Quy hoạch, phát triển đô thị tại Khu kinh tế mở Chu Lai
Theo quy hoạch, Khu đô thị Chu Lai sẽ là là khu đô thị với các chỉ tiêu tương đương đô thị loại II, rộng khoảng 329,32ha thuộc địa phận xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành.
Quy hoạch đô thị Chu Lai rộng gần 400ha
Theo đó, Khu đô thị Chu Lai giáp khu cảng, logistics và phi thuế quan Chu Lai – Trường Hải; giáp Vịnh An Hòa, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Khu đô thị sinh thái cao cấp Vịnh An Hòa; giáp Quốc lộ 1 và Khu công nghiệp, hậu cần cảng Tam Hiệp.
Khu đô thị Chu Lai là khu đô thị được định hướng xây dựng các khu đô thị sinh thái hỗn hợp, khu biệt thự cao cấp ven sông, phát triển đa dạng hóa các khu dịch vụ hỗn hợp và hệ thống không gian xanh; đồng thời xây dựng, cải tạo khu vực hiện trạng chỉnh trang gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng môi trường, bảo tồn không gian cảnh quan và tạo điểm nhấn cho khu đô thị. Các lớp không gian chức năng được gắn liền với trục chính đô thị, gồm các lớp cây xanh mặt nước, lớp dịch vụ công cộng, khu hỗn hợp thương mại. Các lớp không gian này sẽ được chia tách bằng các khe chức năng xanh là sân vườn, mặt nước, quảng trường – công viên và đường đi bộ.
Trục trung tâm của khu đô thị với các dãy cây xanh song song kết nối các không gian chuyên biệt, là trục không gian tập trung các công trình cao tầng tạo nên điểm đặc trưng của đô thị. Hệ thống giao thông được phát triển với các trục giao thông chính xuyên suốt kết nối các khu vực trọng điểm tạo tiền đề cho sự phát triển về hạ tầng xã hội, các tiện ích và các hoạt động. Khu vực dân cư hiện trạng được tổ chức, sắp xếp lại theo cấu trúc đô thị mới, chuyển đổi ngành nghề hiện hữu sang dịch vụ đô thị. Các khu vực dân cư được tổ chức trong không gian đô thị nhất quán, nhằm tạo sự phát triển bền vững trong tương lai. Quản lý chặt chẽ các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc để góp phần tạo nên tổng thể đô thị đồng nhất.
Khu đô thị Chu Lai sẽ được phát triển thành 2 khu vực phát triển đô thị với đầy đủ chức năng nằm hai bên trục đường Võ Chí Công nhằm đảm bảo phù hợp kết nối với tính chất trục đường chính, liên khu vực. Trong đó, khu vực 1 là khu vực phát triển đô thị Đông Bắc đường Võ Chí Công, rộng khoảng 147ha (phía Đông Bắc giáp khu cảng, logistics và phi thuế quan Chu Lai – Trường Hải; phía Tây Nam giáp đường Võ Chí Công; phía Đông Nam giáp sông Bến Ván; phía Tây Bắc giáp đường trục chính nối cảng Tam Hiệp đi đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi). Đây sẽ là khu đô thị hỗn hợp, mật độ dân cư tập trung cao, gồm: Các khu ở đô thị mật độ cao; khu ở mang tính chất du lịch và nghỉ dưỡng; khu nhà ở xã hội, công nhân và tái định cư; khu trung tâm dịch vụ hỗn hợp ven sông với các công trình: công viên cảnh quan, biệt thự cao cấp, biệt thự sinh thái, công trình công cộng đô thị, thương mại dịch vụ; tận dụng cảnh quan ven sông để tạo lập không gian sống sinh thái gắn với mặt nước, đồng thời hỗ trợ điều hòa nước cho toàn khu đô thị.
Khu vực 2 là khu phát triển đô thị Tây Nam đường Võ Chí Công, rộng khoảng 182,32ha (phía Đông Bắc giáp đường Võ Chí Công, phía Tây Nam giáp Quốc lộ 1; phía Đông Nam giáp Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam và Khu đô thị sinh thái cao cấp Vịnh An Hòa; phía Bắc giáp đường trục chính nối cảng Tam Hiệp đi đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi). Đây sẽ là khu vực phát triển đô thị sinh thái trong tổng thể Khu đô thị Chu Lai, với trục trung tâm là trục điểm nhấn của toàn bộ khu đô thị. Bao gồm các khu vực ở mang tính chất sinh thái, hạ tầng đồng bộ, hiện đại; khu vực nhà ở chỉnh trang cho phù hợp với không gian cảnh quan chung khu đô thị Chu Lai; các khu chung cư cao tầng và văn phòng, công trình dịch vụ công cộng nằm hai bên trục cảnh quan song lập; hệ thống công trình hỗn hợp, dịch vụ, văn phòng, khách sạn tập trung tạo nên các tiện ích đặc trưng, kết hợp cùng bến thuyền tạo thành cụm cảnh quan nổi bật cho toàn bộ khu đô thị. Thiết lập hệ thống cảnh quan mặt nước và thảm xanh tạo điểm nhấn kết nối các công trình Landmark (điểm nhấn) trong khu vực, với tầng cao các công trình từ 5 – 12 tầng cùng chức năng hỗn hợp dịch vụ, lưu trú cho chuyên gia.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị Chu Lai được lập theo định hướng của Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu Kinh tế mở Chu Lai. Trong quá trình lập quy hoạch có rà soát khớp nối các đồ án, dự án đã và đang triển khai, sự phù hợp hiện trạng, tính khả thi so với định hướng của các đồ án quy hoạch chung nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp.
