Triệu Sơn (Thanh Hóa): Cửa hàng thương mại tổng hợp “biến” thành điểm trông giữ xe máy

(Xây dựng) – Được giao đất để xây dựng cửa hàng thương mại tổng hợp, nhưng bà Lê Thị Chinh, xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) lại sử dụng khu đất này làm điểm trông giữ xe máy, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài kinh doanh sai mục đích, việc xây dựng của hộ bà Chinh còn vi phạm hành lang an toàn giao thông…Tuy nhiên, những sai phạm trên không được chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Cửa hàng thương mại tổng hợp “biến” thành điểm trông giữ xe máy
Mặt trước điểm trông giữ xe máy hướng ra mặt đường Quốc lộ 47.

Ngày 26/12/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cửa hàng thương mại tổng hợp Thọ Dân, tại xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn của bà Lê Thị Chinh. Theo đó, nêu rõ mục tiêu đầu tư: Đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thương mại tổng hợp cho người tiêu dùng trong khu vực, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động…Quy mô dự án gồm: Đầu tư nhà bán hàng, trưng bày giới thiệu sản phẩm 2 tầng (800m2); nhà kho 2 tầng (200m2), nhà để xe (100m2) và các công trình phụ trợ khác.

Tiếp đó, giữa năm 2021, UBND huyện Triệu Sơn đã ra quyết định cho phép bà Lê Thị Chinh chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất trồng lúa sang đất thương mại dịch vụ) và cho hộ bà Chinh thuê 2.680m2 đất để thực hiện Dự án cửa hàng thương mại tổng hợp Thọ Dân. Thời gian thuê 50 năm theo hình thức thu tiền thuê hàng năm.

Mặc dù các quyết định, văn bản về chủ trương đầu tư, cho thuê đất, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công… đã nêu rõ mục đích như trên, nhưng sau khi được giao đất, bà Lê Thị Chinh đã không tiến hành xây dựng, kinh doanh như mục đích của dự án. Mà thay vào đó, bà đã biến cửa hàng thương mại tổng hợp thành điểm trông giữ xe máy, cho công nhân nhà máy may và sử dụng phần mặt tiền (bám Quốc lộ 47) để cho thuê kinh doanh quán bia và ăn uống.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại đây cho thấy, trong khu nhà mái tôn rộng gần hết khu đất, trừ một phần mặt tiền được dùng để kinh doanh dịch vụ ăn sáng và quán bia, phần lớn diện tích đều xếp đầy xe máy, số lượng lên đến khoảng trên 1.000 chiếc, được dựng san sát bên nhau. Ngoài ra, không hề thấy nhà bán hàng, cửa hàng trưng bày sản phẩm, nhà kho nào (với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng) được xây dựng như chủ dự án đã vẽ ra.

Đáng chú ý, mặc dù điểm trông giữ xe này đã được xây dựng và đi vào hoạt động khoảng 2 năm, nhưng chính quyền xã không hề có động thái kiểm tra, xử lý nào. Lý giải cho sự buông lỏng quản lý này, Chủ tịch UBND xã Thọ Dân Lê Công Thân cho biết, ông mới về đây nhận công tác (hơn 1 năm – PV) nên không nắm được. Cho đến vừa qua, huyện về kiểm tra mới biết. Cũng như Chủ tịch, Phó Chủ tịch kiêm địa chính xã cũng “mới về, lại bận nhiều việc nên chưa nắm được”?!

Ngày 30/8/2024, Đoàn kiểm tra về quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng UBND huyện đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản ghi nhận về việc xây dựng của bà Lê Thị Chinh với nội dung chính như sau: “Tại thời điểm kiểm tra, đã xây dựng các công trình: Nhà 2 tầng diện tích 100m2, nhà điều hành cấp 4, diện tích 180m2; 3 vị trí lợp mái tôn, vì kèo thép hộp, cột thép ống mạ kẽm; 1 vị trí dựng khung sắt phủ bạt”. Cũng theo biên bản này, Đoàn kiểm tra yêu cầu bà Chinh nộp đầy đủ hồ sơ, thủ tục của dự án về UBND huyện trước ngày 13/9 để có cơ sở xử lý.

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Cửa hàng thương mại tổng hợp “biến” thành điểm trông giữ xe máy
Bên trong khu nhà mái tôn, xe máy dựng san sát, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Sau thời hạn trên, bà Chinh đã xuất trình đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý của dự án. Nhưng tất cả các hồ sơ, thủ tục trên đều phục vụ cho mục đích kinh doanh cửa hàng thương mại tổng hợp. Trong khi mọi hoạt động chính tại đây là trông giữ xe máy, một trong những ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, việc xây dựng còn vi phạm về hành lang an toàn giao thông Quốc lộ 47 và có biểu hiện lấn chiếm đất công, thuộc con đường bên cạnh nhà máy may.

Làm việc với phóng viên, ông Phạm Thế Khoa, Phó Phòng Kinh tế – Hạ tầng UBND huyện Triệu Sơn cho biết: Sự việc hộ bà Chinh vi phạm trong xây dựng, hoạt động không đúng mục đích của dự án là đúng. Cho đến nay, bà Chinh vẫn chưa triển khai xây dựng cửa hàng thương mại tổng hợp để đi vào hoạt động, mà đang thực hiện dịch vụ trông giữ xe máy. Về vi phạm lĩnh vực xây dựng, do đã quá thời hiệu xử lý vi phạm hành chính nên không thể xử phạt.

Cũng theo ông Khoa, điểm trông giữ xe của gia đình bà Chinh bám mặt đường Quốc lộ 47, nơi có nhà máy may xuất khẩu, đông công nhân làm việc, lại gần chợ… có nhiều phương tiện tham gia giao thông, nhất là vào giờ tan tầm, người xe đông đúc, nên khu vực này đã được UBND tỉnh xác định là một trong những điểm nóng, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông cần xóa bỏ. Về hướng giải quyết, tới đây huyện sẽ yêu cầu gia đình bà Chinh tháo dỡ nhà trông giữ xe để dời vào bên trong (phía sau nhà máy may), nơi sắp tới sẽ triển khai dự án giao thông, làm đường dân sinh phục vụ cho khu dân cư khu vực này.

Như vậy, thực tế trên đã cho thấy, UBND xã Thọ Dân đã buông lỏng vai trò quản lý Nhà nước, để hộ bà Chinh “biến” cửa hàng thương mại tổng hợp thành điểm trông giữ xe máy không phép, vi phạm về trật tự xây dựng, về hành lang an toàn giao thông, về phòng cháy chữa cháy… nhưng “không biết” để kiểm tra, xử lý hoặc báo cáo cấp trên nếu vượt thẩm quyền. Trong khi điểm trông giữ xe này nằm ngay mặt đường Quốc lộ 47, giữa trung tâm xã, chỉ cách trụ sở UBND xã chưa đến 1km. Về phía UBND huyện cũng đã thiếu sâu sát, khi phát hiện vụ việc lại chưa có động thái xử lý phù hợp, kịp thời, đúng bản chất vụ việc… với cách làm việc này, không biết đến bao giờ sự việc mới được giải quyết dứt điểm?

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích