Phát triển kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Ảnh minh họa.
Trên toàn cầu, xu hướng chuyển đổi từ nền kinh tế nâu – dựa vào năng lượng hóa thạch và ít chú trọng đến hậu quả môi trường và xã hội – sang kinh tế xanh đang ngày càng rõ rệt. Kinh tế xanh không chỉ đề cao hiệu quả kinh tế, mà còn phải đảm bảo các yếu tố quan trọng như giảm phát thải carbon, sử dụng tài nguyên hiệu quả và đảm bảo công bằng xã hội. Kinh tế xanh đối lập với kinh tế nâu, vốn đặt trọng tâm vào tăng trưởng kinh tế mà không quan tâm đến hậu quả môi trường, gây tổn hại lớn cho thế hệ tương lai. Ngược lại, kinh tế xanh thúc đẩy tăng trưởng bền vững thông qua việc bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái, đảm bảo các điều kiện sống tốt hơn cho các thế hệ sau.
Nhờ những ưu thế vượt trội, kinh tế xanh đã trở thành xu thế tất yếu của thế giới nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Ở Việt Nam, nhận thức về xu thế này đã dần định hình, thể hiện qua nhiều chiến lược và chương trình của Đảng và Nhà nước như chiến lược bảo vệ môi trường, chiến lược tăng trưởng xanh và các chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kinh tế xanh vẫn là khái niệm tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Cả nghiên cứu lý thuyết lẫn thực tiễn về kinh tế xanh đều chưa được phát triển đầy đủ, khiến việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp cụ thể trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Những thành tựu ban đầu của kinh tế xanh tại Việt Nam
Theo TS. Ngô Thị Hương – Giảng viên Khoa Luật và Lý luận chính trị, Trường Đại học Thủy Lợi, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế về tài chính, công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu bước đầu trong việc chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh. Các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là minh chứng cho nỗ lực này.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ, nổi bật là việc Vinfast triển khai Khung phát triển bền vững (ESG) phù hợp với Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GDI). Doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất tuần hoàn, giảm thiểu chất thải, và sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường. Các sản phẩm như xe máy điện, ô tô điện và xe buýt điện của Vinfast là minh chứng cho cam kết phát triển bền vững của doanh nghiệp này. Vinfast cũng đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu quốc gia.
Tập đoàn TH cũng đã áp dụng mô hình nông nghiệp thông minh, sử dụng công nghệ cao và quản lý theo chuỗi nhằm hướng tới kinh tế xanh. Bằng việc thay thế túi nilon bằng túi sinh học và sử dụng năng lượng mặt trời, TH đã giảm đáng kể lượng nhựa và CO2 phát thải, trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu về giảm phát thải tại Việt Nam.
Những thách thức trong quá trình phát triển kinh tế xanh
Cũng theo TS. Ngô Thị Hương, dù đã đạt được nhiều thành tựu, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trên hành trình chuyển đổi sang kinh tế xanh.
Thứ nhất, nhận thức về kinh tế xanh còn chưa đồng bộ và rõ ràng. Cả ở các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân, sự hiểu biết về kinh tế xanh vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc thiếu hành động cụ thể.
Thứ hai, các chính sách pháp luật và cơ chế hỗ trợ cho kinh tế xanh còn thiếu sự hoàn thiện. Mặc dù có nhiều chính sách, việc thực thi còn yếu, do chưa có hướng dẫn cụ thể và đồng bộ cho các ngành kinh tế khác nhau.
Thứ ba, trình độ công nghệ tại Việt Nam vẫn còn thấp, phần lớn là công nghệ cũ, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và tài nguyên. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu phát thải carbon và tối ưu hóa tài nguyên chưa được triển khai đồng đều. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho kinh tế xanh vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, trong khi khả năng huy động từ các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế còn nhiều hạn chế. Khả năng tiếp cận tín dụng xanh cũng gặp khó khăn do chưa có danh mục phân loại xanh chính thức, gây trở ngại cho các tổ chức tài chính trong việc cấp tín dụng.
Cuối cùng, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, chủ yếu là lao động có trình độ thấp. Trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, nhu cầu về nhân lực có kỹ năng và chuyên môn cao trong các lĩnh vực xanh ngày càng tăng, nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ.
Giải pháp phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam
Để vượt qua những thách thức này và phát triển kinh tế xanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững, theo TS. Ngô Thị Hương, Việt Nam cần có sự hợp tác từ nhiều phía, bao gồm nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Thứ nhất, nhà nước cần đẩy mạnh nhận thức và hoàn thiện khung pháp lý: Cần phổ biến rộng rãi về kinh tế xanh thông qua các hội thảo và truyền thông, đồng thời nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn ESG và quy định về phát thải khí nhà kính và thị trường carbon. Việc ban hành các quy định rõ ràng sẽ giúp doanh nghiệp và các cơ quan chức năng dễ dàng thực hiện các mục tiêu phát triển xanh.
Thứ hai, thu hút nguồn lực tài chính và đầu tư quốc tế: Cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi và xây dựng các dự án xanh khả thi để thu hút đầu tư từ các tổ chức quốc tế. Việc lập danh mục phân loại xanh rõ ràng sẽ giúp các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư có cơ sở để đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến môi trường.
Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ xanh: Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng công nghệ xanh và năng lượng tái tạo. Cũng cần có chế tài xử phạt đối với các tổ chức không tuân thủ các quy định về giảm phát thải khí nhà kính.
Thứ tư, nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao: Nhà nước cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành xanh và khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở đào tạo để tăng cường kỹ năng xanh cho lực lượng lao động.
Phát triển kinh tế xanh là con đường tất yếu để Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Sự kết hợp giữa các chính sách hỗ trợ, đầu tư vào công nghệ xanh và nâng cao nhận thức của toàn xã hội sẽ giúp Việt Nam không chỉ bảo vệ môi trường mà còn phát triển kinh tế một cách bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ tương lai.
Duy Trinh