Truy xuất nguồn gốc: Giải pháp thúc đẩy minh bạch và nâng cao giá trị nông sản tỉnh Gia Lai
Truy xuất nguồn gốc từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng
Truy xuất nguồn gốc là một quá trình giám sát và theo dõi từng giai đoạn sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh sản phẩm. Mỗi sản phẩm sẽ được gắn một mã số định danh duy nhất, thường được biểu thị bằng mã QR trên bao bì. Người tiêu dùng có thể dễ dàng sử dụng điện thoại thông minh để quét mã và truy cập toàn bộ thông tin về quá trình sản xuất, chứng nhận chất lượng cũng như nguồn gốc của sản phẩm.
Mã QR truy xuất nguồn gốc được in/dán trên sản phẩm của địa phương. Ảnh: baogialai.com.vn
Theo bà Võ Thị Thùy Ngân – Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có vai trò quan trọng trong việc theo dõi và ghi chép chi tiết từng giai đoạn sản xuất và phân phối sản phẩm. “Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng sản phẩm mà còn hỗ trợ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định,” bà Ngân nhấn mạnh.
Đến nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai đã triển khai 20 hợp đồng tư vấn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Gia Lai, như chanh dây tại xã Gào (TP. Pleiku), sầu riêng tại Tân Bình (huyện Đak Đoa) và Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh), cà phê xã Chư Á (TP. Pleiku) và hồ tiêu xã Nam Yang (huyện Đak Đoa). Hệ thống này giúp minh bạch hóa nguồn gốc, đồng thời tăng cường niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm.
Lợi ích truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp
Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc được xem là hướng đi cần thiết nhằm minh bạch hóa nguồn gốc và nhận diện giá trị sản phẩm. Điển hình như anh Trần Quốc Tiến – chủ cơ sở sản xuất “Thân Coffee” tại xã Trà Đa, TP. Pleiku, đã thành công trong việc áp dụng truy xuất nguồn gốc từ đầu năm 2024. Nhờ việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc và mã QR, sản phẩm cà phê của anh không chỉ được bảo vệ khỏi hàng giả mà còn tạo dựng được lòng tin vững chắc từ phía khách hàng. Mỗi năm, cơ sở của anh xuất bán khoảng 4 tấn cà phê rang xay. Anh kỳ vọng, với việc truy xuất nguồn gốc, sản phẩm sẽ tiếp tục nhận được sự tin tưởng và thậm chí có thể xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
“Tôi cảm thấy yên tâm khi khách hàng có thể kiểm tra đầy đủ thông tin về quy trình sản xuất, chế biến và đóng gói sản phẩm thông qua việc quét mã QR. Điều này giúp sản phẩm của mình có được lợi thế cạnh tranh rõ ràng trên thị trường,” anh Tiến chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Vũ Phú Trường, chủ cơ sở sản xuất trà tía tô tại xã An Phú, TP. Pleiku, cũng quyết định áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình từ tháng 2/2024. Với tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, anh Trường cho biết việc sử dụng mã QR đã giúp sản phẩm trà tía tô của mình mở rộng thị trường không chỉ tại Gia Lai mà còn ở các tỉnh thành lớn như Bình Định, Phú Yên, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
“Người tiêu dùng khi quét mã QR sẽ có đầy đủ thông tin về quy trình sản xuất, giá cả và thời điểm cung ứng sản phẩm ra thị trường. Đây là cách tốt nhất để tạo dựng sự tin tưởng và giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế,” anh Trường chia sẻ thêm.
Không chỉ có lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc còn là công cụ quan trọng hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát và kiểm soát thị trường hàng hóa. Bà Võ Thị Thùy Ngân cho rằng, hệ thống này giúp minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ thương hiệu và tạo sự tin tưởng cho khách hàng.
Hướng phát triển bền vững trong tương lai
Dù mang lại nhiều lợi ích, quá trình triển khai truy xuất nguồn gốc vẫn gặp một số thách thức. Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết, việc ứng dụng công nghệ số từ sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp người sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường. Đây là xu thế tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Những năm gần đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại cơ quan và các đơn vị trực thuộc; tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức của ngành sử dụng 45 nền tảng số ưu tiên sử dụng của tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi số của ngành vẫn còn một số khó khăn như: doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia chuyển đổi số còn ít; cơ sở hạ tầng số còn hạn chế; các sản phẩm nông sản vùng sâu, vùng xa kết nối trực tiếp với sàn thương mại điện tử chưa nhiều.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hầu hết nông dân chưa được đào tạo về chuyển đổi số nên khó tiếp cận, ứng dụng trong sản xuất. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho nông sản chưa được nhà sản xuất quan tâm đầu tư. Cơ sở hạ tầng chuyển đổi số vùng nông thôn còn thiếu, chưa có sự đồng bộ giữa các địa phương…
“Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, gắn mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Xây dựng, quản lý thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh để đưa lên các sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, xây dựng hệ thống dữ liệu nông nghiệp về đất đai, sản xuất nông-lâm nghiệp, vùng nguyên liệu cây trồng, vật nuôi nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng tham gia chuyển đổi số từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững” – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin thêm.
Trong tương lai, sự phát triển của hạ tầng số và việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt để truy xuất nguồn gốc trở thành công cụ mạnh mẽ hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng.
Duy Trinh (t/h)