Phát triển chế biến sâu, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế giúp nâng tầm xuất khẩu sầu riêng Việt Nam

Chế biến sâu, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm sầu riêng xuất khẩu. Ảnh minh họa

Trong hai năm gần đây, nhiều địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên đã đẩy mạnh việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Với sản lượng dự kiến lên đến hàng triệu tấn, ngành nông nghiệp đang đối mặt với bài toán làm sao để nâng cao giá trị xuất khẩu và giữ vững thị trường. Đầu tư vào chế biến sâu là một trong những giải pháp được các chuyên gia và doanh nghiệp đặt kỳ vọng lớn.

Một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty Cổ phần Chế biến nông sản sấy số 1, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk. Mỗi ngày, nhà máy của công ty thu mua từ 1-2 tấn sầu riêng nguyên liệu. Sau khi tách múi và cấp đông, sầu riêng được đưa vào quy trình sấy thăng hoa – công nghệ giúp giữ nguyên hương vị, màu sắc và dưỡng chất. Ông Trương Tuấn Anh – đại diện công ty cho biết: “Sầu riêng khô có thời hạn sử dụng kéo dài từ 24-36 tháng, giúp chúng tôi tự tin cung cấp sản phẩm ổn định cho thị trường quanh năm mà không lo ngại về thời vụ.”

Nhờ những nỗ lực trong chế biến, sầu riêng đông lạnh Việt Nam hiện đã xuất khẩu sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khó tính như Thái Lan, Mỹ và châu Âu, với kim ngạch đạt vài trăm triệu USD mỗi năm. Đặc biệt, với việc cánh cửa xuất khẩu sang Trung Quốc ngày càng rộng mở, ngành sầu riêng Việt Nam dự kiến sẽ đạt kim ngạch 500 triệu USD từ thị trường này, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành lên đến 3,5 tỷ USD trong những năm tới.

Tuy nhiên, thách thức cũng không hề nhỏ khi thời gian vừa qua, một số lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị trả lại do phát hiện kim loại nặng (cadimi) hoặc dư lượng chất bảo quản không đạt yêu cầu. Điều này đã khiến giá trị xuất khẩu của sầu riêng giảm sút mạnh.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, từ việc cải thiện quy trình trồng, chăm sóc đến chế biến, đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế. Các biện pháp được thực hiện trên cơ sở chuỗi giá trị nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành quy trình kỹ thuật và sổ tay hướng dẫn canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững thương hiệu sầu riêng Việt Nam.

Trong quá trình xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc và kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố quyết định. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết: “Mỗi quả sầu riêng xuất khẩu phải trải qua ít nhất 7 khâu kiểm tra, từ việc kiểm soát mã số vùng trồng đến việc loại bỏ hoàn toàn rầy, rệp để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của từng thị trường.”

Ngoài thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam cũng đang từng bước chinh phục các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, ASEAN, và đặc biệt là Ấn Độ – một thị trường đầy triển vọng với hơn một tỷ dân.

Tuy nhiên, một vấn đề cần quan tâm hiện nay là việc sử dụng các chế phẩm để làm chín sầu riêng vẫn còn hạn chế. Theo Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt chất Ethephon được phép đăng ký để kích thích sinh trưởng ở một số cây trồng nhưng chưa được sử dụng phổ biến cho sầu riêng. Bộ cũng đã tạo điều kiện để các tổ chức và cá nhân đăng ký sử dụng các hoạt chất mới nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất.

Sự phát triển của ngành sầu riêng không chỉ dừng lại ở Trung Quốc, mà còn vươn xa đến các thị trường lớn khác. Đầu tư vào chế biến sâu và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là chìa khóa giúp ngành sầu riêng Việt Nam vượt qua những thách thức hiện tại và khai phá thêm nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích