Thủ đô ta đã có sự phát triển vượt bậc

70 năm qua kể từ Ngày Giải phóng (10-10-1954), Thủ đô ta đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, được vinh danh là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”.

Thủ đô ta đã có sự phát triển vượt bậc
Đô thị Hà Nội ngày càng phát triển khang trang, hiện đại. Ảnh: Trúc Quỳnh

Chia sẻ với Báo Hànộimới, các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố khẳng định đây là tiền đề quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu:

Tôi luôn dành tình cảm đặc biệt với Thủ đô Hà Nội

Thủ đô ta đã có sự phát triển vượt bậc

Dù trải qua nhiều chức vụ khác nhau như Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 2007 – 2011, đồng thời là Trưởng ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố khóa XII rồi Chủ tịch UBND thành phố (từ 5-2004 đến 8-2007), Ủy viên Trung ương Đảng, tôi luôn dành tình cảm đặc biệt với Thủ đô Hà Nội.

Từng nhiều năm gắn bó với Thủ đô Hà Nội, đặc biệt trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, một trong những chỉ đạo quan trọng của tôi cùng với các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội khi đó là quyết định triển khai Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường ở hai đầu cầu giai đoạn 1. Đây là một trong những công trình giao thông quan trọng của Thủ đô, góp phần giảm sự quá tải, ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía Đông đi vào trung tâm thành phố.

Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu quan trọng nối tuyến đường Vành đai II từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên, được khởi công xây dựng vào ngày 3-2-2005 với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Thành phố gặp nhiều khó khăn, không có đủ kinh phí để thực hiện. Được sự đồng ý của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội được phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô với mệnh giá 100 nghìn đồng do Chủ tịch UBND thành phố ký.

Sau nhiều năm xây dựng, cầu Vĩnh Tuy được thông xe vào ngày 25-9-2009, khi đó tôi đã tham dự lễ khánh thành. Tôi cảm thấy vui vì mình có đóng góp cho Thủ đô.

Trong những năm công tác tại thành phố, cùng với các lĩnh vực khác, tôi cũng luôn quan tâm đến lĩnh vực giao thông khi cho triển khai xây dựng nhiều cầu vượt nội đô, đáng chú ý là khởi công xây dựng cầu vượt Ngã Tư Sở vào ngày 30-4-2005. Do mật độ phương tiện cao nên khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nhất là giờ cao điểm. Vì thế, dự án xây dựng cầu vượt đã giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông, góp phần phát triển kinh tế và tạo cảnh quan đẹp cho khu vực.

Ngoài ra, tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục và văn hóa của Thủ đô. Trong những năm công tác tại Hà Nội, tôi vinh dự chủ trì tổ chức nhiều sự kiện quan trọng lần đầu tiên của Thành phố như: Lễ khai mạc SEA Games 22, Lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội… Tuy nhiên, có một điều tôi chưa làm được cho Hà Nội là xây dựng nền giáo dục và hệ thống y tế đứng đầu cả nước. Vì thế, tôi mong rằng trong những năm tới Thành phố tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho những lĩnh vực thiết yếu này; chú trọng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu:

Điểm nhấn từ cơ chế, chính sách đặc thù

Thủ đô ta đã có sự phát triển vượt bậc

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, thành phố Hà Nội đã thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo, có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, sâu sát với thực tế; tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, các nhiệm vụ lâu dài mang tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô. Đặc biệt, thành phố đã triển khai các đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị; chủ động đề xuất với Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi); xem xét Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Thành phố cũng kịp thời, nhạy bén đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – vùng Thủ đô… Công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng kỹ thuật được đẩy mạnh khi nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt như quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống, các quy hoạch phân khu đô thị nội đô. Từ đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị được tiếp tục quan tâm, nhiều khu đô thị mới được hình thành.

Thành phố đã vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Hà Nội thực hiện tốt các chính sách an sinh và tiến bộ, công bằng xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Từ đó đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập từng bước được nâng lên.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền có nhiều tiến bộ, trở thành địa phương thuộc nhóm đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Từ những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong thời gian qua, nhất là với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội được Trung ương giao phó, Thành phố đã cơ bản tận dụng được tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để phát triển toàn diện.

