Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh, hiện đại
(Xây dựng) – Sau 12 năm thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% (cả nước đạt 73,06%).
Đường liên thôn, liên xã của huyện Đầm Hà được đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. |
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu ấn tượng tạo đà quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành quả trên chặng đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Thực hiện hiệu quả 1 trong 3 đột phá chiến lược, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp tục lồng ghép các nguồn đầu tư trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Đồng thời, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng nông thôn thực sự cần thiết, cấp bách, công trình về giáo dục, văn hóa, giao thông chiến lược kết nối liên vùng, liên xã phục vụ đời sống của nhân dân để hoàn thiện hạ tầng kinh tế – xã hội vùng nông thôn theo chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Tập trung hoàn chỉnh các công trình bảo đảm đạt chuẩn về cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; nâng cấp về kết cấu hạ tầng cho trạm y tế xã; xây dựng hệ thống chợ nông thôn theo quy hoạch trên cơ sở nhu cầu thực tế của người dân.
Nâng cao đời sống người dân nhờ hạ tầng
Trước đây, Đồn Đạc vốn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ba Chẽ, nhưng nay đã khoác lên mình tấm áo mới. Diện mạo nông thôn nơi đây đã khác biệt, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng mới khang trang phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Kinh tế phát triển, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Năm 2011, khi mới bắt đầu xây dựng nông thôn nơi, thu nhập bình quân của người dân Đồn Đạc chỉ đạt 4,68 triệu đồng/người, đến nay đã đạt 60 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 77,17% (năm 2010) xuống còn 0,95% (năm 2022).
Chị Nguyễn Thị Hạnh, người dân xã Khe Mằn (Đồn Đạc) cho biết: “Trước đây, cuộc sống của các hộ dân trong xã rất khó khăn, hộ nghèo còn nhiều. Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân đã thay đổi rõ rệt, có nhiều ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, con em được đến trường, đời sống văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, an sinh xã hội ngày càng được quan tâm”.
Huyện Bình Liêu triển khai xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, các chỉ tiêu theo bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2010-2015 rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo hơn 60%; các xã, thôn đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; kinh tế chậm phát triển, văn hóa lạc hậu, kết cấu hạ tầng yếu kém.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù và các nguồn lực, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nỗ lực vươn lên, chung sức xây dựng nông thôn mới, từng bước thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.
Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh chia sẻ: “Nhờ làm tốt công tác truyền thông, nhận thức về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt, từ chỗ người dân và cán bộ cấp xã, huyện coi đây là một chương trình đầu tư của Nhà nước cho vùng nông thôn, đến nay tất cả đã chủ động tham gia nông thôn mới, xóa bỏ tâm thế ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, vào chính quyền. Năm 2022, huyện đã cán đích đạt chuẩn huyện nông thôn mới”.
Từ năm 2023, Quảng Ninh đã thực hiện việc gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị và nông thôn, công nghiệp, xây dựng, du lịch, dịch vụ với nông lâm ngư nghiệp, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng để nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao.
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”, Quảng Ninh đã tạo được những phong trào sôi nổi do chính người dân tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Dân vận khéo”, “Đẹp nhà, sạch đường, sạch đồng ruộng”, “Thắp sáng đường quê”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Trở thành tỉnh kiểu mẫu nhờ đưa chương trình nông thôn mới vào chiều sâu
Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo đó là phải bắt đầu từ tư duy. Tỉnh đã thực sự đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kiên trì thực hiện chủ trương quy hoạch đi trước một bước.
Để đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới, Quảng Ninh tập trung vào 3 đột phá chiến lược là: Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, bảo đảm đồng bộ liên thông tổng thể, kết nối chặt chẽ giữa đô thị với nông thôn, giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, tận dụng tối đa lợi thế từ kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đã hoàn thiện để tổ chức lại không gian và nguồn lực, quản lý sử dụng bền vững, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi cơ cấu gãy đổ do cơn bão vừa qua, sang trồng Tre làm giàu bền vững cho bà con. (Ảnh: Công ty YNC của Hàn Quốc đã đầu tư nhà máy chế biến tre tại Quảng Ninh) |
Tại Hội nghị tổng kết 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bềng vững của Quảng Ninh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã ghi nhận và đánh giá Quảng Ninh hết sức năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương trong điều kiện của tỉnh qua từng giai đoạn; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; ưu tiên dành nguồn lực tập trung cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.
Bên cạnh việc bố trí ngân sách địa phương, Quảng Ninh cũng sáng tạo trong việc huy động nguồn lực xã hội. Cùng với đó, tỉnh huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lồng ghép khéo léo các chương trình mục tiêu ở từng địa bàn, có cơ chế để phát huy vai trò, tinh thần nỗ lực của người dân tự vươn lên thoát nghèo. Với những cách làm như vậy đã khẳng định Quảng Ninh có nhiều mô hình hay được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, đến học tập trong xây dựng nông thôn mới.
Nông thôn mới không chỉ mang lại luồng gió mới, diện mạo mới tại các làng quê, thôn xóm trên địa bàn Quảng Ninh. Nhờ đó đã củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của đảng và là tiền đề quan trọng để tỉnh Quảng Ninh bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí và cuộc sống nhân dân.
Nguồn: Báo xây dựng