Thà như là vô danh

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hi sinh vì nền tự do, hạnh phúc của Tổ quốc. Sinh ra từ những miền quê, với những tên gọi khác nhau, họ đã bỏ lại thời xuân xanh để cống hiến cho đất nước.

Trên tấm bia đá trong các nghĩa trang khắc nhiều cái tên, mỗi một cái tên được viết lên là một người đã nằm xuống. Mỗi cái tên nối dài thêm vinh quang cho đất nước, cũng nối dài thêm nỗi đau mất người thân của hàng vạn gia đình.

Mỗi ngôi mộ là một câu chuyện, một cuộc đời. Họ đã sống và chiến đấu với tất cả tình yêu dành cho Tổ quốc, với lòng dũng cảm và sự kiên cường không lùi bước. Khi nằm xuống, họ đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá, đó là độc lập, tự do của dân tộc.

Nhưng nhiều người trong số họ vẫn còn những nỗi đau “vô danh”.

Theo thống kê, cả nước còn 530.000 liệt sĩ chưa biết tên. Hiện, đã đưa được khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa biết tên về trên 3.000 nghĩa trang trên cả nước; còn khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ vẫn đang nằm ở các chiến trường xưa, ở bên Lào, Campuchia nhưng chưa tìm được vị trí.

Trả lại tên cho liệt sĩ để Tổ quốc không mất tên anh chỉ là một trong chuỗi những việc làm tri ân những anh hùng liệt sĩ, thương binh đã ngã xuống, đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc.

Những năm gần đây, công tác “đền ơn, đáp nghĩa” được Đảng, Nhà nước, nhân dân hết sức quan tâm và cơ quan trực tiếp thực hiện là Bộ LĐ-TB&XH đang có rất nhiều nỗ lực. Hàng ngàn mộ liệt sĩ đã được xác định ADN, đưa về quê hương theo nguyện vọng của gia đình.

Hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ vẫn dang dở và cần có thêm thời gian. Nhưng thời gian cũng không còn quá nhiều. Bởi, càng chậm trễ, cơ hội trả lại tên cho liệt sĩ vô danh càng ít. Hơn ai hết, những người lính hiểu rõ sự mong ngóng của gia đình thân nhân liệt sỹ và tự thấy trách nhiệm vất vả nhưng lớn lao, họ tìm kiếm với quyết tâm cao nhất.

Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây chúng ta lại có thêm một nỗi buồn nữa, nỗi buồn từ chính những ngôi mộ liệt sỹ đã ghi danh.

https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/f1/2017/7/16/506x682_11-30-45_7.jpg

Văn bản của Phòng LĐTBXH huyện Đại Từ khẳng định có sự nhầm lẫn về phần ghi tên trên bia mộ liệt sỹ (không phải liệt sĩ Lưu Sỹ Mùi- Văn Yên-Đại Từ- Thái Nguyên).

Bạn tôi, Nguyễn Phi, vừa chia sẻ: Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt mọi sự nhầm lẫn đều có thể xẩy ra, việc nhầm lẫn phiên hiệu đơn vị và hồ sơ thất lạc kể cả các liệt sỹ hy sinh được các lực lượng làm nhiệm vụ an táng.

Hiện nay Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát các hồ sơ còn tồn đọng giải quyết chính sách cho các cựu chiến binh tham gia kháng chiến tránh sai sót nhầm lẫn. Các đơn vị làm nhiệm tìm kiếm quy tập liệt sỹ hàng năm cất bốc được hàng ngàn liệt sỹ thất lạc.

Trường hợp cựu chiến binh Đinh Văn Hiển là thương binh hạng ¼  trú tại xóm Ba Giăng xã Bản Ngoại huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên là trường hợp điển hình. Năm 1979 trong trận chống trả giữ điểm cao 599 c – Biên giới Lạng Sơn anh bị thương đưa về tuyến sau. Khi các lực lượng làm nhiệm vụ thương binh tử sỹ phát hiện kỷ vật là chiếc mũ cối trong trận địa có ghi dòng chữ (Đinh Văn Hiển và phiên hiệu đơn vị) đối chiếu trong danh sách đơn vị đúng có tên quân nhân Hiển. Từ đó lực lượng quy tập an táng liệt sỹ và tên lấy tên liệt sỹ Đinh Văn Hiển.