Những cố gắng đó đã đưa Hà Nội trở thành địa phương tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới, một cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng, khu vực phía Bắc và của cả nước. Thủ đô ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc, xứng danh là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Sáng tạo”, “Thành phố Vì hòa bình”.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái:

Khơi dậy khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống

Thủ đô ta đã có sự phát triển vượt bậc

Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi khi còn công tác tại Thành ủy Hà Nội là trực tiếp làm công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tổ chức cán bộ trong những ngày đầu Hà Nội hợp nhất.

Nhiệm vụ khó khăn nhất đối với chúng tôi là trong số 60 – 70 đồng chí giám đốc sở, ngành, hơn 10 đồng chí trưởng các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy, Văn phòng Tỉnh ủy thì chọn ai làm phó, ai làm trưởng. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đi đến thống nhất là phải xây dựng đề án sắp xếp lại cán bộ; đặc biệt là phải đề ra các nguyên tắc bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm; trong đó, đối với các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tỉnh ủy phải được sắp xếp theo hướng cố gắng để các đồng chí giữ được chức vụ cấp trưởng.

Với cách làm khoa học, bài bản nên Hà Nội khi đó đã thực hiện thành công 3 đợt luân chuyển cán bộ với hơn 100 đồng chí về các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị một cách đồng thuận, vui vẻ. Nhìn tổng thể cả cuộc sắp xếp khổng lồ sau hợp nhất, thành công của Hà Nội là không có bất kỳ đơn, thư khiếu kiện nào. Bộ máy hệ thống chính trị Hà Nội sau hợp nhất đã vận hành ngày càng trơn tru, hiệu lực, hiệu quả.

Đây là kinh nghiệm tốt để Hà Nội thực hiện mục tiêu Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định là đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; Thủ đô phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa.

Tôi cho rằng, trong chặng đường tiếp theo, Đảng bộ thành phố cần tiếp tục làm gương cho các đảng bộ khác. Tất cả chúng ta phải cố gắng làm sao cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần như Bác Hồ từng căn dặn. Đồng thời, Hà Nội phải quan tâm đến việc khai thác, phát huy tối đa tài nguyên, chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô bền vững.

Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt:

Ngày càng khẳng định vai trò của HĐND trong sự nghiệp phát triển Thủ đô

Thủ đô ta đã có sự phát triển vượt bậc

70 năm qua kể từ ngày giải phóng (10-10-1954), Thủ đô ta đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng đô thị, viết lên trang sử hào hùng, ghi dấu son trên bản đồ thủ đô các nước trên thế giới. Trong suốt chặng đường ấy, HĐND thành phố, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đã có những đóng góp to lớn và toàn diện.

Nói về vai trò của HĐND, có ý kiến phát biểu rằng, trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và xây dựng đô thị của Thủ đô những năm qua có sự “vào cuộc” của HĐND các cấp, HĐND đã phối hợp chặt chẽ cùng với UBND xác định và tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế – xã hội và xây dựng đô thị trong từng thời kỳ. Từng nhiều năm công tác tại HĐND thành phố, theo tôi, nói như vậy là không chính xác. Đúng là trong quá trình hoàn thiện thể chế, hoàn thiện các quy định của hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước ta, mô hình tổ chức và cơ chế vận hành của cả HĐND và UBND các cấp không ngừng được hoàn thiện, theo đó hoạt động của HĐND các cấp bớt dần tính hình thức, ngày càng thể hiện rõ trên thực tiễn là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, phát huy tính hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động. Mặc dù vậy, chưa bao giờ HĐND các cấp đứng ngoài cuộc cả mà luôn là người trong cuộc.

Mặc dù đã qua nhiều lần thay đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND nhưng “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương” vẫn là tư tưởng cốt lõi, không thay đổi. UBND luôn luôn được xác định “do HĐND bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân”. Quyền hạn của HĐND các cấp ngày càng được mở rộng và quy định cụ thể hơn. Sự can thiệp của cơ quan nhà nước cấp trên đối với tổ chức và hoạt động của HĐND cấp dưới giảm dần; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HĐND các cấp ngày càng được đề cao. Kinh tế – xã hội, xây dựng đô thị và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND đều do UBND trình và tổ chức thực hiện sau khi được HĐND xem xét, quyết định.

Trên thực tế 70 năm qua kể từ ngày giải phóng Thủ đô, thiết lập chính quyền mới của nhân dân, HĐND thành phố Hà Nội luôn thực hiện đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, thực hiện và thể hiện ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính quyền nhà nước ở Thủ đô. Mọi thành công và kể cả những gì chưa thành công trong xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội đều có vai trò và trách nhiệm của HĐND.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích