Quảng Nam: Xử lý dứt điểm 752 tỷ đồng nợ các dự án, lãnh đạo chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để phát sinh nợ đọng

(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Nam Hưng vừa có công văn gửi các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tập trung giải quyết tình hình nợ xây dựng cơ bản các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam: Xử lý dứt điểm 752 tỷ đồng nợ các dự án, lãnh đạo chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để phát sinh nợ đọng
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương phải xử lý dứt điểm nợ đọng các dự án đã hoàn thành.

Nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 752 tỷ đồng

Báo cáo số 2686 ngày 10/9 của Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, nợ xây dựng cơ bản tính đến hết quý II năm 2024 là 752,1 tỷ đồng (trong đó, nợ phát sinh năm 2024 tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6 là 173,4 tỷ đồng), tăng 71,7 tỷ đồng so với quý I năm 2024, giảm 138,1 tỷ đồng so với quý II năm 2023.

Trong đó, cấp tỉnh nợ xây dựng cơ bản 227,7 tỷ đồng, chiếm 30,3 tỷ đồng tổng nợ xây dựng toàn tỉnh, trong đó nợ xây dựng cơ bản phát sinh năm 2024 tính đến hết ngày 30/6 là 49,9 tỷ đồng.

Một số chủ đầu tư có nợ xây dựng cơ bản đến hết quý II năm 2024 lớn như: Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp 79,2 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông 55,2 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 32 tỷ đồng; Sở Giao thông vận tải 19,5 tỷ đồng; Sở Thông tin và Truyền thông 17,3 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh 6,2 tỷ đồng…

Về cấp huyện, nợ xây dựng cơ bản 524,4 tỷ đồng chiếm 69,7% tổng nợ xây dựng toàn tỉnh, trong đó nợ xây dựng cơ bản phát sinh năm 2024 (tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6) là 124,4 tỷ đồng.

Một số huyện có nợ xây dựng cơ bản đến hết quý II năm 2024 lớn như: Đại Lộc 132,3 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 80,6 tỷ đồng, nợ nguồn khác 36 tỷ đồng; Thăng Bình 90,4 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 84,5 tỷ đồng; Tây Giang 70,9 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện 24 tỷ đồng; Tiên Phước 48,7 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 36,5 tỷ đồng; Nam Trà My 37,4 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 22,6 tỷ đồng; Duy Xuyên 36,3 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 36,3 tỷ đồng; Phú Ninh 20,8 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 17,7 tỷ đồng; Tam Kỳ 19,4 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 19,4 tỷ đồng; Bắc Trà My 17,9 tỷ đồng, trong đó nợ từ ngân sách cấp huyện và cấp xã 10,8 tỷ đồng;…

Trả dứt điểm nợ đọng, chỉ khởi công dự án cấp thiết khi còn thừa kế hoạch vốn

Trước tình hình nợ đọng, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các giải pháp kiểm soát nợ, khẩn trương tập trung rà soát, bố trí (đề xuất bố trí) kế hoạch vốn trả nợ dứt điểm các dự án hoàn thành đã được cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán; ưu tiên bố trí thực hiện thanh toán nợ xây dựng cơ bản các dự án chuyển tiếp, sau khi bố trí thực hiện các nhiệm vụ trên mà còn thừa kế hoạch vốn bố trí khởi công mới các dự án thật sự cấp thiết.

Quảng Nam: Xử lý dứt điểm 752 tỷ đồng nợ các dự án, lãnh đạo chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để phát sinh nợ đọng
Tỉnh Quảng Nam còn nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 752 tỷ đồng.

Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản của năm 2015 trở về trước, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, phòng ban liên quan khẩn trương rà soát, xác định rõ cơ cấu nguồn vốn trong tổng mức đầu tư, có văn bản báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để bố trí kế hoạch vốn xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Tập trung thực hiện quyết toán các dự án, hạng mục dự án hoàn thành để có cơ sở tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn thanh toán nợ.

Đối với nợ xây dựng cơ bản thuộc các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Trung ương từ năm 2020 trở về trước, UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh thanh toán nợ khối lượng hoàn thành các dự án.

Đối với nợ xây dựng cơ bản các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục quyết toán hoàn thành dự án để bố trí vốn thanh toán nợ. Đối với dự án quyết toán hoàn thành thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 thì cung cấp hồ sơ và phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kế hoạch vốn thanh toán nợ hoàn thành, đối với dự án quyết toán hoàn thành nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, xác định rõ nguồn vốn trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 làm cơ sở để bố trí kế hoạch vốn thanh toán dự điểm nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án hoàn thành.

Đối với nợ đọng xây dựng cơ bản các dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp huyện và cấp xã, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung bố trí kế hoạch vốn thanh toán dứt điểm đối với các dự án nợ từ ngân sách cấp huyện, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã ưu tiên bố trí kế hoạch vốn thanh toán dứt điểm các dự án nợ từ ngân sách cấp xã.

UBND các huyện có nợ xây dựng cơ bản lớn khẩn trương rà soát, bố trí kế hoạch vốn trả nợ dứt điểm các dự án hoàn thành đã được cấp có thẩm quyền thẩm tra phê duyệt quyết toán. UBND huyện Đại Lộc rà soát, xác định rõ nguồn vốn đối với các dự án nợ từ nguồn vốn khác để tập trung bố trí vốn thanh toán dứt điểm nợ hoàn thành.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiểm soát nợ xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp huyện và chỉ đạo UBND cấp xã kiểm soát nợ xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp xã; đồng thời chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với việc để phát sinh nợ xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện.

Đối với UBND các huyện: Đại Lộc, Thăng Bình ưu tiên tập trung bố trí kế hoạch vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản, hạn chế khởi công mới các dự án, trừ các dự án thật sự cấp thiết; khẩn trương rà soát khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách huyện để thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đã được HĐND huyện phê duyệt đảm bảo nguồn ngân sách huyện giai đoạn 2021 – 2025 chuyển sang giai đoạn 2026 – 2030 không vượt quá tỉ lệ 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 theo quy định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích