Doanh nghiệp cần trợ lực, tiếp sức

Thích ứng với sự thay đổi trên, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các doanh nghiệp cảm nhận được những chuyển động chính sách tích cực từ các cơ quan soạn thảo. Mặc dù vậy, để nắm bắt các cơ hội từ sự chuyển dịch kinh tế thế giới, các chuyên gia kinh tế và cộng đồng kinh doanh kỳ vọng những vấn đề gốc rễ của tăng trưởng, trong đó có khó khăn của doanh nghiệp cần tiếp tục được quyết liệt tháo gỡ.

Theo nhận định của VCCI, ngoài những tác động khách quan, khó khăn của doanh nghiệp còn đến sự suy yếu của đầu tư toàn cầu; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại vẫn có dấu hiệu gia tăng. Ở trong nước, khảo sát của VCCI cho thấy, vấn đề lớn nhất các doanh nghiệp gặp phải là tiếp cận tín dụng khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi vừa qua. Đặc biệt, chính sách pháp luật về kinh doanh vẫn tồn tại nhiều vướng mắc.

Những tồn tại, bất cập trên không chỉ làm giảm cơ hội và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, mà còn tác động đến tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp. Khảo sát doanh nghiệp của VCCI trên quy mô toàn quốc, đến nay chỉ 32% doanh nghiệp cho biết, sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Con số này có nhích nhẹ hơn so với mức 27% của năm 2023, song vẫn ở mức thấp thứ 2 trong 18 năm VCCI khảo sát doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần trợ lực, tiếp sức
Ảnh minh họa: TH

Tạo dựng niềm tin, khơi dậy ý chí và khát vọng kinh doanh để doanh nghiệp tiếp tục dốc vốn đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Để làm được điều này, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Đây là nội dung ưu tiên, trọng tâm của Chính phủ trong thời gian vừa qua, và cần được thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Các chính sách ban hành cần phù hợp với xu hướng mới, yêu cầu phát triển hiện nay của nền kinh tế. Trong đó, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; chính sách phải vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân; xây dựng chính sách trên cơ sở luôn lắng nghe ý kiến, tiếng nói của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, chuyển cách tiếp cận chính sách sẽ từ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang có sang chủ động tạo thuận lợi và yểm trợ cho các doanh nghiệp phát triển; tiếp tục rà soát toàn diện về quy trình thực hiện dự án đầu tư để nhận diện các quy trình, thủ tục không còn phù hợp để thực hiện loại bỏ. Nghiên cứu, xem xét cơ chế quản lý theo hướng hậu kiểm, thay vì tiền kiểm ở một số hoạt động để giảm các quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện thủ tục của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, kiên quyết bảo vệ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Thực hiện tốt chủ trương không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế; triển khai nhiều giải pháp để an lòng doanh nghiệp và động viên doanh nhân, doanh nghiệp cống hiến hết mình cho sự phát triển quốc gia, qua đó, truyền đi hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với những nội dung trên, VCCI kiến nghị, cần có một chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, làm cơ sở để các ngành, địa phương xây dựng các chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân cho ngành, địa phương; có cơ chế, chính sách đột phá tạo điều kiện xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nghiệp dân tộc và các doanh nghiệp lớn, đầu ngành của Việt Nam góp phần thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân để đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân Việt Nam, nhất là các vấn đề mới và quan trọng như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, quản trị kinh doanh hiện đại, đạo đức, văn hóa kinh doanh, cung cấp các kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới… để doanh nghiệp chủ động hội nhập tốt hơn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hiện nay, Việt Nam có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm, đã có hơn 183 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Lũy kế thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vượt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD…

Đáng chú ý là sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Diệp Anh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích