Thương binh Tạ Quang Uẩn – giỏi làm kinh tế, giàu lòng nhân ái
Băng qua chiến trường khói lửa
Là địa đầu của hai chiến tuyến, tỉnh Quảng Trị nói chung, đặc biệt là Thành cổ Quảng Trị nói riêng, trở thành vị trí chiến lược về quân sự. Tháng 6/1972, hàng vạn thanh niên trên khắp mọi miền Tổ Quốc đã tham gia xung phong trong chiến dịch này. Một trong những “lưỡi lê” của lực lượng bộ đội khi ấy là của chàng thanh niên 20 tuổi Tạ Quang Uẩn (ông sinh ngày 12/02/1952), đến từ xã Thống Nhất, huyện Thường Tín (Hà Nội), một độ tuổi vẫn còn đầy hoài bão và khát khao.
Năm 1972, chiến trường Quảng Trị vô cùng khốc liệt trong giai đoạn “81 ngày đêm đỏ lửa” với bom rơi, đạn lạc, nhưng không làm nao núng tinh thần các anh bộ đội Cụ Hồ. Khi ấy, nhiều chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, nhưng ông Tạ Quang Uẩn đã may mắn chỉ bị một tai nạn ở đùi sau những trận chiến vô cùng tàn khốc.
Doanh nhân thương binh Tạ Quang Uẩn
Năm 1973, ông làm lính thông tin trung đoàn 1 Đồng Tháp, đảm nhận công việc bí mật rải dây thông tin trước mỗi trận chiến để đảm bảo thông tin thông suốt. Mảnh đất Bến Tre với kênh, rạch chằng chịt; trên trời có không quân địch điên cuồng rải bom B52 và chất độc màu da cam; dưới thì lục quân của địch càn quét. Người chiến sĩ trẻ Tạ Quang Uẩn và đồng đội đã vượt mọi gian khó, sáng tạo nhiều chiến thuật hay, đánh du kích từng đồn bốt khiến quân địch thiệt hại nặng nề. Ông kể: “Khi ấy lính chiến xa nhà, anh em chúng tôi yêu thương nhau như thể tay chân, một điếu thuốc chia nhau hút…”.
Đêm 31/12/1974, khi đang hành quân tại Quốc lộ 6, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, có tám người lính bị địch phục kích dính mìn, một trong số đó là ông Uẩn. Khi anh em mang thi thể về chuẩn bị đem chôn bỗng nghe tiếng kêu đau. Giữa đêm tối, đồng đội soi đèn phát hiện duy nhất ông còn sống. Khi ấy, chiến sĩ Lê Văn Mỳ đã nhanh chóng cởi áo băng bó, sau đó đưa ông về ấp 6, xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre điều trị vết thương.
Chỉ vào vết mổ để cấp cứu nối ruột đã thành sẹo lồi trên bụng, ông cho biết hồi đó thiếu thốn trăm bề, phẫu thuật trên chiếu, nước dừa thay nước cất tiêm, truyền chống nhiễm trùng. Bốn tháng sau vết thương lành cũng vừa lúc giải phóng miền Nam. Ngày 02/05/1975, giữa Sài Gòn, ông và đồng đội ôm nhau khóc vì vui sướng tột độ.
Khi chiến trường không thể đánh gục ông, nó chỉ khiến ông mạnh mẽ hơn nhiều lần
Phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ – doanh nhân thương binh Tạ Quang Uẩn tuy đã không còn cầm súng chiến đấu vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại. Thế nhưng tình yêu với Đảng, với Bác Hồ, với nhân dân, với những năm tháng hào hùng chưa hề chấm dứt. Nó chỉ đơn giản là chuyển đổi môi trường mà thôi…. từ chiến trường đầy bom đạn, ông lại đến với thương trường đầy cạnh tranh, toan tính; từ chiến đấu vì nước vì dân, nay ông lại “chiến đấu” cho trọn nghĩa, vẹn tình với những người đồng đội đã cùng mình vào sinh ra tử, cả với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Vậy con đường nào đã đưa người thương binh với tỷ lệ thương tật 38%, nhiễm chất độc màu da cam tỷ lệ 41% ấy lên làm Giám đốc một công ty xây dựng uy tín như ngày hôm nay? Câu trả lời vẫn là: “Băng qua chiến trường khói lửa”. Sau khi giã từ vũ khí và khép lại cuộc đời lính, ông Tạ Quang Uẩn dấn thân vào thương trường với đầy đủ yếu tố đã tôi luyện trong mưa bom bão đạn, đó là: Khảng khái, bản lĩnh vững vàng, không ngại khó ngại khổ.
