên việc học tập bị ảnh hưởng.

Chia sẻ giải pháp khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm.

Bằng nhiều hoạt động đa dạng, thời gian qua, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã hỗ trợ được nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vượt lên để học giỏi, duy trì được phong trào học tập trong cộng đồng dân Thủ đô. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần sự chung tay của nhiều lực lượng với những giải pháp bền vững, giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập tốt.

Cùng trao đổi để tìm ra giải pháp thiết thực, kịp thời

Tọa đàm đã thu hút nhiều ý kiến trao đổi của các nhà khoa học, chuyên gia, nhà giáo, đại diện chính quyền địa phương… với cùng mục tiêu tìm ra giải pháp thiết thực, kịp thời khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi.

Phát biểu tại Tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng) đã chia sẻ một số giải pháp khuyến khích học sinh vượt khó từ kinh nghiệm giáo dục thực tế của Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng trong 35 năm qua. Đó là các giải pháp về xây dựng mô hình tự học tự rèn, giúp học sinh có văn hóa phát triển bản thân, tạo động lực để học sinh phát triển…

Chia sẻ giải pháp khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi
Các đại biểu trình bày tham luận tại Tọa đàm.

Với đặc thù địa bàn còn nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết một trong những giải pháp hỗ trợ học sinh đang được triển khai hiệu quả là phối hợp với các doanh nghiệp, các mạnh thường quân để xây dựng quỹ học bổng dành riêng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo từng giai đoạn; đồng thời chú trọng việc xây dựng quỹ học bổng dài hạn cho học sinh, sinh viên nghèo.

Trong khi đó, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội cho biết đã và đang tích cực triển khai chương trình “Đồng hành cùng con” nhằm góp phần củng cố kết quả phổ cập giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông và giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Ngoài ra, đơn vị còn tích cực hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động nhằm hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi…

Đánh giá cao chủ đề của Tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, chủ đề của buổi Tọa đàm rất hay, rất hấp dẫn, vừa có ý nghĩa thời sự lại vừa mang tính nhân văn.

Chia sẻ giải pháp khuyến khích học sinh, sinh viên vượt khó học giỏi
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, để bình đẳng trong học tập, tạo cơ hội học tập cho mọi người thì chính sách là quan trọng. Ngoài chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về giáo dục và đào tạo, các lực lượng trong xã hội cần quan tâm, chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em tự kỷ, trẻ em yếu thế… để làm sao có tính nhân văn trong công tác khuyến học, khuyến tài, qua đó nhân lên những giá trị nhân văn, lòng nhân ái của con người… Các lực lượng xã hội phải cùng tham gia, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu để đạt tới mục tiêu không ai bỏ lại phía sau.

Thảo Nguyên

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích