Doanh nhân và trách nhiệm xã hội
Những nghĩa cử đẹp
Những ngày qua, cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nặng nề cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc. Mưa lớn và lũ lụt đã hủy hoại cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và làm gián đoạn sản xuất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, cùng với đồng bào cả nước, các doanh nhân, doanh nghiệp đã cùng hướng về đồng bào miền Bắc với nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực. Từ lương thực, thực phẩm… đến hàng chục tỷ đồng đã được huy động, đóng góp quan trọng trong việc khắc phục hậu quả thiên tai và hỗ trợ cộng đồng tái thiết cuộc sống.
Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh cùng các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. |
Nổi lên với những hoạt động tích cực hỗ trợ đồng bào bị bão lụt có thể kể đến Vinamilk. Theo đó, trong đợt hỗ trợ đồng bào miền bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, Vinamilk đã dành tổng cộng 550.000 sản phẩm cho 11 tỉnh, thành như: Hà Nội, Yên Bái, Thái Nguyên, Sơn La, Cao Bằng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Lào Cai. Trong đó, có 100.000 sản phẩm dinh dưỡng (tương đương 500 triệu đồng) để hỗ trợ người dân các huyện ngoại thành Hà Nội gồm: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất đang chịu nhiều ảnh hưởng sau bão lũ. Cùng với chiến dịch hỗ trợ 550.000 sản phẩm, Nhà phân phối Vinamilk cũng tham gia bán hàng không lợi nhuận cho các đoàn từ thiện tặng vùng bị bão lũ và cán bộ, công nhân viên Vinamilk cũng chung tay cùng khách hàng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của bão Yagi.
Cũng giống như Vinamilk, trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão số 3 tới các tỉnh miền Bắc, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (HANDICO) đã chủ động, tích cực chung tay hỗ trợ việc khắc phục hậu quả của bão lũ. Theo đó, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, ủng hộ 500 triệu đồng tới người dân vùng bị sạt lở, ngập lụt vì bão lũ. Số tiền trên là sự chung sức và đồng lòng của người lao động HANDICO góp sức cùng cả nước hướng về người dân vùng bị thiệt hại với mong muốn làm vơi bớt những đau thương, mất mát, góp phần nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống người dân nơi bão lũ, thiên tai vừa đi qua. Là doanh nghiệp trực thuộc Thành phố Hà Nội, suốt 25 năm xây dựng và phát triển, HANDICO không chỉ chú trọng sản xuất kinh doanh mà còn luôn phát huy trách nhiệm xã hội, quan tâm công tác từ thiện, xã hội; chính trị, an ninh, quốc phòng với tổng giá trị gần 55 tỷ đồng thông qua nhiều hoạt động thiết thực. Các hoạt động trên đã huy động được nhiều cá nhân, đơn vị thuộc Tổng Công ty tham gia, tạo thành phong trào sâu rộng, truyền thống và nét đẹp văn hóa của Tổng Công ty.
Tương tự, đối với Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội), trước những tác hại nặng nề của cơn bão số 3, Tổng Công ty đã phát động quyên góp được 200 triệu đồng để ủng hộ cho công tác khắc phục hậu quả của cơn bão. Trước đó, Stanley cũng nổi lên như một điểm sáng trong phát huy trách nhiệm xã hội, thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện vì cộng đồng khi doanh nghiệp có 10 năm liên tiếp lọt vào top 100 trong hơn 1.000 doanh nghiệp đóng thuế lớn nhất Việt Nam; đóng góp từ thiện xã hội, quỹ vì người nghèo, các hoạt động xã hội hóa khác với số tiền từ 900 triệu – trên 1,2 tỷ đồng/năm; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 2.500 lao động với thu nhập bình quân đạt trên 13,5 triệu đồng.