Và trên con đường ấy cũng không có hoa hồng, ông tự nhận mình là “con nợ chuyên nghiệp”, đã từng có thời điểm sổ đỏ của gia đình ông nằm trong ngân hàng, có lúc lãi đỉnh điểm lên đến 20%, ông phải nuôi nợ, nuôi lãi. Có lúc ông lại gặp phải đối tác làm ăn không sòng phẳng, “bùng” nợ cả tỷ bạc, nhưng những điều đó chỉ khiến ông trở nên dạn dày kinh nghiệm và bản lĩnh, cứng cỏi hơn.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trò chuyện với ông Tạ Quang Uẩn và các thương binh Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam.
Bên cạnh việc được chính quyền các cấp tạo điều kiện đặt hàng một số công trình, doanh nhân thương binh Tạ Quang Uẩn luôn năng động tìm mối đặt hàng và các mối làm ăn, ông áp dụng cả công nghệ cao để quản lý hành trình vận chuyển. Nhiều công trình hạ tầng dưới sự thi công của công ty TNHH Vật liệu Xây dựng Phong Cảnh đã đạt đúng tiến độ và chất lượng như đường vào Đền Đông Bộ Đầu, Trường trung học cơ sở Thống Nhất, Nhà văn hóa thôn Hoàng Xá…
Ngoài những thành công trên thương trường, người ta còn nhắc tới ông như một tấm lòng nhân ái với những người có hoàn cảnh khó khăn, với những đồng đội là thương binh nặng hơn ông, những liệt sĩ đã mãi mãi nằm lại, cả những người đồng đội năm xưa xả thân cứu mình….
Ông luôn tích cực ủng hộ các quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa” và phong trào xóa đói, giảm nghèo của địa phương và thành phố. Ông tài trợ cả chuyến xe cho đồng đội thăm lại Thành cổ Quảng Trị, một nửa nhân viên trong công ty ông cũng là con em các cựu chiến binh, thương bệnh binh…
Ở tuổi 72, nhưng người thương bình ấy vẫn được nhiều người thán phục với đầu óc kinh doanh nhạy bén, năng động trong quản lý. Tuổi 72, với gần 30 phần thưởng, bằng khen, danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc mà cơ quan trung ương và các ngành, các cấp, địa phương vinh danh, khen thưởng. Đó là những ghi nhận cho quá trình nỗ lực cống hiến của người chiến sĩ vươn lên từ mưa bom, bão đạn.
Tự thân câu chuyện của người thương binh Tạ Quang Uẩn đã ngập tràn cảm hứng. Một chàng thanh niên 20 tuổi đã tham gia trận đánh khốc liệt nhất thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sống sóng trở về sau nhiều lần “chết hụt”. Cởi bỏ cây súng, ông mang theo chiếc cặp hồ sơ, cuốn sổ, cây bút và trở thành giám đốc công ty xây dựng. Ông thắp sáng lên hy vọng trong cuộc sống cho những mảnh đời bất hạnh, nghèo khó.
Ông là động lực, là nguồn cảm hứng cho thế hệ con em sau này. Và có thể ở đâu đó trên đất nước Việt Nam ta, nếu được đặt câu hỏi “Sao con không đi học đại học mà lại chọn đi lính vậy?”, có thể sẽ có cậu thanh niên nào đó trả lời rằng: “Con đi lính để mai này trở thành doanh nhân thành đạt cứu giúp cho đời”!
Nguồn: hoanhap.vn