Bác sĩ lưu ý khi ăn trứng vịt lộn cải thiện sinh lý nam giới, tránh tác hại
Trứng vịt lộn là món ăn phổ biến và khoái khẩu của người Việt. Đây là món ăn cung cấp rất nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể. Cụ thể, mỗi quả trứng vịt lộn chứa thành phần gồm: 182 calo, 600mg cholesterol, 212g photpho, 82mg canxi, 16.6g protein, 12.4g lipid, vitamin A, vitamin B, vitamin C, gluxit, sắt…
Nhờ đó mà hiện nay có rất nhiều người cho rằng ăn trứng vịt lộn ngoài tốt cho sức khỏe còn có khả năng cải thiện sinh lý ở nam giới. Tuy nhiên theo ThS.BS Hà Ngọc Mạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Việt – Bỉ (Hà Nội), trứng vịt lộn là thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Trứng vịt lộn giàu chất đạm, chất béo, canxi, vitamin và các loại khoáng chất khác. Tuy nhiên, chế độ ăn không tác động quá lớn tới sinh lý của nam giới.
Việc suy giảm ham muốn ở nam giới thường liên quan tới một số yếu tố lối sống và thói quen ví dụ như uống rượu quá mức (lạm dụng rượu). Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm nồng độ testosterone ở nam giới. Điều này khiến nam giới gặp tình trạng suy giảm ham muốn, rối loạn chức năng cương dương.
Ăn trứng vịt lộn để tăng cường sinh lý nam giới cần lưu ý để tránh tác hại không mong muốn. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng lo âu cũng có thể ảnh hưởng tới một số hormone cần thiết liên quan đến hệ sinh sản. Thói quen ăn uống không hợp lý cũng là một trong những yếu tố nguy cơ làm suy giảm sinh lý ở nam giới.
Theo bác sĩ Mạnh, lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học sẽ giúp cho quý ông có sức khoẻ và thể trạng tốt. Khi gặp các vấn đề rối loạn chức năng sính sản, nếu đã điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống mà vẫn không thể cải thiện thì nam giới nên đi khám chuyên khoa sớm để phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Thông tin thêm, BS CKI Đông Y Bùi Văn Phao – nguyên Giám đốc Bệnh viện Đông Y Nam Định cho rằng, trứng vịt lộn được coi là món ăn bài thuốc giúp tăng sinh lực, tăng khả năng sinh lý. Tuy nhiên, Trứng vịt lộn rất bổ nhưng ăn nhiều và liên tục kéo dài hằng ngày có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, tăng lượng protein, không tốt cho người có bệnh gút (gout). Mặt khác, ăn nhiều rau răm sống sẽ sinh nóng rét, giảm khả năng sinh lý ở nam giới.
Trường hợp sử dụng món trứng vịt lộn để cải thiện sức khoẻ lâu dài, cần hạn chế ăn các loại gan gia súc, gia cầm… hoặc uống thuốc có sinh tố A hàm lượng trên 1.000UI. Trứng vịt lộn trước khi sử dụng phải được rửa sạch, luộc chín.
Ngoài ra, theo các dược sĩ tại Công ty Cổ Phần Dược Phẩm FPT Long Châu, ăn trứng vịt lộn chữa yếu sinh lý vẫn còn tồn tại các mặt hạn chế như không phải đối tượng nào cũng có thể ăn thường xuyên. Cần ăn một thời gian dài, từ 1 đến 2 tháng thì mới phát huy tác dụng. Chỉ có tác dụng cải thiện đối với những trường hợp bị yếu sinh lý mức độ nhẹ.
Không phải cứ ăn thật nhiều trứng vịt lộn thì tình trạng yếu sinh lý của phái mạnh sẽ được điều trị triệt để. Đối với bất kỳ bài thuốc nào, cũng cần sử dụng một cách điều độ, đúng liều lượng thì nó mới phát huy công dụng tối đa. Do đó khi ăn trứng vịt lộn để bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực thì không nên ăn trứng vịt lộn vào ban đêm. Việc ăn trứng vịt lộn vào buổi tối và ban đêm sẽ khiến cơ thể bị khó chịu. Nguyên nhân là hàm lượng chất đạm và cholesterol không nhỏ trong trứng vịt lộn sẽ khiến bạn gặp phải các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Thay vào đó hãy ăn trứng vịt lộn vào buổi sáng. Lúc này, cơ thể sẽ có đủ thời gian hấp thụ các dưỡng chất, tiếp nhận lượng calo, tái tạo năng lượng và tiêu hóa hoàn toàn sau một ngày dài vận động.
Theo các tài liệu Đông y, dù rau răm sẽ giúp thêm ngon miệng, giảm chứng đầy bụng khi ăn trứng vịt lộn nhưng chỉ nên ăn vừa đủ, không ăn quá nhiều. Việc ăn nhiều rau răm sẽ khiến hiệu quả của bài thuốc tăng cường sinh lý này giảm đáng kể. Thông thường, liều lượng rau răm hợp lý nên ăn là 5g cho 2 quả trứng.
Liều lượng ăn phù hợp đối với người trưởng thành nên ăn từ 1 – 2 quả mỗi ngày. Trẻ em từ 5 đến 12 tuổi nên ăn từ 1 đến 2 quả mỗi tuần. Trẻ em dưới 5 tuổi không nên ăn trứng vịt lộn. Phụ nữ mang thai có thể ăn 2 quả mỗi tuần nhưng cần thận trọng khi ăn rau răm để tránh bị nguy cơ gây sảy thai. Người mắc bệnh gout, gan thận, huyết áp, mỡ máu, đang bị sốt không nên ăn trứng vịt lộn chữa yếu sinh lý.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1442:2018 trứng vịt lộn
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này nhằm áp dụng cho trứng vịt thương phẩm dùng làm thực phẩm. Các yêu cầu về chất lượng đối với trứng vịt được quy định về hình dạng quả trứng bên ngoài có hình oval đặc trưng với một đầu thon hơn. Màu sắc vỏ trứng có màu đặc trưng của từng giống vịt. Bề mặt vỏ nhẵn, sạch, trứng không bị rạn, nứt hoặc dập.Không có nấm mốc nhìn thấy được bằng mắt thường.
Đối với bên trong quả trứng phải couồng khí nhỏ, chiều cao không lớn hơn 8 mm, không bị dịch chuyển khi xoay quả trứng; Lòng đỏ có màu sắc bình thường và đồng nhất. Lòng trắng không bị đục Khi tách vỏ, lòng đỏ không được dính vào mặt trong của vỏ. Lòng đỏ phải đặc và phải có lớp lòng trắng đặc bao quanh lòng đỏ. Không có mùi lạ, không có nấm mốc nhìn thấy bằng mắt thường.
Hàm lượng về kim loại nặng, dư lượng thuốc thú y, vi sinh vật theo quy định hiện hành. Trứng vịt nên được sản xuất, bao gói, bảo quản và vận chuyển theo các quy định tương ứng của TCVN 11605:2016 (CAC/RCP 15-1976, Revised 2007).
Vân Thảo (T/h)