Phát huy trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững
Trên đây chỉ là một số ít ví dụ về trách nhiệm xã hội, tinh thần vì cộng đồng của các doanh nghiệp. Tính riêng việc ủng hộ đồng bào miền Bắc bị lũ lụt vừa qua, theo thống kê, con số ủng hộ của các ngành, doanh nghiệp lên tới hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn vào cuộc mạnh mẽ với số tiền ủng hộ lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ủng hộ 20 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Bảo Việt mỗi đơn vị ủng hộ 5 tỷ đồng; TH True Milk ủng hộ 2 tỷ đồng… Ngoài tiền mặt, những chuyến hàng cứu trợ vẫn miệt mài chuyển đến người dân giữa vùng lũ. Sự chung tay của các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái giữa khó khăn. Các hành động thiết thực này đã thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và minh chứng cho tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng cộng đồng vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu tác động của thiên tai đối với cuộc sống của người dân. Hơn thế nữa, những hoạt động an sinh quy mô lớn còn thúc đẩy và hướng đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Đại diện HANDICO trao 500 triệu đồng ủng hộ người dân vùng ngập lụt thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội. |
Không chỉ trong việc khắc phục hậu quả bão lũ này, mà câu chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – doanh nhân từ lâu đã được nói đến nhiều, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững hiện nay. Có thể hiểu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là đề cập đến những nỗ lực và trách nhiệm của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu hoặc tránh các tác động có hại và tối đa hóa tác động tích cực và hữu ích lâu dài đối với xã hội. Ngoài ra, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn được định nghĩa là một công cụ để các tổ chức, doanh nghiệp hoàn thành các hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời đóng góp vào giải quyết các vấn đề xã hội và đạt được cam kết đối với xã hội. Hơn nữa, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cho phép các tổ chức phát triển và cung cấp các nguồn lực một cách hiệu quả.Ý nghĩa xa hơn, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được đánh giá là phương tiện hiệu quả để đạt được lợi thế cạnh tranh. Các chương trình từ thiện, các chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp là một cách tiếp cận toàn diện để doanh nghiệp tối đa hóa giá trị kinh tế, xã hội và môi trường lâu dài.
Trên thực tế, đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam đều thực hiện tốt các chương trình trách nhiệm xã hội, nhờ thế năng suất lao động, hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp được nâng cao. Bên cạnh đó, trách nhiệm xã hội còn giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh với khách hàng, sự gắn bó và hài lòng của người lao động, thu hút lao động có chuyên môn cao. Chẳng hạn như với Vinamilk, sự tích cực chung tay chia sẻ với cộng đồng của Vinamilk đã thể hiện rõ nét văn hóa doanh nghiệp của Vinamilk và cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Vinamilk phát triển ổn định, bền vững và tạo ra giá trị cho cộng đồng, duy trì sức hấp dẫn trên thị trường nhân sự. Năm 2023, Vinamilk được vinh danh là Nơi làm việc tốt nhất châu Á. Trước đó, doanh nghiệp cũng từng được vinh danh: Doanh nghiệp có hoạt động vì cộng đồng xuất sắc nhất tại Việt Nam, Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, Top 50 Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất đối với sinh viên Việt Nam, Top 100 Nhà tuyển dụng được yêu thích nhất nhiều năm liền…
Hay với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội, nhờ thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tích cực trong các hoạt động xã hội, từ thiện, hỗ trợ Cộng đồng, HANDICO luôn vững vàng trên con đường phát triển; thương hiệu, vị thế HANDICO ngày càng được khẳng định, luôn xứng đáng là Tổng Công ty hàng đầu của thành phố Hà Nội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô. Còn với Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam, việc phát triển sản xuất kinh doanh gắn liền với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng đã giúp cho Công ty không ngừng lớn mạnh, là một trong những thương hiệu mạnh, doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam.
Giá trị của doanh nghiệp không chỉ nằm những con số về hoạt động kinh doanh… mà còn là sự cam kết dài hạn và nỗ lực hết mình để thực hiện trách nhiệm với cộng đồng. Trong bối cảnh mới, đây chính là yếu tố cần thiết để thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng một cách bền vững dựa trên việc tạo ra giá trị cho con người và xã hội. |
Tú Anh
Nguồn: Báo lao động thủ đô