Nhiều biến động trong xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng quý III/2024

(Xây dựng) – Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hằng quý ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo và Xây dựng. Tổng số doanh nghiệp trả lời trong kỳ điều tra quý III/2024 là 6.063 doanh nghiệp ngành Xây dựng.

Nhiều biến động trong xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng quý III/2024
Đối với các yếu tố đầu vào cho sản xuất như thiếu vốn, thiếu lao động, không có mặt bằng sạch để thi công, thiếu nguyên vật liệu xây dựng đều ảnh hưởng tới hoạt động thi công công trình xây dựng. (Ảnh minh họa)

33,5% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn

Theo báo cáo, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp xây dựng quý III/2024 khó khăn hơn quý II/2024 với 25,7% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn; 40,8% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 33,5% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2024 so với quý III/2024, các doanh nghiệp xây dựng nhận định tốt lên với 27,2% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 42,1% nhận định giữ ổn định và 30,7% dự báo khó khăn hơn.

Về sử dụng lao động, kết quả khảo sát quý III/2024 cho thấy, có 21,4% doanh nghiệp nhận định lao động trong doanh nghiệp tăng so với quý II/2024; 59,8% doanh nghiệp nhận định lao động không đổi và 18,8% doanh nghiệp nhận định lao động giảm. Dự báo quý IV/2024, có 24% doanh nghiệp nhận lao định lao động tăng; 62,7% doanh nghiệp nhận định không đổi và 13,3% doanh nghiệp nhận định lao động giảm.

Với lao động thường xuyên, quý III/2024 có 10,2% doanh nghiệp nhận định lao động thường xuyên tăng so với quý II/2024; 78,7% doanh nghiệp nhận định không đổi và 11,1% doanh nghiệp nhận định giảm. Dự báo quý IV/2024, có 10,7% doanh nghiệp nhận định lao động thường xuyên tăng so với quý III/2024; 81,1% doanh nghiệp nhận định không đổi và 8,2% doanh nghiệp nhận định giảm…

Với lao động thời vụ, dự báo quý IV/2024, có 23,0% doanh nghiệp nhận định lao động thời vụ tăng so với quý III/2024; 62,5% doanh nghiệp nhận định không đổi và 14,5% doanh nghiệp nhận định giảm.

Về yếu tố chi phí sản xuất, quý III/2024, có 43,9% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng so với quý II/2024; 37,1% doanh nghiệp nhận định không thay đổi; 19% doanh nghiệp nhận định tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm.

Dự báo quý IV/2024 so với quý III/2024 có 44,2% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng; 42,7% doanh nghiệp dự báo không đổi và 13,1% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm.

Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp trong quý III/2024 có 45,7% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý II/2024; 37,3% doanh nghiệp nhận định không đổi và 17% doanh nghiệp nhận định giảm. Dự báo quý IV/2024, có 45,8% doanh nghiệp dự báo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tăng so với quý III/2024; 41,6% doanh nghiệp nhận định không đổi và 12,6% doanh nghiệp dự báo giảm.

Về hợp đồng xây dựng mới, quý III/2024 có 74,6% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng và không đổi so với quý II/2024 (24,7% doanh nghiệp nhận định tăng; 49,9% doanh nghiệp nhận định không đổi); có 25,4% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm. Trong quý IV/2024, các doanh nghiệp nhận định hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý III/2024 với 79,3% doanh nghiệp nhận định tăng và không đổi; 20,7% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.

7,1% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu xây dựng

Trong lĩnh vực vay vốn phục vụ SXKD, có 76,9% doanh nghiệp vay vốn. Theo nguồn vay, 2% doanh nghiệp vay ngân hàng; 13% doanh nghiệp vay người thân, bạn bè; 7,2% doanh nghiệp vay tổ chức tín dụng khác; 3,1% doanh nghiệp vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức; 1,5% doanh nghiệp vay từ các nguồn khác. Trong số các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng phục vụ SXKD, chỉ có 33,1% doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi; 66,9% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi.

