Tiêu hủy số lượng lớn sản phẩm giả nhãn hiệu tại Bắc Giang

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang, Hội đồng tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu do Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang chủ trì cùng có sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang gồm: Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Phòng Kinh tế thành phố Bắc Giang…

Hội đồng đã tiêu hủy tổng số 311 danh mục các mặt hàng vi phạm với gần 116 nghìn sản phẩm. Trong đó, các hàng hóa chủ yếu gồm: Giày dép, mũ, quần áo… giả mạo các nhãn hiệu lớn.

Ngoài ra, còn có nhiều hàng hóa là hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: Các loại thực phẩm, bánh kẹo, đồ ăn, nước uống, đồ chơi trẻ em; hóa, mỹ phẩm… Tổng giá trị tài sản của các mặt hàng tiêu hủy hơn 1,6 tỷ đồng. Đây là các hàng hóa vi phạm đã được Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang) phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan phát hiện, xử lý và tịch thu từ đầu năm đến nay.

Tiêu hủy số lượng lớn sản phẩm giả nhãn hiệu tại Bắc Giang. Ảnh tư liệu

Dưới sự chỉ đạo, giám sát của Hội đồng tiêu hủy, toàn bộ số hàng hóa vi phạm là tang vật vi phạm hành chính do Đội Quản lý thị trường số 1 tịch thu được phân loại, niêm phong kẹp chì, bàn giao cho Công ty Cổ phần Công nghệ môi trường An Sinh vận chuyển đến đúng địa điểm để tiêu hủy bằng phương thức cho vào lò đốt.

Trước đó, Hội đồng xử lý tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu do Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu.

Theo đó, Hội đồng đã tổ chức tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính do Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang tịch thu trong các vụ việc xử lý vi phạm hành chính, bao gồm 4 nhóm hàng hóa: Kim loại, tem nhãn; đồ nhựa, quần áo, giày dép, kính mắt; hóa, mỹ phẩm; thực phẩm, thực phẩm chức năng. Tổng trị giá của số hàng hóa này là 851,124 triệu đồng.

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đẻ buôn bán kiếm lời bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định).

Về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 12 Nghị định).

Hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong hai tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) hoặc tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS).

An Nguyên

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích