Bài 1: Các “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
(Xây dựng) – Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã có văn bản chỉ đạo về việc tập trung phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Trung ương để tiếp tục triển khai thực thiện các nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Cà Mau, cảng biển Hòn Khoai; Nâng cấp, mở rộng tuyến đường quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Các dự trên hoàn thành tạo một viễn cảnh mới ở miền cuối đất.
Quá tải ở sân bay
Tháng 10/2023, dư luận người dân cả nước xôn xao, khi HĐND tỉnh thông qua một khoản tiền trên 7 tỷ đồng để hỗ trợ các hãng hàng không bay đến Cà Mau. Theo đó, mức hỗ trợ chi phí duy trì khai thác đường bay bằng tiền vé của 10% tổng số lượng ghế hành khách của mỗi loại tàu bay, theo từng chuyến bay thực tế. Hỗ trợ 3 triệu đồng/ghế đối với đường bay trên 1.000km; 2 triệu đồng/ghế đối với đường bay từ 500km đến 1.000km và 1,5 triệu đồng/ghế đường bay dưới 500km.
Trả lời với báo chí, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải lý giải: “Đây không phải là chuyện chơi sang như một số ý kiến phản biện. Việc khơi thông các huyết mạch giao thông, trong đó có đường hàng không chính là vấn đề mấu chốt để vực dậy sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Cà Mau. Mỗi năm, tỉnh chi không quá 7 tỷ cho hỗ trợ cho các hãng hàng không, nhưng cái lợi là để Cà Mau thu hút được khách du lịch, các nhà đầu tư tiềm năng, tiết kiệm chi phí công tác cho đội ngũ cán bộ, mở ra cơ hội hợp tác, làm ăn, đi lại của nhân dân… Nếu so sánh giữa ngân sách chi và những lợi ích mang về thì nghị quyết này là rất cần, rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay”.
Thế nhưng, việc hỗ trợ trên không được thực hiện do Sân bay Cà Mau quá tải, các hãng bay không dám vượt tải. Thực tế, Cảng hàng không Cà Mau do Pháp xây dựng với đường hạ cất cánh dài 400 m, rộng 16 m. Ngày 30/4/1975, Cảng hàng không Cà Mau được bộ đội ta tiếp quản. Từ năm 1976 đến giữ năm 1978, cảng hàng không này không có hoạt động bay dân dụng, chỉ có các chuyến bay quân sự, chuyến bay thuê chuyến hoặc phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Ngày 30/4/1995, Cảng hàng không đã phục vụ chuyến bay khai trương AN 2 VF808 hạ cánh an toàn xuống cảng hàng không Cà Mau. Do chiều dài của đường hạ cất cánh chỉ có 1050m nên Cảng chỉ tiếp thu được những loại máy bay nhỏ như AN-2, King Air B200, AS 350, Super Puma 320L, Mi-17.
Sân bay Cà Mau xây dựng từ thời thuộc Pháp. |
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, do thời gian xây dựng đã quá lâu, lại được xây dựng trên vùng đất yếu có điều kiện địa chất thủy văn không thuận lợi cho nền móng công trình. Từ năm 1975 đến năm 1995, cảng hầu như không khai thác. Cơ sở hạ tầng đã bị hư hỏng nhiều, đặc biệt là hệ thống đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đậu đã bị lão hóa, bề mặt nứt nẻ, không đảm bảo cho việc đưa vào khai thác với tần suất lớn. Năm 1995, Cụm cảng Hàng không miền Nam tiến hành nâng cấp, xây dựng mới nhà ga và khu nhà văn phòng Cảng Hàng không Cà Mau.
Báo cáo của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam gửi Bộ Giao thông Vận tải, đường băng ở Cà Mau đã xuống cấp, không chịu được sức tải lớn, hãng bay đã phải khai thác giảm tải 17%, duy trì hệ số sử dụng ghế dưới 77% để đảm bảo an toàn. Với hệ số như vậy, mỗi chuyến bay cũng đã vượt tải 10% so với sức tải của đường băng. Sau mỗi chuyến bay vượt tải, Sân bay Cà Mau phối hợp với cảng vụ hàng không và hãng bay kiểm tra tình trạng đường băng…
Mỗi năm, Sân bay Cà Mau được đón khoảng 43 chuyến bay vượt tải. Theo tính toán của Bamboo, trường hợp không được khai thác vượt tải, Bamboo ước tính mỗi chuyến bay bằng máy bay E190 chỉ có thể chở 38 hành khách trên tổng số 98 ghế ngồi. Nếu duy trì tần suất 3 chuyến/tuần với tỷ lệ lấp đầy ghế thấp như vậy, hãng sẽ lỗ 3,1 tỷ đồng mỗi tháng.
Ngày 25/7/2023, Bamboo ngừng khai thác đường bay Hà Nội – Cà Mau. Tỉnh hỗ trợ nhưng các hãng bay không tiếp tục mở lại tuyến bay do kinh doanh lỗ. Sân bay Cà Mau có tần suất bay thấp. Năm 2019, sân bay chỉ phục vụ 867 lượt chuyến bay. Trước khi đưa máy bay phản lực E190 vào khai thác, sân bay chỉ có thể đón dòng máy bay cánh quạt ATR-72 với cự li bay ngắn, không thể bay thẳng từ Hà Nội đến Cà Mau. Hiện nay, tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau và ngược lại có 4 chuyến/tuần vào các ngày Thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và Chủ Nhật bằng máy bay ATR 72.
Đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn đến Đất Mũi) hẹp, xuống cấp
Tháng 1/2016, tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn – Đất Mũi là phân đoạn cuối cùng của đường Hồ Chí Minh, có điểm đầu tại cầu Ông Tình (huyện Năm Căn) và điểm cuối tại Khu du lịch Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) với chiều dài 58,7 km, được hoàn thành giai đoạn 1. Đây là đoạn đường có ý nghĩa hết sức quan trọng đã góp phần xoá thế “ốc đảo” biệt lập của huyện Ngọc Hiển giúp nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện… Đồng thời, con đường còn tạo nên bước đột phá về kinh tế – xã hội, phát triển du lịch cho vùng đất cực Nam của Tổ quốc cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn đến Đất Mũi) thường xuyên sửa chữa với số tiền hàng tỷ đồng. |
Kết thúc giai đoạn 1, đoạn Km0 – Km12 có bình diện và trắc dọc, mặt cắt ngang đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng vận tốc thiết kế 80 km/h; đoạn Km12- Km58+455 có bình diện và trắc dọc đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng vận tốc thiết kế 80 km/h. Tuy nhiên, quy mô mặt cắt ngang mới chỉ tương đương với đường cấp V, tương ứng với tốc độ 40 km/h. Mặt khác, tại vị trí 4 cầu gồm: cầu Rạch Tàu, Rạch Vàm, Xóm Mũi và Rạch Bàu Nhỏ, hiện trạng được thiết kế trắc dọc châm trước hạ 1 cấp, đạt tốc độ thiết kế 60 km/h. Toàn bộ mặt đường của tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn – Đất Mũi hiện chỉ được láng nhựa.
Những ngày lễ tết, lượng du khách đến tham quan mũi Cà Mau sẽ gây kẹt xe cụt bộ. Mặc khác, đường thường xuyên xuống cấp do mưa kéo dài và ảnh hưởng triều cường. Hơn nữa, trên hai tuyến đường này, phương tiện lưu thông qua lại đông, nhất là xe tải trọng lớn, xe container… dẫn đến dễ phá vỡ kết cấu mặt đường. Từ ngày đường được thông xe, Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau thường xuyên nhận thông tin phản ánh của người dân, đường xuống cấp, ảnh hưởng giao thông đi lại.
Cục Đường bộ Việt Nam đã có chủ trương bố trí vốn hơn 4,8 tỷ đồng để sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường và hệ thống vạch sơn đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn – Đất Mũi). Dự kiến tháng 10/2024 sẽ triển khai thi công khắc phục, sửa chữa. Việc sửa chữa sẽ do Khu Quản lý đường bộ IV đảm nhận. Đoạn qua địa bàn huyện Cái Nước còn trong thời gian bảo hành, nên Ban An toàn giao thông tỉnh sẽ đề nghị chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu khẩn trương sửa chữa trong vòng một tuần phải xong để đảm bảo an toàn giao thông, không để giao thông bị gián đoạn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cà Mau, biện pháp sửa chữa đường chỉ tạm thời. “Đường trong tình trạng quá tải cần phải nâng cấp. Sửa chữa, dặm vá thì đến mùa mưa, mùa triều cường, phương tiện lưu thông nhiều cũng tiếp tục xuống cấp mà thôi”, vị cán bộ này cho biết.
Mơ về cảng biển
Cà Mau là địa phương dẫn đầu xuất khẩu thuỷ sản (chủ yếu là tôm) của cả nước, hàng năm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Hàng xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Nhật, EU… đều phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu rồi mới xuất đi. Một doanh nghiệp chế biển thuỷ sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho biết, các đơn hàng xuất khẩu của công ty đều giao hàng tại các cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng lấy từ kho của công ty phải mất 7-8 tiếng vận chuyển bằng đường bộ đến cảng, còn phải tốn chi phí lưu kho. Vì vậy, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh.
Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (thứ 4 từ phải sang trái) cùng đoàn công tác khảo sát dự án cảng biển Hòn Khoai. |
Trái với nghịch lý trên, Cà Mau thuận tiện cảng biển. Đảo Hòn Khoai (thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có độ cao 318m so với mặt nước biển và rộng khoảng 4km2, nằm ở phía Đông Nam Mũi Cà Mau cách đất liền hơn 6 hải lý, cách đường hàng hải quốc tế khoảng 20 hải lý, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 340 km. Hiện trên đảo có 4 lực lượng đứng chân làm nhiệm vụ bảo vệ, quản lý, gồm: Đồn Biên phòng, Hải quân, Trạm Hải đăng và Hạt Kiểm lâm.
Vùng biển này có độ sâu từ 15 – 27m, ổn định luồng lạch, rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển nước sâu và là một trong số ít cảng nước sâu của cả nước cho phép ra vào, bốc dỡ tàu có trọng tải rất lớn (tàu 250 ngàn tấn). Một lãnh đạo tỉnh Cà Mau khẳng định: “Cảng Hòn Khoai sẽ là động lực phát triển kinh tế – xã hội của không chỉ riêng Cà Mau mà của khu vực đồng bằng sông Cửu Long”…
Bài 2: Đánh thức tiềm năng
Nguồn: Báo xây dựng