Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tăng hơn 5.400 tỷ đồng

(Xây dựng) – Tổng mức đầu tư dự án tăng hơn 5.400 tỷ đồng là do chi phí giải phóng mặt bằng tăng và phát sinh thêm nhiều dự án thành phần do các địa phương đề xuất bổ sung nhằm nâng cao năng lực vận tải, kết nối khu vực sân bay quốc tế Long Thành.

Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng hơn 5.400 tỷ đồng
Một phần dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đang được triển khai. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1, Bộ Giao thông vận tải cho biết sau hơn 1 năm thi công, dự án này cần phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Theo đó, tổng mức đầu tư cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến điều chỉnh tăng khoảng 5.400 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) có chiều dài 53,7km, quy mô từ 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng. Dự án được chia làm 3 dự án thành phần gồm dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản; dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản và dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản.

Theo Bộ Giao thông vận tải, chi phí giải phóng mặt bằng của dự án được tính toán tại thời điểm hiện nay dự kiến tăng hơn 3.200 tỷ đồng so với tổng mức đưa ra theo Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, dự án thành phần 1 tăng 120 tỷ đồng; dự án thành phần 2 tăng hơn 1.200 tỷ đồng và dự án thành phần 3 tăng gần 1.900 nghìn tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng vượt so với tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua và cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Ngoài ra, tại dự án thành phần 3, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa đề xuất bổ sung nút giao Mỹ Xuân – Ngãi Giao giao với Đường tỉnh 991 nhằm nâng cao năng lực vận tải, kết nối cảng Cái Mép -Thị Vải với sân bay quốc tế Long Thành, kinh phí bổ sung dự kiến khoảng 1.600 tỷ đồng. Như vậy, sơ bộ cho thấy tổng mức đầu tư dự án dự kiến điều chỉnh đã tăng khoảng 5.400 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, hiện đơn vị này đang tổ chức thẩm định nội bộ hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, hoàn thiện để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét.

Sau hơn 1 năm khởi công xây dựng, hiện tại dự án thành phần 1 và 2 thực hiện chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, rất chậm chạp trong giải phóng mặt bằng. Chỉ riêng dự án thành phần 3 tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã được bàn giao toàn bộ mặt bằng, nguồn vật liệu đất đắp đảm bảo, các nhà thầu đã triển khai thi công đồng loạt trên toàn dự án, tiến độ thi công đáp ứng yêu cầu.

Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có vận tốc thiết kế 100km/giờ, từ 4-6 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe; thời gian thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Việc đẩy nhanh tiến độ dự án Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khi hoàn thành dự án sẽ kết nối các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây- Phan Thiết, cao tốc Bến Lức – Long Thành, các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc này, thời gian chạy xe từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bà Rịa – Vũng Tàu được rút ngắn chỉ còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút và thường xuyên ùn tắc như hiện nay.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích