Quảng Trị thu giữ gần 300 đôi giày, dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

Qua khám phương tiện phát hiện gần 300 sản phẩm gồm giày, dép các loại (210 đôi giày thể thao các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 84 đôi dép nữ giả mạo nhãn hiệu GUCCI, LOUIS VUITTON, DIOR, BURBERRY) có trị giá trên 20 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe đồng thời là chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xử lý theo quy định pháp luật.

Trong thời gian tới, nhất là những tháng cuối năm 2024, giáp Tết Nguyên đán Ất tỵ dự báo nhu cầu tiêu dùng tăng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội kiểm soát Hải quan kiểm tra hàng hóa vi phạm

Đội Quản lý thị trường số 2 tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng chức năng, thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm ổn định thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Liên quan tới giày dép giả mạo nhãn hiệu, các chuyên gia cho biết, đối với giày dép giả mạo nhãn hiệu, giá rẻ thường sử dụng vật liệu phế thải được tái chế hoặc tận dụng lại nên có thể lẫn nhiều tạp chất bẩn và các hóa chất độc hại, cũng như các thành phần kim loại nặng. Hóa chất tạo màu cũng được sử dụng rất nhiều để tạo màu sắc bắt mắt, để tẩy trắng hoặc để làm tối màu vật liệu. Các hóa chất độc hại này không những bay mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến hô hấp mà còn có nguy cơ gây dị ứng, viêm da ở những người mẫn cảm.

Thực tế không ít người do sử dụng giày dép không có chất lượng tốt thường gây bí, hôi chân, thậm chí nhiều trường hợp kích ứng nặng phải vào viện điều trị đôi chân viêm da, mẩn đỏ, rát ngứa, thậm chí nổi mụn, chảy nước và sưng phồng lên. Nguyên nhân của những biểu hiện kích ứng da này là do vật liệu sản phẩm, từ các vật liệu giả da, các chất hóa dẻo, keo dán, nhựa tái chế, hay màu tổng hợp…

Đặc biệt, thành phần các chất hóa dẻo là những chất DOP (Dioctyl Phthalate), DEP (Diethyl phthalate), DBP (dibutyl Phthalate) đều là những hóa chất độc hại, tuy được dùng trong công nghiệp nhưng phải tuân theo giới hạn về hàm lượng cụ thể. Tuy nhiên, thực tế là việc kiểm soát giới hạn này ở các sản phẩm trôi nổi là gần như không thể.

Ngoài ra, ngay cả đối với những đôi giày bằng chất liệu da thật thì hàng kém chất lượng cũng tiềm ẩn nguy cơ tồn dư hóa chất, đặc biệt là crom VI – một hóa chất kim loại nặng rất độc hại. Trong quá trình chế tạo, nếu công nghệ xử lý không đảm bảo thì rất có thể một lượng crom VI sẽ còn tồn dư lại. Các loại bột crom được sử dụng trong những sản phẩm kém chất lượng không thể khẳng định chắc chắn là còn tồn dư crom VI hay không. Ngoài ra, crom VI còn được dùng trong chất màu pigment tạo màu nâu đỏ trong sơn màu cho da giày.

Bảo Linh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích