Gia Lai: Thay thế các cán bộ làm trì trệ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
(Xây dựng) – Theo công điện về việc đôn đốc mạnh giải ngân đầu tư công những tháng cuối năm của Thủ tướng Chính phủ. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Gia Lai đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Nhiều giải pháp đang được tỉnh Gia Lai đưa ra để thúc đẩy tiến độ thực hiện công tác này.
Tỉnh Gia Lai đang thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng. |
Tính đến giữa tháng 8/2024, tỷ lệ giải ngân của các chủ đầu tư có sự phân hóa rõ rệt. Huyện Đức Cơ (44%) và huyện Krông Pa (43,2%) là hai địa phương đạt kết quả khả quan, cao hơn mức trung bình cả nước (40,49%). Tuy nhiên, 9/11 địa phương còn lại có tỷ lệ giải ngân thấp hơn, với một số địa phương như thị xã Ayun Pa chỉ đạt mức 18,5%.
Ngoài các huyện, thị xã, các Sở, ban, ngành cũng không đạt được kết quả như mong đợi. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ đạt 1,6%, trong khi các đơn vị khác như: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (9,3%) hay Sở Y tế (3,9%) cũng đều dưới mức trung bình.
Nguyên nhân dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tại Gia Lai xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước hết, các dự án lớn gặp khó khăn trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Ví dụ, các dự án đường nội thị của thị xã Ayun Pa và huyện Phú Thiện, hay đường giao thông liên xã của huyện Ia Pa đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.
Ngoài ra, tình trạng thiếu vật liệu xây dựng cũng là một nguyên nhân quan trọng, đặc biệt tại các huyện Đăk Pơ và Kbang. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai hai dự án lớn là Dự án Tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên và Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19, khiến nguồn cung vật liệu xây dựng như cát và đá dăm không đủ để đáp ứng nhu cầu.
Một vấn đề khác là nhiều dự án lớn hiện mới chỉ ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc điều chỉnh, chưa có khối lượng thi công cụ thể. Điều này khiến tiến độ giải ngân chậm trễ và chỉ dự kiến sẽ có sự thay đổi sau quý IV/2024.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, các chủ đầu tư cần tập trung giải quyết vấn đề bồi thường và giải phóng mặt bằng, bởi đây được xem là “nút thắt” của quá trình triển khai dự án.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng được giao nhiệm vụ rà soát lại tình hình cung ứng vật liệu xây dựng và báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Các chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ dự án, trong khi các cơ quan thẩm định phải rút ngắn thời gian thẩm định và hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị có hồ sơ chưa đạt chất lượng.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Gia Lai cũng nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Các cán bộ, công chức có năng lực yếu kém, gây trì trệ hoặc tiêu cực trong quá trình thực hiện sẽ bị thay thế. Đây là một biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo các dự án được triển khai đúng tiến độ, tránh tình trạng chậm trễ kéo dài.
Tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công tại Gia Lai đã gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển của tỉnh. Việc khắc phục những hạn chế này không chỉ phụ thuộc vào các giải pháp kỹ thuật, mà còn đòi hỏi sự quyết liệt trong việc thay thế những cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm và kém năng lực. Chỉ khi có sự thay đổi mạnh mẽ trong quản lý và điều hành, Gia Lai mới có thể hoàn thành các mục tiêu đầu tư công và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Nguồn: Báo xây dựng