Nhận định về tình hình vay vốn cho hoạt động SXKD, Tổng cục Thống kê cho biết: Có 17,8% doanh nghiệp nhận định vay vốn quý III/2024 thuận lợi hơn quý II/2024, 59,6% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 22,6% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2024, có 16,2% doanh nghiệp nhận định vay vốn thuận lợi hơn quý III/2024, 62,6% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 21,2% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn quý III/2024.

Bên cạnh hai khó khăn lớn nhất ảnh hưởng tới hoạt động SXKD của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng do không có hợp đồng xây dựng mới và giá nguyên vật liệu tăng cao như các quý trước, trong quý III/2024, cơn bão số 3 và cơn bão số 4 xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc và miền Trung làm gián đoạn hoạt động thi công của nhiều công trình xây dựng trong tháng 9/2024.

Kết quả khảo sát cho thấy, có 45% doanh nghiệp gặp khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới, 44,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao và 32,0% doanh nghiệp gặp khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi cho thi công công trình xây dựng.

Đối với các yếu tố đầu vào cho sản xuất như thiếu vốn, thiếu lao động, không có mặt bằng sạch để thi công, thiếu nguyên vật liệu xây dựng đều ảnh hưởng tới hoạt động thi công công trình xây dựng.

Về vốn, có 21,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; 26,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do nợ đọng xây dựng cơ bản không được thanh quyết toán đúng kỳ hạn làm ảnh hưởng tới dòng vốn cho SXKD của doanh nghiệp. Về lao động, 12,4% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Về mặt bằng sạch để thi công, có 16,1% doanh nghiệp gặp khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng tới tiến độ thi công công trình xây dựng. Về nguồn cung nguyên vật liệu, có 14,7% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng, có tới 44,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao. Bên cạnh đó, có 11,3% doanh nghiệp không biết cách tiếp cận đến các kênh thông tin đấu thầu nên làm giảm cơ hội ký kết thêm các hợp đồng xây dựng mới…

Nhiều biến động trong xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng quý III/2024
Doanh nghiệp kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn để bình ổn giá nguyên vật liệu và đảm bảo ổn định nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng. (Ảnh minh họa)

Dự báo quý IV/2024, các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là cơ hội tìm kiếm các hợp đồng xây dựng mới, giá nguyên vật liệu có thể tiếp tục tăng cao và lo ngại về điều kiện thời tiết có thể ảnh hưởng tới tiến độ thi công, hoàn thành công trình xây dựng.

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động SXKD, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, có 47,1% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng; 42,7% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho SXKD như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 38,8% doanh nghiệp đề nghị công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu; 32,8% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính.

25,2% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng sạch đúng kế hoạch để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết; 25,1% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động SXKD.

Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương một số nội dung quan trọng.

Thứ nhất, sau cơn bão số 3, nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng của một số tỉnh phía Bắc tăng, một số nguyên vật liệu cung cấp cho các công trình đang thi công tại các địa phương khác cũng bị tăng giá và khan hiếm hơn. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt hơn để bình ổn giá nguyên vật liệu và đảm bảo ổn định nguồn cung nguyên vật liệu.

Thứ hai, công tác giải phóng mặt bằng còn rất chậm, doanh nghiệp không thể triển khai đồng bộ toàn bộ dự án mà phải triển khai từng hạng mục nên không thể tối ưu được công suất sử dụng máy móc. Đồng thời, doanh nghiệp phải tuyển lao động trước khi triển khai dự án nhưng lao động được bố trí công việc ngay dẫn tới tăng chi phí nhân công, làm ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị được bàn giao mặt bằng sớm và đồng để có thể triển khai dự án được toàn diện.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương không đủ năng lực tham gia đấu thầu các dự án lớn ngoài tỉnh, vì vậy doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện để có thể tham gia nhận thầu các công trình, hạng mục nhỏ trong các dự án ở địa phương để có thêm các hợp đồng mới để ổn định và phát triển sản xuất.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích