Yên Bái: Đón nhận, truy điệu và an táng 2 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
(Xây dựng) – Ngày 11/10, tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã Y Can và xã Cường Thịnh (huyện Trấn Yên) đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận, truy điệu và an táng 2 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là liệt sỹ Phan Văn Ngó (xã Y Can) và liệt sỹ Nguyễn Văn Bình (xã Cường Thịnh).
Các tổ chức đoàn thể tại địa phương long trọng đón rước và thắp hương tri ân liệt sỹ trở về quê hương. |
Ngược dòng thời gian, vào những năm đầu của thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, trong khí thế sục sôi của cuộc cách mạng, đấu tranh, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, cũng như bao người thanh niên khác, khi vừa tròn 18 tuổi, tháng 9/1971, người thanh niên Nguyễn Văn Bình đã xung phong lên đường nhập ngũ. Trong thời gian đơn vị đóng quân ở Đại Từ (Thái Nguyên) với thành tích huấn luyện giỏi, chiến sỹ Nguyễn Văn Bình được chỉ huy đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình và cũng không ai ngờ đây là lần cuối Nguyễn Văn Bình được gặp mặt bố mẹ, anh chị em và những người thân trong gia đình.
Trở về đơn vị, quân nhân Nguyễn Văn Bình cùng đồng đội thuộc đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 394 Tây Nguyên, trực tiếp tham gia những trận chiến ác liệt với quân thù tại Mặt trận phía Nam và trong một trận chiến không cân sức giữa ta và địch, bom, đạn kẻ thù điên cuồng dội xuống trận đại, ngày 05/10/1973, Nguyễn Văn Bình đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời vừa tròn hai mươi trong vòng tay tiếc thương của đồng chí, đồng đội, để lại một tấm gương mưu trí, dũng cảm, ngoan cường để đồng đội noi theo và khiến quân thù khiếp sợ.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, ông Nguyễn Văn Tiến (em ruột của liệt sỹ Nguyễn Văn Bình, 70 tuổi) vẫn ghi nhớ những lời trăng trối và cũng là di nguyện cuối cùng của cha, mẹ ông trước khi qua đời, đó là đi tìm và mang được hài cốt của người con Nguyễn Văn Bình về với quê hương, về với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì cha, mẹ ông mới có thể được nhắm mắt, an lòng ở nơi suối vàng.
Thay vì người anh cả đã hy sinh, đảm nhận trọng trách thờ cúng tổ tiên, ông bà, bố mẹ và anh linh người anh liệt sỹ, ông Nguyễn Văn Tiến luôn mong ước được biết mộ phần liệt sỹ Nguyễn Văn Bình đang được an táng ở nơi đâu cùng với hy vọng mong manh một ngày nào đó sẽ được đón người anh trở về quê hương, đất mẹ để thờ cúng, chăm sóc phần mộ chu đáo, trọn vẹn tình nghĩa, bổn phận của người em đối với người anh đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình của nhân dân.
Thế rồi, trời đã không phụ lòng người, mong ước, nguyện vọng của ông Nguyễn Văn Tiến và gia đình thân nhân liệt sỹ đã trở thành hiện thực, được sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình, trách nhiệm của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, Văn phòng đại diện Báo Xây dựng tại Yên Bái và các cơ quan chức năng, của đơn vị, đồng đội, thông tin chính thức mộ phần của liệt sỹ Nguyễn Văn Bình đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Gia Lai, trong sự chăm sóc, hương khói với tấm lòng thành kính, yêu thương của các cơ quan, đơn vị và bà con nhân dân nơi đây.
Cùng với chuyến di chuyển hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Bình, Đoàn công tác của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ cùng và gia đình thân nhân liệt sỹ cũng đón nhận và di chuyển, đưa hài cốt liệt sỹ Phan Văn Ngó (xã Y Can, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) về an táng tại quê nhà. Liệt sỹ Phan Văn Ngó sinh năm 1951. Là con thứ 3 trong một gia đình có 11 anh chị em, được cha mẹ nuôi dưỡng, trưởng thành, giữa những năm tháng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt, tháng 5/1970, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, với khí thế “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, cũng như hàng vạn thanh niên khác, Phan Văn Ngó đã tạm biệt quê hương, hăng hái lên đường nhập ngũ, được biên chế quân số thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 95, tham gia chiến đấu tại mặt trận phía Nam. Sau gần 3 năm sát cánh, kề vai cùng đồng đội chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, ngày 30/01/1973, chiến sỹ Phan Văn Ngó và một số chiến sỹ khác đã hy sinh anh dũng, được đồng đội chôn cất tại Nghĩa trang Mặt trận, sau đó phần mộ hài cốt liệt sỹ Phan Văn Ngó đã được di chuyển và an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Gia Lai.
Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Bình, liệt sỹ Phan Văn Ngó được tổ chức trang trọng. |
Bố mẹ liệt sỹ là cụ Phan Đăng Long và bà Đặng Thị Túc đều đã qua đời sau nhiêu năm dài ngóng chờ tin con, với niềm mong mỏi tìm được mộ phần của người con thân yêu, liệt sỹ Phan Văn Ngó đang được chôn cất nơi đâu để đưa đón trở về đất mẹ, quê nhà. Giờ đây, liệt sỹ chỉ còn người cháu ruột là ông Phan Đức Nhã, hiện đang cư trú tại phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ là người thờ cúng liệt sỹ. Cũng vì cuộc sống, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đường sá xa xôi… nên mặc dù đã biết nơi an táng phần mộ người bác ruột của mình, liệt sỹ Phan Văn Ngó, ông Phan Đức Nhã cũng chưa thể thực hiện lời dặn và cũng là ước nguyện của ông bà nội (là cụ Phan Đăng Long và cụ Đặng Thị Túc) cũng như của cha, mẹ đẻ của mình là sớm đưa đón hài cốt liệt sỹ Phan Văn Ngó về an táng tại quê hương, tiện bề chăm sóc phần mộ, hương khói, thờ cúng liệt sỹ.
Được sự đồng hành, hỗ trợ một phần kinh phí của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh, Văn phòng thường trú Báo Xây dựng tại Yên Bái; sự giúp đỡ về người và phương tiện của Nhà máy Z183, sự tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục, hành tự của chính quyền, các cơ quan liên quan tỉnh Yên Bái và tỉnh Gia Lai, sau 5 ngày hành trình với trên 2.500km cả đi cả về, hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Bình và liệt sỹ Phan Văn Ngó đã được Đoàn công tác của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái do anh hùng Khổng Minh Quý, Chánh Văn phòng Tỉnh hội làm Trưởng đoàn, di chuyển, đưa từ Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Gia Lai (tại thành phố Playku), vùng đất Tây Nguyên hùng vỹ trở về với từng gia đình thân nhân liệt sỹ, đón nhận, truy điệu, sau đó sẽ an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ trung tâm huyện.
Sáng 11/10, Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Bình, liệt sỹ Phan Văn Ngó đã được tổ chức trang trọng, trong sự xúc động, nhớ thương khôn nguôi của thân nhân gia đình liệt sỹ, anh em, con cháu họ hàng, cùng với sự có mặt của đại diện lãnh đạo huyện, phòng, ban chuyên môn liên quan huyện Trấn Yên, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái, các đồng đội của liệt sỹ, đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cùng đông đảo bà con nhân dân xã Cường Thịnh, xã Y Can đến phúng viếng, tri ân và dự lễ truy điệu hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Bình và liệt sỹ Phan Văn Ngó.
Sau lễ truy điệu hài cốt liệt sỹ ở gia đình, hài cốt Nguyễn Văn Bình và liệt sỹ Phan Văn Ngó được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ông Đồng Quang Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh, Trưởng đại diện Báo Xây dựng tại Yên Bái cho biết, đây là chuyến thứ hai đưa đón, nhận hài cốt liệt sỹ từ các nghĩa trang ở các tỉnh phía Nam về quê hương, nơi các liệt sỹ đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành và bước chân lên đường nhập ngũ. Để thực hiện được các chuyến đi này thành công, Tỉnh hội đã nhận được sự đồng hành, phối hợp, giúp đỡ rất tích cực cả về người và phương tiện cũng như hỗ trợ kinh phí phục vụ các chuyến đi, đó là Ban Giám đốc, cán bộ công nhân viên Nhà máy Z183; vợ chồng ông Lê Đức Hòa, Giám đốc Công ty Vận tải và Taxi Sơn Hòa.
Có thể khẳng định, công tác tìm kiếm, đưa đón hài cốt liệt sỹ trở về nơi chôn nhau, cắt rốn, về với quê hương, về với người thân là một việc làm thể hiện đậm nét, chân thực và sinh động, mang tính nhân văn sâu sắc, là một việc làm tình nghĩa cao cả, vừa có tác dụng truyền cảm hứng mạnh mẽ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, vừa mang tính giáo dục tư tưởng chính trị sâu sắc đối với các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ, giữ vững truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đời đời biết ơn các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc của nhân dân”.
Ngay sau khi lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Bình và Phan Văn Ngó được hoàn tất, một bài hát nổi tiếng với giọng hát của ca sỹ quen thuộc làm cho không khí sau buổi lễ trở lên hùng tráng: “Có người lính, mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo/Có người lính mùa xuân ấy ra đi từ đó không về/Dòng tên anh khắc vào đá núi, mây ngàn hóa bóng cây che/Chiều biên cương trắng trời sương núi, mẹ già mỏi mắt nhìn theo/Việt nam ơi, Việt Nam! Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con/ Việt Nam ơi, Việt Nam! Ngọn núi nơi anh ngã xuống/Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa/Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn”…
Nguồn: Báo xây dựng