Quản lý chất lượng nguồn nước đối mặt nhiều thách thức trong phát triển bền vững
Tầm quan trọng của tài nguyên nước trong phát triển bền vững
Nước từ lâu đã được công nhận là một nguồn tài nguyên không thể thay thế, là nền tảng cho sự phát triển bền vững của mọi quốc gia. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng. Tại Việt Nam, nguồn nước không chỉ phục vụ cho sản xuất công nghiệp và nông nghiệp mà còn đóng vai trò thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Theo GS. TS Lê Hồng Hạnh – Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, việc ban hành Luật Tài nguyên nước năm 2023 là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, các quy định pháp luật trước đây chưa đủ mạnh để đảm bảo an ninh nguồn nước, dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý và khai thác. Những bất cập đó có thể được khái quát như sau.
Thứ nhất, các quy định pháp luật có hiệu lực trước khi Luật Tài nguyên nước 2023 có hiệu lực chưa đảm bảo được an ninh nguồn nước bằng những giới hạn và trình tự thủ tục phù hợp, có kiểm soát trong việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước. Nước cần cho hầu như tuyệt đại đa số các công trình xây dựng, đặc biệt cho hoạt động sản xuất nông nghiệp thuộc phạm vi cấp phép và thực hiện bởi các ngành, các địa phương khác nhau.
Việc cấp phép thực hiện các dự án, các công trình, đặc biệt là các công trình có quy mô lớn và sử dụng nguồn nước lớn được chính quyền các cấp thực hiện những thiếu sự tham gia của các cơ quan quản lý tài nguyên nước, đặc biệt là các cơ ủy ban lưu vực sông. Cơ quan cấp phép dự án, chương trình quyết định các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước trong khi nên việc cấp giấy phép khó có thể đảm bảo khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước. Thực tế này lý giải vì sao tồn tại phổ biến các công trình, dự án khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước mà chưa được cấp phép của cơ quan chức năng.
Thứ hai, sự bất cân xứng giữa số lượng cực lớn chủ thể khai thác và sử dụng nước với năng lực quản lý, giám sát và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng kể cả về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, kỹ thuật lẫn quy trình minh bạch. Số lượng công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước quá lớn so với lực lượng mỏng manh của cơ quan được giao chức năng quản lý, giám sát tài nguyên nước. Sự bất cân xứng này càng trở nên nghiêm trọng khi các thể chế phi chính thức chưa được tạo điều kiện để tham gia tích cực và hiệu quả vào quá trình quản lý, giám sát tài nguyên nước.
Thứ ba, dù nguồn nước được khẳng định trong các văn bản pháp luật là tài nguyên song việc khai thác, quản lý sử dụng nó lại không phù hợp với nhận thức về giá trị của một tài nguyên. Các công cụ như giấy phép khai thác, tiêu chuẩn và quy trình sử dụng, giao dịch thương mại chưa được xây dựng đúng với giá trị của tài nguyên này. Bất cập dễ nhận thấy trong thực trạng pháp luật tài nguyên nước hiện hành là thiếu cơ chế kích thích sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Các chính sách tài chính tài nguyên nước hầu như chỉ mới quan tâm đến thuế, đến giá nước sinh hoạt mà chưa có các giải pháp phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp, sử dụng nước tiết kiệm, đưa một phần giá trị thương mại của tài nguyên nước vào các nguồn nước được sử dụng để sản xuất, đặc biệt là sản xuất thép, sản xuất thủy điện.
Thứ tư, việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước chưa được gắn chặt chẽ với kiểm soát, phòng chống ô nhiễm nguồn nước. Hầu như các quy định hiện hành chú trọng nhiều đến an ninh nguồn nước ở khía cạnh lượng dự trữ nhiều hơn là kiểm soát chất lượng và mức độ “thủy lợi” của nguồn nước. Thực tế cho thấy có nhiều nguồn nước tuy đủ lượng nước để đáp ứng nhu cầu nhưng không thể sử dụng. Minh chứng rõ ràng là nguồn nước trong những con mương, ao, hồ 6 xã Thái Phương và các xã lân cận của huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bị ô nhiễm nên dù có trữ lượng nước song sản xuất nông nghiệp ở đây từ lâu đã bị khai tử.
Đảm bảo an ninh nguồn nước phải gắn với kiểm soát ô nhiễm và cần có các giải pháp chặt chẽ về trách nhiệm pháp lý đối với việc gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu không gắn chặt khía cạnh bảo đảm nguồn nước và kiểm soát ô nhiễm thì dù có trữ lượng nước lớn, chúng ta cũng không thể sử dụng được. Pháp luật về tài nguyên nước thực sự chưa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước.
Thứ năm, trách nhiệm pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật tài nguyên nước chưa được chú trọng. Tài nguyên khoáng sản rất khác với tài nguyên nước. Áp dụng chung các biện pháp xử lý hành chính đối với các vi vi phạm trong hai lĩnh vực khác nhau này cần phải được xem xét lại. Bên cạnh đó, có hiệu lực, đã có 17 văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực tài nguyên nước được ban hành, trong đó, bao gồm 2 Nghị định và 15 Thông tư, dẫn đến một số quy định mới vẫn chưa có chế tài xử lý vi phạm hành chính; một số quy định tại Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 04 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã trở nên không còn phù hợp. Những bất cập này dễ nhận thấy trong hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tài nguyên nước. Hiệu lực và tính khả thi của các chế tài xử phạt hành chính theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP chưa cao vì thiếu sức răn đe bằng trách nhiệm cụ thể. Những bất cập này càng dễ nhận thấy ở việc sau đó 3 năm, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 để sửa đổi Nghị định số 33/2017/NĐ-CP.
Bài học từ Hàn Quốc trong quản lý chất lượng nước
Hàn Quốc, quốc gia nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế quốc dân, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm giai đoạn lần thứ nhất bắt đầu từ những năm 1960 và thúc đẩy các chính sách tăng trưởng kinh tế thông qua xuất khẩu tập trung vào công nghiệp hóa nặng. Thông qua sự thay đổi và phát triển liên tục của luật môi trường đã mở rộng mục tiêu và phạm vi quản lý và bảo tồn chất lượng nước sang môi trường nước tổng thể, bao gồm chất lượng nước hiện có và hệ sinh thái dưới nước, không chỉ các sinh vật sống mà cả các vi sinh vật. Theo ThS. Lee Hyung Yeon – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Luật Việt-Hàn, quốc gia này đã tiến hành nhiều cải cách về luật quản lý môi trường và tài nguyên nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và chất lượng cuộc sống của người dân.
Cụ thể, từ năm 2019, Hàn Quốc đã thống nhất tất cả các chức năng quản lý nước dưới sự giám sát của Bộ Môi trường, thay vì chia nhỏ cho nhiều bộ ngành như trước. Điều này giúp tăng cường hiệu quả quản lý và giảm thiểu xung đột giữa các cấp chính quyền. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đã áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nước nghiêm ngặt cho các cơ sở xử lý nước thải, góp phần cải thiện môi trường nước chung.
Theo đó, tiêu chuẩn quản lý và bảo tồn nước các chất ô nhiễm trong nước phải tuân theo quy định được chia thành tiêu chuẩn chất lượng nước thải đối với cơ sở xử lý nước thải công cộng và tiêu chuẩn cho phép xả thải đối với cơ sở xả nước thải, tùy thuộc vào mục tiêu của cơ sở xả thải. Tiêu chuẩn chất lượng nước thải là đối với nước thải từ các cơ sở xử lý nước thải công cộng được lắp đặt để ngăn ngừa ô nhiễm nước ở vùng nước công cộng và được xác định theo Pháp lệnh của Bộ Môi trường (Điều 12-3). Cụ thể, các quy định quy tắc thi hành, chia thành bốn khu vực: I, II, III và IV và đặt ra tiêu chuẩn chất lượng nước 225 thải cho từng chất gây ô nhiễm nước như chất rắn lơ lửng (Điều 26 Quy tắc thi hành). Pháp luật riêng về tiêu chuẩn chất lượng nước của nước thải từ các cơ sở xử lý nước thải công cộng được quy định bởi Luật Công trình nước, và tiêu chuẩn chất lượng nước của nước thải từ các cơ sở xử lý như chất thải chăn nuôi được quy định bởi Luật Quản lý và sử dụng phân chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã triển khai chính sách quản lý tổng lượng chất gây ô nhiễm, đặt ra mục tiêu chất lượng nước cho từng khu vực và giao quyền quản lý cho các cấp chính quyền địa phương. Đây là một chính sách linh hoạt, phù hợp với từng điều kiện cụ thể, giúp nâng cao chất lượng nước và bảo vệ môi trường nước lâu dài.
Quy chuẩn chất lượng nước mặt tại Việt Nam
Việt Nam đã và đang có những bước tiến trong việc hoàn thiện khung pháp lý về tài nguyên nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2023/BTNMT về chất lượng nước mặt, giúp đánh giá và phân loại chất lượng nước, làm căn cứ cho việc bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Với các thông số ảnh hướng tới sức khỏe con người, quy chuẩn đã quy định với 40 thông số. So với QCVN 08-MT/2015 cũ, quy chuẩn mới đã bổ sung thêm 12 hợp chất hữu cơ là các dung môi sử dụng phổ biến trong công nghiệp.
Quy chuẩn này quy định rõ ràng về các thông số ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái, đồng thời phân loại chất lượng nước thành bốn mức từ A, B,C, D. Điều này giúp cơ quan chức năng và doanh nghiệp có thể định hướng rõ ràng hơn trong việc xử lý và sử dụng nguồn nước sao cho bền vững.
Theo quy định giá trị giới hạn tối đa các thông số ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, dữ liệu quan trắc để đánh giá chất lượng là giá trị trung bình hàng năm với tần suất quan trắc tối thiểu là 6 lần/năm. Chất lượng nước tại 1 điểm đo được đánh giá là không đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người nếu giá trị trung bình số học hàng năm của ít nhất 1 thông số vượt quá ngưỡng quy định.
Theo quy định ngưỡng giá trị giới hạn các thông số ảnh hưởng tới đời sống thủy sinh, dữ liệu quan trắc để đánh giá, phân loại chất lượng nước là giá trị trung bình hàng năm với tần suất quan trắc tối thiểu là 10 lần/năm.
Về phương pháp xác định, có thể áp dụng quan trắc thủ công theo định của QCVN hoặc quy định trong Thông tư số 10/2023/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, chấp nhận kết quả quan trắc từ thiết bị quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt đáp ứng các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
Quản lý tài nguyên nước là vấn đề cấp bách không chỉ đối với Việt Nam mà cả thế giới. Việc hoàn thiện pháp luật và áp dụng những bài học từ các quốc gia như Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam đối phó với những thách thức về an ninh nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo đảm tài nguyên nước được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Duy Trinh