Doanh nhân nghĩ lớn và làm khác

Doanh nhân nghĩ lớn và làm khác

Năm nay, ngày doanh nhân Việt Nam sôi động hơn thường lệ. Nhiều điểm kinh doanh hoa và quà tặng doanh nhân đã “cháy hàng”. Đó là tín hiệu vui để cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp và những giá trị mà đội ngũ doanh nhân tạo ra cho xã hội.

Cách đây gần một năm, người
em thân thiết, đồng nghiệp của tôi quyết định bỏ nghề sau 10 năm theo đuổi con
chữ. Dường như không đủ can đảm để nói trực tiếp với tôi, đêm hôm ấy em nhắn
tin cụt lủn: “Em nghỉ việc chuyển sang làm doanh nghiệp anh ạ!”. Quá bất ngờ
nhưng tôi cũng chỉ nhắn tin lại theo kiểu nước đôi: “cân nhắc cho kỹ”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu nhân kỷ niệm 20 năm ngày doanh nhân Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nói vậy nhưng trong thâm tâm,
tôi rất ủng hộ em, dù con đường phía trước đầy gian nan thử thách. Thành công
và rủi ro chỉ cách nhau một bước chân. Doanh nhân chưa bao giờ là con đường
bằng phẳng cho bất kỳ ai muốn chinh phục, có khát vọng làm giàu.

Nhiều năm làm việc cùng nhau,
tôi nhận thấy em có tố chất để có thể làm chủ doanh nghiệp. Được đào tạo bài
bản về quản trị kinh doanh, sống phóng khoáng, quan hệ rộng, nghĩ lớn và có một
chút “liều”. Nếu không quyết định làm một cái gì đó lớn ở tuổi ngoài ba mươi sẽ
uổng phí.

Giờ thì em đã khởi nghiệp
được nửa năm. Công trình đầu tiên em và cộng sự quyết tâm làm thật đẹp, thật
chất lượng, thậm chí còn đòi hỏi yêu cầu kỹ, mỹ thuật hơn cả thiết kế đã phê
duyệt.

“Lời lãi chưa tính đến dù vốn
vay ngân hàng là chính nhưng uy tín, thương hiệu với xã hội khi bắt đầu khởi
nghiệp còn quan trọng hơn”, em nói và khẳng định sẽ không bao giờ làm ăn theo
lối chộp giật, qua quýt, chỉ thấy lợi trước mắt.

Mười lăm năm trước, bạn tôi
đang có công việc ổn định, nhiều cơ hội thăng tiến tại một cơ quan nhà nước
bỗng đột ngột quyết định bỏ ra ngoài kinh doanh. Nói là “đột ngột” là mọi người
nghĩ vậy, còn để đi đến quyết định quan trọng, có tính bước ngoặt trên, bạn đã
phải trăn trở, suy nghĩ rất kỹ. Khi được hỏi ý kiến, tôi là người đầu tiên phản
đối, bởi thời điểm đó, cơ hội để bạn phát triển sự nghiệp tại cơ quan rất sáng.
Chưa kể, bạn tôi vẫn đang “chân trong chân ngoài” khá tốt. Khuyên can không
được, tôi đành phải đến dự lễ ra mắt công ty với tâm trạng có đôi chút lo âu.

Mười lăm năm qua, chứng kiến
bạn trải qua nhiều thăng trầm, nhiều lần phải tái cơ cấu doanh nghiệp, một số
lĩnh vực phải rời bỏ thị trường… nhưng chưa bao giờ bạn than vãn hay chùn bước.

Ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh Miền Trung
và Miền Bắc, đa số các gia đình đều muốn con cái có cuộc sống ổn định. Nghĩa là
học ra trường, tìm kiếm một chỗ làm để có lương, có thu nhập ổn định rồi dựng
vợ gả chồng. Tư duy làm “nhà nước” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người
khiến cho khát vọng khởi nghiệp, tư tưởng “làm ăn lớn” có lúc bị thui chột. Họ
không muốn con cái bước vào con đường doanh nhân đầy rủi ro, nhất là những gia
đình được cho là nề nếp, gia giáo. Trước đây, có không ít người trẻ ra trường
vì không xin được việc làm “ổn định” trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước
nên mới quyết định khởi nghiệp bằng con đường doanh nhân.

Đúng là thành công và rủi ro
thất bại chỉ cách một bước chân với những người dám mạo hiểm. Kinh doanh là
công việc không dành cho những người thiếu bản lĩnh, ý chí và tài năng.

Sếp cũ của tôi lúc khởi
nghiệp không có gì ngoài ý chí. Ông nói mỗi lần đi qua con phố sầm uất nhất
tỉnh luôn đặt ra câu hỏi: tại sao cũng là con người mà có người giàu thế, giỏi
thế, trong khi mình chỉ chờ đến tháng lĩnh lương? Nghĩ là làm, ông quyết định
nghỉ hưu sớm và dấn thân vào thương trường. Khó khăn bủa vây tứ phía, từ vốn,
kinh nghiệm đến rào cản cơ chế nhưng với ông tất cả chỉ là thử thách.

Khi còn làm giúp việc cho
ông, có những thứ tôi không hiểu vì sao ông lại quyết định đầu tư, bởi đó là
lịch vực khó, thương vụ mạo hiểm, ít người dám làm. Nhưng với tầm nhìn xa, khác
biệt, ông đã quyết định làm và làm đến nơi đến chốn với tinh thần: “chỉ bàn làm
không bàn lùi”. Có những việc không hẳn đã thành công nhưng lúc nào trong ông
cũng vững tin rằng, nếu không đi thì không thể thấy đường. Nếu đường dễ đi thì
nhiều người đã đặt chân đến. Mình chọn lối đi khó, đi lâu hơn nhưng nếu bền bỉ,
kiên trì, nắm bắt thời cơ tốt, ra quyết định đúng hướng, thành công sẽ lớn hơn.

Quả thực, nếu chỉ mơ có cuộc
sống ổn định, không ai dại gì dấn thân vào thương trường. Và nếu con đường
doanh nhân bằng phẳng, hẳn nhiều người sẽ đi. Nghĩ lớn, làm khác, dám làm
không chỉ để làm giàu cho mình mà còn để phụng sự xã hội, ấy mới là đích đến
của những doanh nhân chân chính.

Năm nay, ngày doanh nhân Việt
Nam
có vẻ sôi động hơn thường lệ. Nhiều điểm kinh doanh hoa và quà tặng doanh nhân
đã “cháy hàng”. Đó là tín hiệu vui để cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp và những
giá trị mà đội ngũ doanh nhân tạo ra cho xã hội.

Bạn cũng có thể thích