Vaccine dạng xông của Trung Quốc: Lượng kháng thể được tạo ra tăng tới 250-300 lần
Theo trang tin tức india.com của Ấn Độ, khi sử dụng vaccine vaccine ngừa COVID-19 dưới dạng xông như một liều tăng cường, lượng kháng thể được tạo ra tăng tới 250-300 lần.
Trang tin trên dẫn một bài báo đăng tải trên Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết: “Theo các nghiên cứu mới nhất trong phòng thí nghiệm của nhà sản xuất thuốc Trung Quốc, vaccine dạng xông dựa trên vector Type-5 (Ad5-nCoV), sử dụng cho người đã tiêm hai mũi vaccine bất hoạt trong sáu tháng, đã chứng tỏ an toàn và giúp tạo miễn dịch nhiều hơn so với dùng một loạt vaccine bất hoạt làm mũi tăng cường.”
Nghiên cứu trên cũng cho thấy cơ chế kết hợp các loại vaccine giúp tăng mức độ và thời gian phản ứng miễn dịch, hơn là cơ chế tiêm cùng một loại vaccine cho các mũi cơ bản và tăng cường.
Trung Quốc sản xuất vaccine ngừa COVID-19 dạng xông an toàn và hiệu quả. Ảnh minh họa
Trước đó nhà phát triển CanSinoBIO Ad5-nCoV (Trung Quốc) đã phát triển vaccine dạng hít khí dung có thể tạo ra một phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ, theo đó duy trì mức độ phản ứng miễn dịch tương đương với mức độ có được bằng cách tiêm bắp truyền thống trong 14 ngày. Bên cạnh đó, sự gia tăng các kháng thể IgG sau khi hít Ad5-nCoV như một mũi tiêm tăng cường có thể gấp 7 đến 8 lần so với việc tiêm vaccine bất hoạt mũi tăng cường.
Vaccine này do CanSinoBIO và các nhà nghiên cứu từ Viện Quân y thuộc Viện Khoa học Quân sự phối hợp phát triển. Các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang được tiếp tục tiến hành.
Báo cáo về việc thử nghiệm Ad5-nCoV được công bố trên Tạp chí bệnh truyền nhiễm The Lancet cho biết các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một cho thấy việc sử dụng vaccine tăng cường dạng khí dung được thực hiện sau 28 ngày kể từ lần tiêm bắp đầu tiên “tạo ra các phản ứng IgG và kháng thể trung hòa mạnh mẽ.”
Thử nghiệm cũng cho thấy hai liều Ad5-nCoV dạng khí dung được dung nạp tốt mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến vaccine.
Theo nhà phát triển CanSinoBIO, sự kết hợp giữa vaccine bất hoạt với Ad5-nCoV dạng hít cũng đã được chứng minh là mang lại mức độ kháng thể trung hòa cao chống lại nguyên mẫu virus SARS-CoV-2, cũng như các biến thể mới như Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh tác dụng tăng cường tốt nhất của vaccine Ad5-nCoV như một liều nhắc lại sau hai liều bất hoạt, trong khi tác dụng của vaccine mRNA như một liều tiêm nhắc lại chỉ đứng thứ hai sau tác dụng của vaccine Ad5-nCoV. Các vaccine bất hoạt hoặc vaccine tiểu đơn vị có hiệu quả thấp hơn đáng kể khi tiêm nhắc lại so với vaccine Ad5-nCoV và mRNA, với mức độ kháng thể chênh lệch nhau gần 10 lần.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng mới nhất cho kết quả tốt về độ an toàn khi trẻ em từ 6-17 tuổi được giảm liều Ad5-nCoV và tỷ lệ phản ứng có hại thấp hơn so với người lớn.
Ông Đào Lê Nạp, chuyên gia trong ngành vaccine làm việc tại Thượng Hải, nhận định nếu Ad5-nCoV dạng hít được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, đây sẽ là loại vaccine đầu tiên trên thế giới đạt được khả năng miễn dịch bộ ba, bao gồm thể dịch, tế bào và niêm mạc.
Theo các chuyên gia, vaccine dạng hít khí dung là một ứng cử viên đầy hứa hẹn cho liều tăng cường nhắc lại các vaccine bất hoạt. Vaccine dạng hít khí dung có thể kích thích phản ứng miễn dịch trong màng nhầy đường hô hấp của một người. Điều này giúp giảm đau và dễ tiếp cận hơn, đặc biệt là đối với trẻ em và những người dễ bị tổn thương, vì nó giúp tránh được việc gây ra vùng sưng và đau như vaccine dạng tiêm bắp.
Ngoài ra, vaccine dạng hít khí dung chỉ cần 1/5 liều lượng của vaccine dạng tiêm, giúp bảo toàn liều lượng hơn và giảm áp lực sản xuất.
Việt Nam đã đảm bảo quỹ mua vaccine COVID-19 cho toàn dân Theo báo cáo Uỷ ban Tài chính ngân sách vừa gửi đại biểu Quốc hội, đến hết tháng 9, để mua vaccine phòng COVID-19 cần khoảng 26.800 tỷ đồng và khoản này đã được đảm bảo. Cụ thể, tổng nguồn lực có 18.100 tỷ bố trí từ ngân sách nhà nước và 8.693 tỷ đồng từ Quỹ Vaccine phòng COVID-19. Trong 18.100 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, hơn 80% là ngân sách trung ương. 20% còn lại (3.540 tỷ) là nguồn từ ngân sách địa phương, trong đó có 1.040 tỷ đồng nguồn huy động từ các cá nhân. Uỷ ban Tài chính ngân sách cho biết, đến hết tháng 9 tổng số tiền chi cho mua vaccine là 15.534 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương chi 7.574 tỷ đồng và Quỹ vaccine chi 7.960 tỷ đồng. Nguồn lực hiện còn khoảng 11.270 tỷ đồng để dành chi mua vaccine Covid-19. Trong số này, ngân sách nhà nước còn khoảng 10.530 tỷ đồng, gồm khoản 7.000 tỷ đồng tiết kiệm chi ngân sách trung ương và 3.540 tỷ đồng ngân sách địa phương. Quỹ vaccine Covid-19 còn 733 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo phòng, chống COVID-19 Chính phủ gửi Quốc hội, đến giữa tháng 10 tổng số vaccine đã có hợp đồng mua, cam kết viện trợ và tài trợ là 191,5 triệu liều. Việt Nam đã tiếp nhận 92,5 triệu liều vaccine và phân bổ theo địa bàn trọng điểm, là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ cao… |
An Dương (T/h)