Doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Đội ngũ doanh nhân đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế
Theo TTXVN, tại cuộc gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhắc lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới Công Thương vào ngày 13/10/1945, trong đó có đoạn “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”, qua đó khích lệ, động viên và khẳng định sự hỗ trợ tận tâm của Chính phủ, Nhân dân và của Bác Hồ đối với giới kinh doanh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chúc mừng các doanh nhân. |
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, sự ra đời của Ngày Doanh nhân Việt Nam cách đây tròn 20 năm (13/10/2004) đánh dấu sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, cũng là sự công nhận của xã hội về vai trò và những đóng góp lớn lao của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng và tự hào khi nước ta có được đội ngũ doanh nhân đông đảo, lớn mạnh, khẳng định vai trò, đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế đất nước. Các doanh nhân, bằng những ý tưởng sáng tạo và khả năng chấp nhận rủi ro, tạo ra doanh nghiệp đóng vai trò là động lực của tăng trưởng, tạo nhiều việc làm, nộp thuế cho nhà nước, nâng cao mức sống cho người lao động, thúc đẩy xã hội tiến bộ. Nhiều doanh nhân tài năng đã đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trở thành trụ cột trong một số ngành và lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Ngày càng có nhiều doanh nhân chuyển hướng vào công nghệ, sáng tạo, tham gia các ngành kinh tế, mô hình kinh doanh mới, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả, sức cạnh tranh cho nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Việt đã vươn ra thị trường toàn cầu, khẳng định được thương hiệu Việt vươn tầm khu vực và thế giới như PVN, Viettel, Trường Hải, Sungroup, Vingroup, FPT, Hòa Phát, TH và nhiều doanh nghiệp khác.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ các doanh nhân góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các cải cách kinh tế, định hình các chính sách phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh và đổi mới công tác quản lý kinh tế của Nhà nước; thúc đẩy cạnh tranh, là động lực để cùng nhau thăng tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất, giảm chi phí, có lợi cho người tiêu dùng. Cùng với đó, các doanh nhân mẫu mực cũng luôn theo đuổi tiêu chuẩn đạo đức, thực hành nguyên tắc cạnh tranh công bằng và làm chuẩn mực cho xã hội.
Bên cạnh những đóng góp về kinh tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, giúp đỡ người yếu thế, đóng góp lớn, san sẻ khó khăn, mất mát của người dân trong đại dịch Covid-19, siêu bão Yagi vừa qua và nhiều đợt thiên tai khác. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trân trọng ghi nhận và biểu dương các thành tích, kết quả quan trọng của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển đất nước.
Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp
Bên cạnh những kết quả lớn lao mà cộng đồng doanh nghiệp đã đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, trong đó cho rằng đội ngũ doanh nhân vẫn còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, năng lực quản trị hạn chế, chưa có nhiều doanh nhân vươn tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Tỷ lệ số lượng doanh nghiệp và doanh nhân so với dân số còn thấp so với các nước trong khu vực.
Chia sẻ với những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định từ góc độ các cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian qua nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân đã có những thay đổi tích cực. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện; quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân, quyền hoạt động kinh tế của tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý của Nhà nước phù hợp hơn với cơ chế thị trường; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện; quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng các doanh nhân. |
Mặc dù vậy, đội ngũ doanh nhân vẫn còn ít cơ hội tham gia trực tiếp vào việc hoạch định chính sách; tiếng nói của doanh nhân vẫn còn ít được lắng nghe ở nhiều cấp nhiều ngành hoặc được lắng nghe nhưng không tiếp thu đáng kể, thực chất. Những vướng mắc về thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh chậm được sửa đổi, trong đó có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu tính thực tiễn của mội số văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn lực đất nước đang “đọng” rất lớn trong các quy hoạch treo, dự án vướng mắc thủ tục, tài sản đất công, trụ sở công không sử dụng, tài sản trong tranh chấp, kiện tụng, tài sản nằm trong các vụ án kéo dài,… rất chậm được xử lý, giải quyết.
Để thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao trong tầm nhìn 20 năm tới và xây dựng nền kinh tế tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế và pháp luật, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành xương sống, mũi nhọn và tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược như hạ tầng điện, giao thông, thủy lợi, công nghệ thông tin, kỹ thuật số,… Quyết tâm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng hướng tới những chuẩn mực quốc tế; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới theo đúng tinh thần Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.
Phát huy tinh thần yêu nước để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định tương lai của đội ngũ doanh nhân Việt Nam là rất hứa hẹn nhưng cũng nhiều thách thức. Những tiến bộ công nghệ, toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển nhanh, năng động, cùng với cải cách thể chế và môi trường kinh doanh sẽ tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển, nhất là những người chưa phải là doanh nhân cũng có cơ hội khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân thành đạt. Khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho sự thịnh vượng của quốc gia.
Đánh giá đây chính là thời điểm để định hình lại vai trò của nhà lãnh đạo doanh nghiệp và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tin tưởng rằng cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định sự trỗi dậy của cách mạng kỹ thuật số, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây… đã mở ra tiềm năng khai thác các thị trường toàn cầu mà không gặp nhiều rào cản về địa lý đáng kể. Đây chính là cơ hội cho các doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn về cách tân công nghệ, xác lập “phương thức sản xuất số”, đi tắt, đón đầu xu hướng của thế giới, tạo vị thế và tầm ảnh hưởng mạnh trong một số ngành công nghiệp then chốt, tạo giá trị gia tăng cao, đưa nền kinh tế quốc gia thăng tiến lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.