Sau 15 năm, cựu chiến binh- thương binh hạng ¼  Đinh Văn Hiển cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa mới phát hiện ra. Sự việc được báo cáo cơ quan chức năng, nhưng hiện nay việc sửa tên trên bia mộ liệt sỹ phải qua nhiều cơ quan thẩm tra và giám định.

Hàng năm anh Đinh Văn Hiển cùng anh em cựu chiến binh lên thắp hương cho các liệt sỹ là đồng đội sát cánh chiến đấu trong chiến tranh Biên Giới.

Năm nay cựu chiến binh- thương binh hạng ¼  Đinh Văn Hiển đã bước vào tuổi 66 do vết thương cũ tái phát, sức khoẻ không được tốt. Nhưng ông vẫn đau đáu một điều làm sao để trả lại đúng tên cho liệt sỹ đang nằm dưới ngôi mộ mang tên, địa chỉ của mình.

 

Cựu chiến binh- thương binh hạng ¼  Đinh Văn Hiển chụp ảnh bên bia mộ liệt mang tên mình.

Đáng nói, chuyện của cựu chiến binh-thương binh hạng ¼ Đinh Văn Hiển cũng chưa phải là duy nhất ở Đại Từ- Thái Nguyên.

Theo Nhà báo Đồng Văn Thưởng (Báo Nông nghiệp Việt Nam): Từ gần 20 năm trước, ông Lưu Sỹ Mùi (Quê quán ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) là nhà báo, công tác tại Báo Thái Nguyên đã từng biết và kể về sự nhầm lẫn mang tên chính ông tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Ở đó, bia mộ ghi tên Liệt sỹ Lưu Sỹ Mùi (Năm sinh 1954. Quê quán: Văn Yên, Đại Từ, Thái Nguyên. Nhập ngũ đơn vị 559. Hy sinh ngày 14/12/1972).

Tuy nhiên, bản thân ông Mùi lại không đi bộ đội và chưa hề kinh qua quân ngũ.

Tại công văn số 62 ngày 10/04/2017 của Phòng LĐTBXH huyện Đại Từ, cho hay: Tổng số Liệt sỹ của huyện Đại Từ là 1556; trong đó thời kỳ chống Pháp có 145 Liệt sỹ, chống Mỹ có 1277 Liệt sỹ và tham gia chiến tranh biên giới có 134 Liệt sỹ. Qua rà soát danh sách các Liệt sỹ xã Văn Yên không có liệt sĩ nào là Lưu Sỹ Mùi.

Công văn 62 cũng nêu rõ, ông Lưu Sỹ Mùi (quê xóm Đình 2, xã Văn Yên, công tác tại Báo Thái Nguyên hiện tại đã nghỉ hưu tại Thành phố Thái Nguyên) có anh trai là Liệt sỹ Lưu Sỹ Hợi, sinh năm 1947, nhập ngũ tháng 05/1966, hy sinh ngày 30/6/1967 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bằng Tổ quốc ghi công số 8736B. Hiện tại, phần mộ Liệt sỹ Lưu Sỹ Hợi đang ở Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn.

 

Nhà báo Lưu Sỹ Mùi (người ôm bia mộ Liệt sỹ) đăng tải hình ảnh ông và mọi người về thăm Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn.

Phòng LĐTBXH huyện Đại Từ cho biết: Trên địa bàn xã Văn Yên có 2 người tên là Lưu Sỹ Mùi. Ngoài ông Mùi nhà báo còn có ông Lưu Sỹ Mùi sinh ngày 20/7/1954. Tháng 12/1971 – 12/1972, ông đi bộ đội thuộc đơn vị huấn luyện tại Sơn Tây Hòa Bình; Tháng 12/1972 – 3/1973 ông đi chiến trường miền Nam, chiến đấu ở Thượng Lào tọa độ B5, bị thương ngày 14/12/1972, được đơn vị đưa vào Viện điều trị 3 tháng; Tháng 3/1973 – 12/1975, ông làm vệ binh tại trường Sỹ quan đặc công Hòa Bình; Tháng 12/1975 – 12/1977, ông xuất ngũ về địa phương xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, làm Bí thư HTX Hợp Nhất, xã Văn Yên; Tháng 12/1977 – 08/1978, làm ruộng tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Tháng 8/1978 – 12/1978, tái ngũ học trường Sỹ quan đặc công tại Chu Lai – Đà Nẵng; Tháng 12/1978, ông Huấn luyện ở Tiểu đoàn đặc Công tại Thịnh Đán, Thái Nguyên; Tháng 12/1978 – 12/1987, Chỉ huy quân tại mặt trận Cao Bằng thuộc đơn vị Sư đoàn 322 trực thuộc Quân khu 1; Tháng 12/1987 đến nay, về nghỉ chế độ Bệnh binh tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

 

Cựu binh Lưu Sỹ Mùi và Huân chương chiến sỹ vẻ vang do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng.

Theo lời kể của cựu binh- bệnh binh Lưu Sỹ Mùi, ký ức tàn khốc của ngày 14/12/1972 như ùa về hiển hiện khiến ông so người vì lạnh, tìm thành ghế để tựa người, mắt rơm rớm…

Ông kể: Đó là ngày ông bị thương và cũng là ngày hy sinh ghi trên bia mộ của liệt sỹ bị nhầm lẫn đáng tiếc là Lưu Sỹ Mùi. Tọa độ B5 Thượng Lào giữa trưa ngày 14/12/1972.

Thời điểm ấy, ông Mùi và đơn vị chiến đấu của mình bị 2 máy bay phản lực và 3 chiếc B52 của Mỹ chút bom ồ ạt.

Chưa kịp định thần ông đã thấy thủ trưởng của mình ngã xuống.

Làm liên lạc viên cho Đại đội trưởng Nguyễn Duy Hiến nên lúc nào chiến sỹ Mùi cũng đi bên cạnh thủ trưởng, ông nhào xuống bên cạnh nhưng Đại đội trưởng của ông đã vĩnh viễn nằm xuống mà không kịp nói một lời nào.

Trong hỗn độn, nhiều chiến sỹ tử trận, bị thương, giữa bom đạn mịt mù, ông lại nhận ra người chiến sỹ đồng hương Đại Từ là Trần Văn Kỳ bị thương nặng.

Ông lao đến bên cạnh chiến sỹ Kỳ, nâng đầu đồng đội trên tay, ông cúi xuống hút hết máu mồm, máu mũi ộc ra nghẹt cứng đường hô hấp của anh. Những đồng đội khác chạy lại thì cũng là lúc ông thấy một tia sáng lạnh thấu xuyên qua cơ thể mình, cơ thể rệu rã, mắt ông mờ đi, ông chìm vào mê sảng.

Khi tỉnh dậy, ông Mùi thấy mình đang trong bệnh viện và đến giờ ông cũng không biết đó là bệnh viện nào. Bác sỹ cho biết, ông bị mảnh bom và sức ép khiến máu mất nhiều nên đã ngất lịm. Vì áo quần không còn lành lặn và phải mặc quần áo bệnh nhân nên thẻ căn cước quân nhân của ông bị thất lạc.

Ông Mùi cho rằng, có thể căn cước của ông đã được thu gom cùng với thi thể người Đại đội trưởng của mình hoặc bất kể một đồng đội nào đó của ông đã hy sinh giữa buổi trưa ngày 14/12 định mệnh ấy.

Để rồi, nhầm lẫn cho một ngôi mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn.

Ông không trách việc nhầm lẫn ghi bia mộ Liệt sỹ mang tên người đang sống là chính ông nhưng ông có vẻ giận vì tại sao đã biết là nhầm lẫn mà lại để tồn tại lâu đến vậy.

Mấy năm trước, cựu binh- bệnh binh Lưu Sỹ Mùi đã cho các con của mình tìm đến tận ngôi mộ để chụp ảnh.

Dưng dưng buồn, ông trải lòng, Liệt sỹ trong phần mộ, linh cốt ấy, linh hồn ấy làm sao có thể siêu thoát khi mang danh một người khác. Và bản thân ông, mãi hoài trăn trở như còn một món nợ lớn với gia đình Thủ trưởng Nguyễn Duy Hiến mà không biết làm thế nào trả được.

Sự việc được phát hiện đã lâu, cựu binh- bệnh binh Lưu Sỹ Mùi cũng như CCB thương binh hạng ¼ Đinh Văn Hiển đều mong muốn tên mình sẽ sớm được xóa trên các bia mộ kia, không phải vì sợ hãi gì, mà họ thực sự mong muốn những đồng đội của họ, người nằm xuống được trả lại chính danh…

Hoặc, thà là vô danh…

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích