Giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.006 đồng lên 2.103 đồng/kWh từ 11/10
Vậy với mức tăng 4,8% thì chi phí tiền điện của các đối tượng khách hàng sẽ thay đổi ra sao? Theo tính toán của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, mức tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% làm cho chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng thêm 0,04%. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện lần này tác động đến các đối tượng khách hàng khác nhau, phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm.
Cụ thể, với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt (kinh doanh dịch vụ, sản xuất, đơn vị hành chính sự nghiệp) mỗi tháng sẽ phải chi trả tăng thêm từ 91.000 đồng/tháng đến 499.000 đồng/tháng, tuỳ từng đối tượng sử dụng.
Giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2.006 đồng lên 2.103 đồng/kWh từ 11/10/2024. |
Trong khi đó, với nhóm khách hàng sinh hoạt, tỉ lệ sử dụng điện sinh hoạt hiện nay được phân chia theo các bậc thang tiêu thụ, từ thấp đến cao theo 6 bậc. Trong đó, bậc 1 với mức giá điện hiện nay là 1.806 đồng/kWh sẽ tăng lên mức 1.893 đồng/kWh (tiền điện phải trả tăng thêm là 4.350 đồng/kWh); bậc 2, mức giá điện hiện hành là 1.866 đồng/kWh, sau khi tăng thêm có giá là 1.956 đồng/kWh (tiền điện phải trả tăng thêm là 8.850 đồng/kWh); bậc 3, có mức giá là 2.167 đồng/kWh, sẽ tăng lên mức 2.271 đồng/kWh (tiền điện phải trả tăng thêm là 19.250 đồng/kWh)… bậc 6, hiện giá bán lẻ điện bình quân là 3.151 đồng/kWh, mức giá mới sẽ là 3.302 đồng/kWh (tiền điện phải trả tăng thêm là 62.150 đồng/kWh).
Căn cứ mức giá điện bán lẻ mới được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra có thể thấy, đối với khách hàng sử dụng điện ở mức từ 200 kWh/tháng sẽ phải chịu mức tăng đáng kể. Thực tế với mức tiêu thụ này, nhiều người sẽ phải gánh thêm một số tiền lớn hàng tháng cho chi phí sử dụng điện. Trong khi đó, mức giá tiêu dùng thời gian quan cũng đã tăng cao, đặc biệt là kể từ sau cơn bão số 3.
Theo thông báo đưa ra từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho thấy, ở lần tăng giá điện lần này, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội về vấn đề tiền điện hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương với lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Đối với các hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện không quá 50 kWh/tháng, mức hỗ trợ cũng tương đương với số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách (áp dụng theo Quyết định 2941/QĐ-BCT ngày 08/11/2023 của Bộ Công Thương) là 59.500 đồng/hộ/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện khoảng 62.500 đồng/hộ/tháng…
Mặc dù chính sách hỗ trợ giá điện với các hộ nghèo vẫn được áp dụng, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, số lượng tiêu thụ điện của các hộ nghèo là không đáng kể, trong khi đó, hiện người tiêu dùng sử dụng điện ở mức từ 200 kWh/tháng lại rất lớn và điều này sẽ tác động đến chi phí sinh hoạt tăng thêm hàng tháng lên cao, trong khi hiện nay rất nhiều mặt hàng cũng đã tăng giá.
Chị Thu Quỳnh ở Hà Đông (Hà Nội) lo lắng, hiện nay giá thực phẩm đang leo thang, tiền học phí cũng rục rịch tăng, giờ lại đến lượt giá điện điều chỉnh tăng tiếp… không thể cứ mãi nghe ngành điện báo lỗ, thì Nhà nước lại đồng ý với đề xuất tăng giá điện của ngành điện. Như vậy không khác nào việc doanh nghiệp gặp khó lại đổ lên vai người dân gánh chịu.
Đồng tình với chị Thu Quỳnh nhiều người cũng cho rằng, ngành điện ra quyết định tăng giá điện trong dịp này là không hợp lý, đặc biệt là việc nhiều người dân tại các địa phương đang phải gồng mình khắc phục thiệt hại hậu quả của cơn bão số 3 gây ra, cũng như việc nhiều doanh nghiệp hiện phải đối mặt với muôn vàn khó khăn bởi sự suy giảm của nền kinh tế…
Thiết nghĩ, trước khi quyết định hoặc đề xuất tăng giá điện, ngành điện cần nên chọn thời điểm thích hợp, cũng như cần lấy ý kiến rộng rãi đến toàn thể khách hàng sử dụng điện, có như vậy, khi chính sách đưa ra mới tạo sự đồng thuận rộng rãi và cũng tránh được suy nghĩ của người dân về việc “một mình một ngựa của ngành điện”.
Nguồn: Báo lao động thủ đô