Nâng cao kỹ năng quản lý mô hình hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Gia Lâm
Là vựa rau an toàn lớn của Thủ đô Hà Nội với gần 180ha trồng rau, củ và quả, xã Đặng Xá hàng ngày cung ứng ra thị trường sản lượng lớn rau củ quả phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân Thủ đô.
Tự hào vùng rau sạch của Thủ đô được nhiều khách hàng lớn tin tưởng và hợp tác, Hợp tác xã Hoa và Rau an toàn An An, thôn Đổng Xuyên chuyên cung cấp rau sạch an toàn cho người dân cũng như các hệ thống siêu thị, trường học, các chuỗi cửa hàng,… trên địa bàn huyện Gia Lâm và Hà Nội.
Tại lễ ra mắt Hợp tác xã Hoa và Rau an toàn An An, chị Nguyễn Thị Hồng Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã được thành lập với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là hoa và rau sản xuất theo hướng organic, gồm cải ăn lá các loại, mướp, bầu, dưa chuột, hoa ly, lay ơn, cúc, thược dược, huệ…
Ra mắt Hợp tác xã Hoa và Rau an toàn An An. |
Hợp tác xã có 15 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, sản xuất rau, hoa trên tổng diện tích 2 mẫu, tại cánh đồng Đổng Xuyên. Hiện tại, hợp tác xã bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các thành viên.
“Thời gian tới, hợp tác xã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thêm những giống hoa mới vào trồng, xây dựng nhà lưới, nhà lạnh để bảo quản sản phẩm và kết nối với những đơn vị bao tiêu sản phẩm ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên”, chị Thúy cho biết.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Đặng Xá Ngô Thị Hồng Huệ, xã Đặng Xá là một xã thuần nông nằm ven sông Đuống. Tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp trong toàn xã là 196ha, trong đó đất trồng rau các loại là 193ha (98%) chuyên canh sản xuất rau an toàn, trong đó các chủng loại cây trồng chính là bắp cải, lơ, rau cải các loại, mướp, ngô nếp…
Trong nhiều năm qua, xã đã nỗ lực phấn đấu, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng được khang trang hơn; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo ổn định.
Với tiềm năng về phát triển các loại rau củ, quả an toàn, nhân dân trong xã cũng tiếp cận nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất và tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh nhu cầu tiêu thụ. Hoa và rau là vấn đề cần thiết của xã hội. Hội LHPN xã Đặng Xá có 2.118 hội viên sinh hoạt ở 17 chi hội theo địa bàn dân cư của 10 thôn và 7 tổ dân phố. Tỷ lệ chị em phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp chiếm khoảng 80%.
Tháng 5/2024, Hội LHPN xã đã tham mưu, giúp đỡ chị Nguyễn Thị Hồng Thúy là hội viên chi hội phụ nữ thôn Đổng Xuyên thành lập 1 hợp tác xã tại thôn nhằm giúp đỡ cho bà con nông dân kết nối tiêu thụ sản phẩm hoa và rau an toàn, tăng năng suất, thu nhập ổn định cho hội viên, nhân dân trong sản xuất nông nghiệp. Tháng 7/2024, Hợp tác xã đã được Ủy ban nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận hoạt động với tên gọi là Hợp tác xã Hoa và Rau an toàn An An. Ngày 11/10, Hội LHPN huyện Gia Lâm đã tổ chức ra mắt Hợp tác xã.
Mô hình Hợp tác xã Hoa và Rau an toàn ở xã Đặng Xá. |
Tại đây, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm Nguyễn Thanh Hương đã nhấn mạnh việc Hợp tác xã cần tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể; chủ động nghiên cứu, khảo sát thị trường để có phương án phù hợp, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường và liên kết hợp tác mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, nâng cao chất lượng sản phẩm, lựa chọn thêm ngành nghề mới, phát triển sản xuất góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người lao động.
Không chỉ được các cấp hội phụ nữ huyện Gia Lâm quan tâm, hỗ trợ, phụ nữ huyện còn được sự quan tâm sát sao của Hội LHPN Hà Nội.
Vừa qua, tại huyện Gia Lâm, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn các chuyên đề về phổ biến những điểm mới trong Luật Hợp tác xã năm 2023 và những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã hiện nay. Tham gia lớp tập huấn có hơn 120 đại biểu là phụ nữ, nam giới là hội viên danh dự, các thành viên ban quản trị, thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết và nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Đây là một trong những nội dung trong Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030”; Kế hoạch số 29/KH-BTV của Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố Hà Nội về thực hiện Đề án năm 2024.
Tại buổi tập huấn, các chị em phụ nữ đã được nghe chuyên gia đã chia sẻ về những điểm mới của Luật Hợp tác xã năm 2023 so với Luật Hợp tác xã năm 2012 cụ thể về tổ chức, bộ máy, số lượng thành viên, tài sản, vốn điều lệ của Hợp tác xã. Giảng viên cũng phổ biến về các nội dung về vai trò của Hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; những hỗ trợ của thành phố đối với kinh tế tập thể hiện nay.
Tại buổi tập huấn, các nữ chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh huyện Gia Lâm đã chia sẻ kinh nghiệm và các vấn đề quan tâm nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, các kỹ năng giới thiệu và bán sản phẩm. Qua tương tác, các nữ chủ hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện Gia Lâm đã có cái nhìn rộng hơn, sâu hơn trong việc thành lập, hoạt động vận hành mô hình hợp tác xã để tổ chức sản xuất kinh doanh, giới thiệu và bán sản phẩm đến với khách hàng.
Đồng thời, phát huy nội lực của các thành viên Hợp tác xã trong xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ; thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong khu vực kinh tế tập thể. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô