Cao Bằng đề xuất cơ chế phát triển hạ tầng thương mại biên giới
(Xây dựng) – Để phát triển hạ tầng thương mại biên giới, tỉnh Cao Bằng đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới đối với các huyện miền núi, biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 21/81 chợ biên giới, 05 siêu thị. |
Số liệu thống kê của tỉnh Cao Bằng cho thấy, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 738,35 triệu USD, bằng 115,7% kế hoạch, bằng 83,4% so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 577,91 triệu USD, bằng 80,71% kế hoạch, tăng 47,75% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của tỉnh Cao Bằng như: Thạch đen, tinh bột sắn, mía cây, chiếu trúc, bún khô, phở khô, quặng Niken. Bên cạnh đó các mặt hàng xuất khẩu qua địa bàn tỉnh chủ yếu là các mặt hành nông sản.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 21/81 chợ biên giới, 05 siêu thị. Hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu hàng hóa đạt được những kết quả nhất định, góp phần tăng nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương.
Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới dài trên 333km, tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), tuyến biên giới tỉnh có 02 cửa khẩu quốc tế là Trà Lĩnh và Tà Lùng; 02 cửa khẩu chính là Sóc Giang, Lý Vạn; 02 cửa khẩu được Chính phủ hai bên thống nhất mở tại Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc; 03 lối mở biên giới.
Theo quy hoạch của tỉnh Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2023-2030 sẽ nâng cấp 03 cặp của khẩu quốc tế; mở mới 02 cặp cửa khẩu song phương; mở 05 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương.
Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh. |
Đến năm 2050 mở mới cửa khẩu Nà Lạn – Bố Cục thành cửa khẩu song phương, mở 11 lối mở theo quy trình, thủ tục. Về chợ biên giới phát triển cặp chợ Nặm Rằng (Việt Nam)-Bó Lầu (Trung Quốc) trong giai đoạn 2023-2025.
Giai đoạn 2026-2030 phát triển cặp chợ Sóc Giang (Việt Nam) – Bình Mãng (Trung Quốc), phát triển khu vực lối mở Bản Khoòng trở thành lối mở thông quan thuộc cửa khẩu Lý Vạn.
Trong thời gian tới, để phát triển hạ tầng thương mại biên giới, tỉnh Cao Bằng đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới đối với các huyện miền núi, biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn.
Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bỏ nội dung “sau khi trao đổi với các bộ, ngành liên quan việc đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành, điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước” quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới. Sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới, để tạo thuận lợi cho các địa phương trong triển khai thực hiện.
Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng cũng tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn tại địa phương về đào tạo, phát triển đội ngũ thương nhân tham gia hoạt động kinh doanh các loại hình hạ tầng thương mại biên giới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triên và quản lý hạ tầng thương mại biên giới.
Theo Phó vụ Trưởng vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn, để phát triển hạ tầng thương mại biên giới của tỉnh Cao Bằng cần tiếp tục tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; duy trì thực hiện các cơ chế, thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên về hợp tác thông quan tại cửa khẩu.
Cùng đó, tiếp tục có những chính sách, cơ chế thông thoáng, thu hút, đẩy mạnh hoạt động đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu và biên giới, biến tiềm năng thương mại biên giới thành thế mạnh kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng