Hải Dương: Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy trong mùa hanh khô
(Xây dựng) – UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong mùa hanh khô.
Điện lực Hải Dương thường xuyên tổ chức diễn tập công tác phòng cháy chữa cháy. (Ảnh minh họa) |
Văn bản của UBND tỉnh nêu rõ: Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn toàn quốc có nhiều diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống của nhân dân. Nguyên nhân xảy ra cháy chủ yếu là do bất cẩn trong việc sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt; nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn chủ quan, chưa chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ…
Hiện nay, miền Bắc đã qua giai đoạn nắng nóng gay gắt, chuẩn bị vào mùa hanh khô, dự báo sẽ kéo dài hơn mọi năm, làm tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ, đặc biệt là các địa bàn có nguy cơ xảy ra cháy rừng như thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn. Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới và các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Để chủ động các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ xảy ra trên địa bàn tỉnh trong mùa hanh khô, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại cơ quan, đơn vị và trong lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Trường hợp đơn vị, địa phương để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, sẽ xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan nếu không triển khai đầy đủ các nội dung, biện pháp phòng cháy chữa cháy, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Công an tỉnh chủ động nắm chắc tình hình, triển khai lực lượng khảo sát địa bàn, khu vực, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, các tuyến đường, nguồn nước, bến lấy nước chữa cháy để phối hợp các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng triển khai các phương án đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn. Chấp hành nghiêm túc các mệnh lệnh, chỉ đạo, kế hoạch công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của cấp trên; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tập trung vào các địa bàn, cơ sở nguy hiểm cháy, nổ như chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư kinh doanh tập trung có nhiều hàng hóa dễ cháy, các điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng…
Đồng thời, Công an tỉnh cần tăng cường công tác rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ trên địa bàn, trong đó tập trung vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư kinh doanh tập trung có nhiều hàng hóa dễ cháy, các điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng… trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và chính quyền địa phương trong việc rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao để trên địa bàn tỉnh; chú trọng thực hiện phương án bảo vệ các khu rừng gắn với các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh theo đúng phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xác định và cảnh báo sớm các khu rừng có nguy cơ cháy cao để chủ động phòng ngừa; chủ động xây dựng phương án và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng thực hiện công tác quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị, cơ sở, nhà đầu tư trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; khi thiết kế và triển khai các dự án đầu tư xây dựng phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Nghị định số 50/2024/NĐ-CP phải thực hiện đầy đủ quy trình thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định trước khi tiến hành cấp phép xây dựng, nghiệm thu cho phép cơ sở đi vào hoạt động.
Việc thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy mô, tính chất công trình theo văn bản thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nất là đối với các công trình khi thay đổi tính chất sử dụng; xử lý, rút giấy phép xây dựng, cưỡng chế phá dỡ công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, không đúng giấy phép.
Đồng thời, phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xâm phạm bến, bãi lấy nước cho xe chữa cháy.
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở Công Thương thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, bán lẻ, tàng trữ, sử dụng các loại chất, hàng có đặc tính nguy hiểm cháy, nổ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không bảo đảm điều kiện kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; thực hiện nghiêm túc việc cấp phép hoạt động kinh doanh; kiên quyết không cấp giấy phép kinh doanh, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với cơ sở không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; chỉ đạo ban quản lý các khu di tích trên địa bàn tỉnh tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các nội quy, quy định về sử dụng các phương tiện, công cụ dễ gây cháy tại các khu di tích và phối hợp triển khai các biện pháp phòng cháy chữa cháy tại các khu di tích, nhất là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, Khu di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương nằm trên 2 địa bàn có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Công an tỉnh thực hiện nghiêm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các cơ sở nằm trong khu công nghiệp. Việc thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy mô, tính chất công trình theo văn bản thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; chỉ cho phép công trình đi vào hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định; xử lý, rút giấy phép xây dựng, cưỡng chế phá dỡ công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, không đúng giấy phép…
Nguồn: Báo xây dựng