70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Những công trình kiến trúc mang dấu ấn vượt thời gian
(Xây dựng) – Hà Nội – Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi lưu giữ dấu tích qua những công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử. Những công trình này là “nhân chứng sống”, đồng hành với những sự kiện quan trọng của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), cùng nhìn ngắm lại qua những khung hình để thấy được một Hà Nội đã thay đổi thế nào.
Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1940. |
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris.
Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2024 và nơi đây đang được chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. |
Nhà hát Lớn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng như các loại hình nghệ thuật giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, vũ kịch. Cho đến ngày nay, Nhà hát vẫn là nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật.
Tràng Tiền Plaza ngày xưa, khi được người Pháp xây dựng lần đầu vào năm 1901 với tên gọi Maison Godard (Nhà Godard).
Theo cuốn Bách khoa thư Hà Nội xuất bản năm 2010 của Nhà xuất bản Thời đại, ngày 28/8/1960, Bách hóa Tổng hợp chính thức khai trương, trở thành cửa hàng lớn nhất Thủ đô và cả miền Bắc thời bấy giờ.
Đến 2002, cửa hàng nổi tiếng gắn liền với tâm trí người Hà Nội một thời được thay bằng công trình mang tên Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza với diện mạo mới.
Diện mạo Tràng Tiền Plaza năm 2024 – trung tâm mua sắm cao cấp nổi tiếng tại Hà Nội, kết hợp hài hòa giữa nét kiến trúc cổ kính và hiện đại.
Tràng Tiền Plaza, nằm ở trung tâm Hà Nội, là một biểu tượng lịch sử và văn hóa với hành trình phát triển đặc biệt trở thành một trung tâm thương mại sang trọng thời bấy giờ. Kiến trúc Pháp cổ điển của nó đã góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho khu vực trung tâm Thủ đô. Xuyên suốt nhiều thập kỷ, Tràng Tiền Plaza đã trải qua nhiều giai đoạn cải tạo và đổi mới để phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại. Tràng Tiền Plaza không chỉ là một trung tâm thương mại cao cấp mà còn là một phần không thể thiếu của văn hóa Hà Nội, nơi du khách và người dân có thể tận hưởng không gian mua sắm sang trọng trong khung cảnh mang đậm dấu ấn lịch sử.
Ngã tư Rue Paul Bert – Henri Rivière (nay là ngã tư Tràng Tiền – Ngô Quyền), Hà Nội năm 1940. Nhà hát Lớn Hà Nội nằm cuối phố Rue Paul Bert.
Ngã tư Tràng Tiền – Ngô Quyền hiện tại.
Ngân hàng Pháp – Hoa nằm bên ngã tư Rue Paul Bert – Henri Rivière.
Tòa nhà này hiện nay vẫn giữ được khá nguyên vẹn những nét kiến trúc xưa.
Tháp Rùa thời thực dân Pháp thống trị năm 1891, thực dân Pháp cho đặt phiên bản thu nhỏ của tượng Nữ thần Tự Do mà người dân Hà Nội gọi là bà đầm xòe.
Tháp Rùa uy nghi soi bóng trên mặt hồ Hoàn Kiếm, phía xa là tòa nhà Bưu điện Hà Nội ngày nay. Hai công trình này cùng tạo nên khung cảnh đặc trưng, gắn liền với lịch sử và văn hóa của Hà Nội.
Vào năm 1865 dưới triều Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu đã cho xây một cây cầu nối liền giữa bờ và đền Ngọc Sơn ở giữa hồ. Ông đặt tên cho cây cầu này là cầu Thê Húc, với ý nghĩa là “nơi lưu lại ánh sáng” hay “nơi ngưng tụ hào quang”.
Hình ảnh của cầu Thê Húc ngày nay.
Tháp Hòa Phong là một công trình lịch sử gắn với hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội. Hình ảnh do bác sĩ Charles-Édouard Hocquard (1853 – 1911) chụp khoảng năm 1884 – 1885.
Nét đẹp cổ kính của tháp Hòa Phong nghiêng mình bên hồ Gươm ngày nay. Tháp Hòa Phong là kiến trúc duy nhất còn sót lại của di tích chùa Báo Ân ngày xưa.
Năm 1886, chính quyền thực dân Pháp xây vườn hoa công cộng đầu tiên của Việt Nam, vườn hoa được đặt tên thành Paul Bert. Nhà Kèn xây dựng năm 1901 (nay còn được gọi là Nhà Bát Giác) làm chỗ để đội kèn nhà binh Pháp biểu diễn.
Sau năm 1945, với sự thay đổi của thị trưởng Trần Văn Lai, khu vực này đã được đổi tên và nhà Bát Giác. Nơi này cũng đóng vai trò là điểm tụ họp cho cộng đồng, nơi mọi người từ nhiều lứa tuổi khác nhau có thể tụ họp và thưởng thức văn hóa truyền thống và hiện đại.
Tháp nước Hàng Đậu là công trình được xây dựng năm 1894 bởi một người Pháp, Tháp nước Hàng Đậu nằm ở vị trí rất đặc biệt, là một nơi giao thoa của 6 con đường gồm phố: Hàng Than, Hàng Cót, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường Phan Đình Phùng.
Trải qua nhiều năm bom đạn chiến tranh, tháp nước Hàng Đậu vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. Thời gian qua đi, nơi đây gắn liền với sự đổi thay của thành phố, là chứng nhân lịch sử đi cùng năm tháng của Thủ đô.
Cửa Bắc – Chính Bắc Môn được xây dựng thời Nguyễn năm 1805, chủ yếu dùng lại vật liệu thời Hậu Lê. Bức ảnh do bác sĩ Hocquard chụp khoảng năm 1884 -1885. Xung quanh thành là một hào nước rộng với một cây cầu dẫn vào cổng thành. Lúc này đã có dấu đạn của pháo thuyền Pháp bắn vào thành năm 1882.
Ngày nay, Bắc Môn trở thành điểm tham quan thú vị đối với du khách trong và ngoài nước. Thành cửa Bắc không chỉ là một di tích còn sót lại của khu thành cổ Hà Nội mà còn là minh chứng cho những cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội trong những ngày đầu chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám, được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý, nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long thời nhà Lý, là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Văn Miếu Môn ngày xưa mang đậm vẻ đẹp truyền thống, đại diện cho một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta. Nền kiến trúc của Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ thể hiện tinh hoa của thời kỳ đó mà còn là biểu tượng văn hóa, giáo dục quan trọng của dân tộc.
Với gần 1.000 năm lịch sử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn duy trì được vẻ đẹp cổ kính, phản ánh đặc trưng kiến trúc của nhiều triều đại lịch sử. Di tích này không chỉ là biểu tượng văn hóa lâu đời, mà còn là một trong những công trình lịch sử quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội.
Những hình ảnh xưa và nay là minh chứng cho sức mạnh kiên cường của Hà Nội trong quá khứ. Đồng thời phản ánh nỗ lực không ngừng nghỉ để vươn mình trở thành một Thủ đô hòa bình và văn minh. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, mỗi bức ảnh không chỉ là tài liệu lịch sử mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về tình yêu và lòng tự hào của các thế hệ người Việt Nam đối với mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Vũ Minh Hiền – Phạm Văn Nam
Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(Hình ảnh và tư liệu về Hà Nội xưa được sưu tầm từ Thư viện và Trung tâm lưu giữ Quốc gia)
Nguồn: Báo xây dựng