Bắc Giang: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị
(Xây dựng) – Trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại tỉnh Bắc Giang, nhiều địa phương đã được định hướng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven thị trấn, thị tứ hoặc được quy hoạch trở thành trị trấn, thị tứ. Qua đó, từng bước tiệm cận với các điều kiện hạ tầng, dịch vụ, thương mại của đô thị.
Một khu dân cư tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) được đầu tư đồng bộ, hiện đại. |
Nền tảng để xây dựng đô thị
Thời gian qua, huyện Lạng Giang là một trong những đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt được những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư, bộ mặt nông thôn đổi mới, hiện đại. Năm 2019, sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM, Lạng Giang chỉ đạo các xã duy trì kết quả đã có và tiếp tục xây dựng lộ trình đạt chuẩn xã NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, toàn huyện có 5 xã NTM, 12 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và 77 thôn kiểu mẫu. Những kết quả trong xây dựng NTM là nền tảng để địa phương hướng tới xây dựng đô thị.
Theo đại diện lãnh đạo huyện, Lạng Giang đã sáp nhập xã Phi Mô và thị trấn Vôi, xã Tân Thịnh và thị trấn Kép để mở rộng không gian phát triển đô thị. Các khu đô thị mới được quan tâm đầu tư, tỷ lệ dân số đô thị được nâng lên. Qua đó từng bước xây dựng, phát triển các đô thị hướng tới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm sáng, xanh, sạch đẹp và hài hòa với thiên nhiên.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM nâng cao sau năm 2025 và đến năm 2030 đạt tiêu chí đô thị loại IV, tiệm cận các tiêu chí của thị xã, huyện Lạng Giang đã phát động phong trào thi đua xây dựng NTM, phát triển đô thị mang tính thực chất, đi vào chiều sâu nhằm tạo sự đồng thuận cao và sức lan tỏa rộng khắp. Phấn đấu tỷ lệ dân số đô thị của huyện đạt trên 18% vào năm 2025. Đồng thời xây dựng thị trấn Vôi đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Kép cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV; xã Tân Dĩnh đạt tiêu chí đô thị loại V; các xã: Thái Đào, Nghĩa Hòa, Tiên Lục, Tân Hưng, Mỹ Thái, Xương Lâm cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại V.
UBND huyện đã chỉ đạo các xã trên tổ chức rà soát, đánh giá chấm điểm theo tiêu chí đô thị, để từ đó định hướng đầu tư xây dựng nhằm khắc phục điểm chưa đạt. Kết quả, đến hết năm 2023, các xã: Tân Dĩnh đạt 73,82/100 điểm, Tân Hưng 68,55/100 điểm, Thái Đào 68,8/100 điểm, Nghĩa Hòa 67,4/100 điểm, Tiên Lục 65,47/100 điểm, Mỹ Thái 65,8/100 điểm, Xương Lâm 65,98/100 điểm.
Tại xã NTM kiểu mẫu Tân Hưng, từ năm 2021 đến nay đã tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội đồng thời huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình. Xã vận động người dân hiến hơn 40 nghìn m2 đất ở, đất nông nghiệp và tháo dỡ hơn 3 nghìn m tường bao để mở rộng 27,8km đường trục xã, thôn; tổ chức cứng hóa 8,6km đường bề mặt rộng 7,5m; 19,2km đường bề mặt rộng 3,5m – 5,5m; sửa chữa, chỉnh trang khuôn viên 13 nhà văn hóa thôn, lắp mới lò đốt rác công suất lớn và mở rộng bãi rác thải tập trung hơn 6ha… Theo ông Lê Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã, thời gian tới, xã Tân Hưng sẽ tập trung thực hiện tiêu chí số 5 (trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị), phấn đấu có thêm ít nhất 6,45 điểm để đạt tối thiểu 75 điểm, đưa xã Tân Hưng trở thành đô thị loại V.
Tương tự, một số xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu như: Lan Mẫu, Cẩm Lý (Lục Nam); Việt Lập, Ngọc Thiện (Tân Yên); Cảnh Thụy, Nội Hoàng, Tiền Phong, Hương Gián, Tân Liễu (Yên Dũng); Trù Hựu, Thanh Hải, Hồng Giang, Phượng Sơn, Phì Điền, Biển Động (Lục Ngạn)… đã có kế hoạch, lộ trình nâng chất lượng các tiêu chí NTM để hướng tới xây dựng đô thị như theo quy hoạch.
Quan tâm công tác quy hoạch
Đến nay, tỉnh Bắc Giang có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 154 xã NTM, 59 xã NTM nâng cao và 12 xã NTM kiểu mẫu. Cả 10 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch chung toàn đô thị; 100% các xã hoàn thành đồ án quy hoạch xây dựng NTM. Dựa trên những kết quả từ xây dựng NTM, nhiều nơi đã và đang phấn đấu trở thành đô thị.
Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó các địa phương rà soát, thực hiện bảo đảm đồng bộ, có sự kết nối nông thôn – đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập của người dân”.
Kinh nghiệm của các địa phương cho thấy, để thúc đẩy quá trình đô thị hóa bền vững, cần tích cực tuyên truyền nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, trong đó xác định xây dựng NTM, văn minh đô thị là nội dung quan trọng.
Tập trung hoàn thành những tiêu chí trọng tâm như: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển đô thị với nâng cao các tiêu chí NTM; phát triển không gian đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng, chú trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…
Đối với những địa phương đã đạt NTM và đang hướng tới xây dựng đô thị cần đánh giá tiêu chí, tiêu chuẩn còn thiếu hoặc yếu nhằm đề ra biện pháp khắc phục, hoàn thiện như: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; các công trình dịch vụ cấp đô thị (y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa – thể thao, dịch vụ – thương mại); hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước sạch tập trung); môi trường (xử lý nước thải, chất thải rắn, cây xanh đô thị…).
Huyện Tân Yên, Bắc Giang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng hiện đại. |
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch kết cấu hạ tầng khung đô thị đồng bộ, khoa học, hiện đại; quy hoạch kết nối hạ tầng giao thông giữa các đô thị với đô thị, đô thị với các khu, cụm công nghiệp; bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi công cộng (bãi đỗ xe, khu công viên cây xanh, khu văn hóa thể thao, vui chơi giải trí…).
Quản lý chặt các khâu trong đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Trên cơ sở quy hoạch đô thị, các địa phương tổ chức lập chương trình, đề án phát triển trong những năm tiếp theo, xác định rõ lộ trình, danh mục dự án cần tập trung đầu tư. Đồng thời ưu tiên dành nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khung đô thị; phát huy vai trò động lực của các dự án khu đô thị, đường giao thông, khu, cụm công nghiệp đã hình thành, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn vốn xã hội để xây dựng, phát triển các đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Nguồn: Báo xây dựng