Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
(Xây dựng) – Đó là chủ đề của diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 do Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức sáng 9/10, tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương chủ trì diễn đàn.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024. |
Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 với sự tham gia của khoảng 350 đại biểu là đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành và các đại biểu đến từ cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn tập trung thảo luận về hai nội dung chính được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, đó là: Cùng giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất; Các vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.
Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2024) và Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11/2024).
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc diễn đàn. |
Phát biểu tại diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, trong 9 tháng năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, đã ban hành 112 nghị định, 215 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 quyết định, 35 chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý. Những việc làm cụ thể đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh 2 mục tiêu chính của diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024. Một là, nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang trên đà khôi phục và phát triển hiện nay; làm rõ các vấn đề tồn tại đó xuất phát từ nguyên nhân nào, do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành pháp luật hay cả hai. Hai là, đưa ra được các giải pháp hữu hiệu, giải quyết ngay các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đang gặp vướng mắc, nhất là ở khía cạnh áp dụng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật. Đồng thời, xác định rõ các định hướng để sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại diễn đàn. |
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề thể chế. Trong đó, thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản là nội dung được đưa ra bàn luận rất nhiều, kể từ khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã được ban hành, nhiều nội dung đã được đưa ra trao đổi, những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là việc đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp phân quyền được thể hiện rõ.
Trước đây, trình tự thủ tục đầu tư dự án bất động sản được quy định ở nhiều bộ luật khác nhau, phân tán, tuy nhiên đến nay thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì trình tự liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, dự án cải tạo lại chung cư cũ đã được quy định rất cụ thể trong Luật Nhà ở, thể chế hóa trong các Nghị định của Chính phủ. Nhiều thủ tục hành chính cũng đã được cắt giảm, tinh gọn. Tới đây, trong quá trình thực hiện các trình tự này, chúng ta tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, để các thủ tục được rút gọn hơn, tạo thuận lợi, công khai minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Về vấn đề quy hoạch chi tiết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, quy hoạch chi tiết hay điều chỉnh quy hoạch chi tiết đã được quy định rất rõ trong Luật Quy hoạch, theo hướng phân cấp, giao cho chủ đầu tư thực hiện, cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương phê duyệt. Các quy hoạch này cũng cần đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn, chỉ tiêu quy hoạch, đảm bảo đồng bộ giữa các mục tiêu. Hiện nay, các vướng mắc trong quy hoạch chủ yếu nằm ở công tác thực thi ở các địa phương. Vì vậy, đề nghị các địa phương sớm giải quyết, tháo gỡ cho các doanh nghiệp.
Toàn cảnh diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024. |
Tổng kết diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đánh giá cao sự phát triển của diễn đàn, tăng mạnh sức lan tỏa và khẳng định vai trò quan trọng góp phần tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận tinh thần xây dựng qua những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục quyết tâm đổi mới tư duy trong xây dựng thể chế, chú trọng khơi thông nguồn lực, phân cấp, phân quyền một cách thực chất. Bên cạnh sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cần có cách tiếp cận, thực thi pháp luật một cách thực chất, hiệu quả, phù hợp với thực tế.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp thu thập các ý kiến đóng góp, tham mưu với Chính phủ để đưa ra văn bản chỉ đạo. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao kiểm soát quyền lực, nâng cao đạo đức công vụ và trình độ chuyên môn tại các cơ quan quản lý Nhà nước. Các doanh nghiệp, doanh nhân cần nâng cao đạo đức doanh nhân, nghiêm túc tuân thủ pháp luật để cùng nhau phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Nguồn: Báo xây dựng