Tăng trưởng trong ngành công nghiệp đạt gần 9,6% trong quý 3
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 9,6%, nhưng sự tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành và địa phương cho thấy những thách thức vẫn còn hiện hữu.
Ngày 6/10, Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý 3, cho thấy “bức tranh” tăng trưởng khả quan của ngành công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, báo cáo cũng phác họa về sự tăng trưởng này chưa đồng đều, tiềm ẩn những thách thức cần được giải quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Cụ thể, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong quý 3 đạt gần 9,6% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn so với quý 2 (8,78%) và quý 1 (6,47%). Tính chung 9 tháng của năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng ghi nhận, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh sau những khó khăn do đại dịch và thiên tai gây ra. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu chi tiết, ta thấy sự tăng trưởng này không đồng đều giữa các ngành và địa phương, phản ánh những thách thức vẫn đang hiện hữu.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu tăng trưởng, đạt mức tăng xấp xỉ 9,8% trong 9 tháng. Riêng quý 3, tốc độ tăng trưởng của ngành này thậm chí còn cao hơn và đạt 11,4%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tổng mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Sự tăng trưởng này cho thấy sức mạnh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khả năng thích ứng với thị trường và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bức tranh tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành. Trong khi công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh, ngành khai khoáng lại giảm 7%, kéo giảm 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11%, góp phần tích cực vào tăng trưởng. Ngược lại, một số ngành khác như sản xuất đồ uống (tăng 0,4%), sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (giảm 0,3%), sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị (giảm 3,7%), khai thác than (giảm 4,2%) và khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 11,5%) đều cho thấy kết quả không khả quan.
Ở các địa phương cũng ghi nhận sự tăng trưởng không đồng đều. Khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương. Sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng giữa các địa phương cũng rất đáng chú ý. Một số tỉnh thành có chỉ số IIP tăng cao nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện, trong khi một số tỉnh thành khác lại có chỉ số tăng trưởng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng và sản xuất điện tăng trưởng thấp hoặc giảm.
Bên cạnh đó, sản phẩm chủ lực có sự tăng trưởng và suy giảm đan xen. Trong số đó, các sản phẩm công nghiệp chủ lực, thép thanh, thép góc, xăng dầu, vải dệt từ sợi tự nhiên, đường kính, phân bón NPK, sữa bột và ô tô đều tăng trưởng đáng kể. Song, ngành khí đốt thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện thoại di động, dầu mỏ thô, than đá và bia lại giảm.
Về tiêu thụ và tồn kho, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Chín giảm 2,1% so với tháng Tám nhưng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho ngành này tại thời điểm 30/9 tăng 5,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 8,5% so với cùng thời điểm năm trước. Theo đó, tỷ lệ tồn kho bình quân 9 tháng là 76,8%, giảm so với 85,3% của cùng kỳ năm 2023./.
Nguồn: Báo xây dựng