Tạo cơ hội đón làn sóng đầu tư thế hệ mới
“Thỏi nam châm” hút vốn FDI
Trong tiến trình hội nhập, Hà Nội luôn khẳng định là “thỏi nam châm” thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Giai đoạn 2018-2020, Hà Nội luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Trong đó, năm 2018 và 2019 xếp thứ 1/63 tỉnh, thành với số vốn lần lượt đạt 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD; năm 2020, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành đạt 3,83 tỷ USD.
Trong 2 năm 2021 và 2022, do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thu hút FDI vào thành phố Hà Nội có sự giảm sút. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là điểm đến hấp dẫn. Tính đến cuối năm 2022, Thành phố đã thu hút mới trên 4.500 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội…
Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài ngành công nghiệp bán dẫn. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 7 tháng năm 2024, Hà Nội đã thu hút hơn 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD.
Lĩnh vực thu hút vốn nhiều nhất là kinh doanh bất động sản, tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, dịch vụ, xây dựng và khoa học công nghệ… Trong đó, dự án chung cư Lumi Hà Nội tại Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm do Tập đoàn Capital Land (Singapore) đầu tư với số vốn 662 triệu USD, là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay.
Đánh giá về bức tranh tổng quát thu hút FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, vốn FDI đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô. Nhất là trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ, ngành dịch vụ chất lượng cao; góp phần tạo việc làm, cải thiện môi trường đầu tư. Đà tăng nguồn vốn FDI của Hà Nội từ các tập đoàn nước ngoài gia tăng là minh chứng rõ nét nhất, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế, giúp Hà Nội nâng cao vị thế về đối ngoại. |
Tại buổi làm việc của Ban thường vụ Thành ủy với Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về bức tranh tổng quát thu hút FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, vốn FDI đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô. Nhất là trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ, ngành dịch vụ chất lượng cao; góp phần tạo việc làm, cải thiện môi trường đầu tư. Đà tăng nguồn vốn FDI của Hà Nội từ các tập đoàn nước ngoài gia tăng là minh chứng rõ nét nhất, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế, giúp Hà Nội nâng cao vị thế về đối ngoại.
Những yếu tố giúp Hà Nội luôn nằm trong top dẫn đầu các tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi Hà Nội là Thủ đô của cả nước, với lợi thế cạnh tranh kinh tế-xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng. Hơn nữa Hà Nội được đánh giá cao về hệ thống kết nối, chi phí thời gian, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp…
Nhiều rào cản cần sự bứt phá
Dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng thu hút vốn FDI của Hà Nội còn không ít nhược điểm. Các doanh nghiệp vẫn tập trung ở một số ngành có trình độ công nghệ thấp như gia công dệt may, da giày, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử, ô-tô, xe máy… và một số ngành chế biến thực phẩm. Thành phố vẫn thiếu những doanh nghiệp lớn lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin.
Tuy vậy, Hà Nội đã và đang xác định cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho quá trình hội nhập và phát triển của Thủ đô.
Năm 2024, thành phố Hà Nội phấn đấu thu hút khoảng 3,15 tỷ USD vốn FDI; trong đó, các dự án có sử dụng đất khoảng hơn 2,15 tỷ USD, các dự án thương mại, dịch vụ khoảng 1 tỷ USD. Năm 2025, Thành phố dự kiến tiếp tục thu hút khoảng 2,7 tỷ USD vốn FDI.
Để đạt được những mục tiêu trên, theo Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, Hà Nội hoàn toàn có khả năng nhưng cần có sự bứt phá hơn nữa, bởi hiện Hà Nội còn nhiều rào cản khiến các nhà đầu tư nước ngoài “chần chừ” rót vốn.
“Trong đó khó khăn lớn nhất liên quan đến sự quá tải cơ sở hạ tầng và vấn đề này không dễ để giải quyết. Ngoài ra còn khó khăn liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù Hà Nội là trung tâm lớn tập trung các trường đại học nhưng các ngành phục vụ cho doanh nghiệp FDI lĩnh vực chip, công nghệ bán dẫn vẫn còn hạn chế. Đồng thời, một vài chính sách chưa thông thoáng hoặc việc chậm ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp của cơ quan chức năng cũng là rào cản cho các nhà đầu tư”, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cần chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.
Người lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI. |
Cùng đó tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp FDI một cách đồng bộ hơn như: Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất – kinh doanh; hỗ trợ kết nối đào tạo nghề giữa doanh nghiệp FDI với các trường đại học, cao đẳng nghề trong vùng; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án như hệ thống điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Hà Nội sẽ thu hút đầu tư FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững.
Thời gian tới, Thành phố sẽ thành lập thêm các khu, cụm công nghiệp để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, kết hợp tăng tốc độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại…
Áp dụng cơ chế đặc thù để “dọn tổ đón đại bàng”
Bên cạnh hành động quyết liệt, cơ chế chính sách thông thoáng là chìa khóa để Hà Nội mở cánh cửa thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong góp ý, tận dụng những thuận lợi về thể chế nêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Luật Thủ đô 2024, Hà Nội nên có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa để thu hút vốn FDI, đặc biệt nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ chất lượng cao. Tạo luồng sinh khí mới cho thu hút vốn đầu tư bằng việc cải tổ cơ cấu nhân sự, đội ngũ cán bộ trực tiếp liên quan đến lĩnh vực này.
Có thể nói, Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua đã tạo ra xung lực mới khi nhiều cơ chế đặc thù rộng mở. Từ đó giúp Hà Nội tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư lớn.
Bên cạnh những cơ chế ưu đãi chung đã có, Luật Thủ đô mở ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Đơn cử, với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực được xác định “ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược” sẽ được thành phố miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; đồng thời, được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp; trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân trong thời hạn 5 năm; miễn một số tiêu chí đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu khi tham gia đấu thầu các gói thầu của thành phố Hà Nội.
Bằng những hành động cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan đề xuất triển khai, tổ chức kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục dự án thu hút đầu tư thành phố Hà Nội đợt 1 năm 2024; rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động… để sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn.
Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường năng lực cán bộ thực thi, tập trung cải cách thủ tục hành chính và bộ máy hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ; xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật các thủ tục về đầu tư, kinh doanh; tuyệt đối không tùy tiện đặt ra các yêu cầu, điều kiện không phù hợp quy định pháp luật trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô; khẩn trương tổ chức thi hành Luật Thủ đô 2024, xây dựng một số chính sách đặc thù về tổ chức chính quyền đô thị, phân cấp, ủy quyền, thu hút trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ và bền vững.
Bằng những hành động cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan đề xuất triển khai, tổ chức kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục dự án thu hút đầu tư thành phố Hà Nội đợt 1 năm 2024; rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động… để sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn. |
Ngân Phương
Nguồn: Báo lao động thủ đô