Tập trung công tác giải phóng mặt bằng
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai vẫn còn chậm so với tiến độ mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực.
Dự án Khu công nghiệp Thaco Chu Lai có quy mô 451,55ha, tuy nhiên đến nay công tác thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ mới hoàn thành được 29,14%, tương đương 131,58ha/451,55ha. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đây là dự án trọng điểm được Ban Chỉ đạo bồi thường, GPMB của tỉnh theo dõi, chỉ đạo, đề nghị Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Núi Thành tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tập trung thực hiện và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án sớm triển khai xây dựng, đưa công trình vào hoạt động, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn địa phương.
Liên quan đến công tác bồi thường, GPMB của dự án này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đề nghị các đơn vị thực hiện nhiệm vụ bồi thường, GPMB phối hợp chặt chẽ với UBND xã Tam Anh Nam và các phòng chức năng liên quan của huyện Núi Thành tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, niêm yết công khai và trình phê duyệt các phương án theo đúng kế hoạch chi tiết hằng tháng đã thống nhất và ký kết với chủ đầu tư dự án. Các đơn vị cũng cần thông tin kịp thời về các trường hợp vướng mắc, chậm trễ qua ứng dụng Zalo cho lãnh đạo các phòng chức năng và báo cáo lãnh đạo UBND huyện, các sở liên quan và UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo giải quyết, không để chậm tiến độ.
Cùng với đó, UBND huyện Núi Thành chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với UBND xã Tam Anh Nam và đơn vị thực hiện bồi thường, GPMB rà soát lại hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây đối với các thửa đất rừng sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng của dự án và thực trạng sử dụng đất hiện nay. Đối với nhu cầu đất tái định cư còn thiếu, UBND huyện Núi Thành chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án Khu tái định cư (diện tích khoảng 13,05ha) từ nguồn vốn tỉnh đã phân bổ cho huyện để triển khai thực hiện.
Sau khi dự án hoàn thiện hạ tầng gói thầu số 1 khu tái định cư, nhà ở công nhân Tam Anh Nam được phê duyệt, UBND huyện Núi Thành khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục tiếp theo theo quy định, sớm triển khai thi công, hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng giao thông, cấp điện, cây xanh… còn lại để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng của dự án. Trong thời gian chờ thi công hoàn chỉnh các hạng mục còn lại, căn cứ quy hoạch phân lô được duyệt đối với các lô đất tái định cư hiện có (đã san nền), UBND huyện Núi Thành chỉ đạo các đơn vị thực hiện bồi thường, GPMB phối hợp với các phòng chức năng và UBND xã Tam Anh Nam làm việc cụ thể với các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bố trí tái định cư để tổ chức phương án chọn vị trí bố trí, hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trình UBND huyện phê duyệt để thực hiện. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Núi Thành tích cực phối hợp với các Phòng chức năng của huyện Núi Thành và UBND xã Tam Anh Nam giải quyết kịp thời thủ tục liên quan về đất đai để các đơn vị thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng sớm hoàn chỉnh các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án.
Đối với chủ đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải, ông Hồ Quang Bửu yêu cầu đơn vị này phối hợp chặt chẽ và đôn đốc các đơn vị thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng lập các hồ sơ, thủ tục, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng kế hoạch chi tiết hằng tháng đã được thống nhất; thường xuyên cập nhật tiến độ và các vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo cho lãnh đạo UBND huyện, các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. Theo dõi, bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn GPMB để chi trả cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng theo phương án được duyệt, đảm bảo thời gian quy định.
Bên cạnh đó, sớm có kế hoạch khởi công xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà máy trên khu đất được bàn giao mặt bằng, thông báo cho chính quyền địa phương và các đơn vị thực hiện bồi thường, GPMB biết để tập trung giải quyết các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc về mặt bằng đảm bảo diện tích triển khai xây dựng công trình./.