Nhìn lại chặng đường vẻ vang của lịch sử dân tộc, thành quả của gần 40 năm đổi mới đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng vì đất nước có được đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo và lớn mạnh như ngày nay. Đó là những con người có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hóa kinh doanh. Đồng thời khẳng định tương lai năm 2045 liệu nước ta có thể trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao hay không là nhờ sự gánh vác của đội ngũ doanh nhân hôm nay và tương lai.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát huy tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, đề cao đạo đức kinh doanh, có hoài bão lớn và khát vọng phát triển, trở thành mẫu mực của tinh thần doanh nghiệp, kinh doanh liêm chính, nhân văn, có trách nhiệm; luôn giữ vững niềm tin đối với cơ nghiệp của bản thân, cơ đồ và tương lai đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn các doanh nhân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển; tinh thần đổi mới, sáng tạo và nghệ thuật tiếp thị sản phẩm; đề cao quản trị doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ, thực thi chính sách lao động công bằng, chú trọng xây dựng thương hiệu.
Doanh nhân khát vọng tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam khẳng định, giới doanh nhân, doanh nghiệp vui mừng, vinh dự được Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ân cần dành tình cảm trân trọng, tin cậy và những chỉ đạo quan trọng định hướng cho đội ngũ doanh nhân vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới của đất nước và giành nhiều thắng lợi to lớn trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam. |
Theo ông Điều, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã không ngừng đổi mới hoàn thiện cơ chế chính sách, nhưng vẫn còn một số lĩnh vực rườm rà, chồng chéo, giải quyết thủ tục hành chính ở một số địa phương, bộ ngành còn phát sinh thủ tục, kéo dài thời gian thực hiện.
Do đó, Hội Doanh nhân Tư nhân đề xuất tiếp tục hoàn thiện chính sách, đảm bảo tính đồng bộ trong thực tiễn, tiếp tục nỗ lực cải cách về thể chế kinh tế cần được đẩy nhanh và khoa học.
Đồng thời cho rằng, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, doanh nhân là người đồng hành với hành trang và dũng khí khát vọng cống hiến của mình doanh nhân cũng là người góp phần quan trọng đổi mới căn bản lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất, làm lên thế và lực Việt Nam, các chiến sĩ kiên cường trên mặt trận kinh tế cam kết thực hiện thành công sứ mệnh vai trò động lực quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nên Đảng, Nhà nước cần tiếp tục tạo cơ chế, chính sách để tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển hơn.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel. |
Còn ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho hay, phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập đến con đường hướng tới “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Một trong những chiến lược quan trọng để Việt Nam có thể vươn mình đó là chủ động, mở rộng đầu tư ra nước ngoài góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Để thực hiện được chiến lược này, Việt Nam không chỉ cần một vài doanh nghiệp mà phải có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài, tạo thành sức mạnh dân tộc, hình thành hệ sinh thái dịch vụ và sức mạnh cộng hưởng như các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc…
Do đó, Viettel đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp. Trong đó, nêu rõ các cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn vướng mắc đang gặp phải như cơ chế mua bán sáp nhập thoái vốn tại nước ngoài, cơ chế đánh giá tổng thể hiệu quả dự án đầu tư…
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam. |
Đại diện cho các doanh nhân nữ, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam nhấn mạnh: Thế giới hiện đại có những thành tựu vô cùng to lớn về khoa học công nghệ, khoa học quản trị, trí tuệ nhân tạo… Để tận dụng những thành tựu này, chúng ta cần có một số quyết sách, những cơ chế chính sách phù hợp cho từng thời kỳ, cho từng ngành nghề, để dẫn dắt, để khích lệ, để tạo ra những “cánh chim đầu đàn” trong từng lĩnh vực, để biến khát vọng thành hiện thực, để tạo ra sức mạnh to lớn cho dân tộc, để dân tộc ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn. Muốn vậy, theo bà Hương, cần có chính sách để lôi kéo tầng lớp doanh nhân và những doanh nghiệp đủ tâm – trí – lực vào lĩnh vực này.
Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam lưu ý những nguyên tắc chung là ở khi phát triển kinh tế ở lĩnh vực nào cũng cần tuân thủ mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn trên nền tảng phát triển bền vững. Vì vậy, cần đưa khoa học công nghệ, khoa học quản trị đan xen vào nhau để tạo ra năng suất lao động cao, chi phí giá thành hợp lý, chất lượng chuẩn quốc tế, thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún, lạc hậu, nhỏ lẻ thành phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Đặc biệt, bà Thái Hương nhấn mạnh, quan trọng nhất, ta cần tạo ra một môi trường đủ an toàn – an toàn ở đây bao gồm cả việc tạo hành lang pháp lý và các luật định phù hợp, thống nhất, không bị chồng chéo, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển; để mọi tầng lớp trong xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng lãnh hội lời hiệu triệu của người đứng đầu, xem đó như là một sứ mệnh, cùng gánh vác trên vai cùng đất nước, để đất nước ta giàu có và văn minh.
Bà Lê Nữ Thùy Dương, Phó Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings. |
Cũng tại buổi gặp mặt, bà Lê Nữ Thùy Dương, Phó Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings kiến nghị, doanh nghiệp đề xuất tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo các cấp ngành cụ thể hoá những đường lối, chính sách mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Trong đó, xây dựng những cơ chế, chính sách đột phá để phát triển doanh nghiệp dân tộc vươn tầm quốc tế như Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm thành công.
Có chính sách thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ưu đãi gồm: Khu công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và nông nghiệp tuần hoàn có quy mô lớn để hình thành những dự án động lực phát triển của vùng, hình thành cụm liên kết ngành, để có điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính bằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cho phép thực hiện đồng thời các bước thủ tục xin phép để nhanh chóng triển khai đầu tư và đưa dự án sớm đi vào hoạt động nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ theo quy định pháp luật.
Nguồn: Báo lao động thủ đô