Các phương pháp tiên tiến và công nghệ 4.0: Hướng tới phát triển bền vững ngành Xây dựng

(Xây dựng) – Ngày 8/10, tại Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội phối hợp với Đại học Salford (Vương quốc Anh), Đại học Công nghệ Malaysia (UTM), Đại học Kỹ thuật và Công nghệ Peshawar (Pakistan) cùng nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng thông qua việc áp dụng các phương pháp xây dựng tiên tiến và Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các phương pháp tiên tiến và công nghệ 4.0: Hướng tới phát triển bền vững ngành Xây dựng
PGS.TS Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Tọa đàm “Thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng thông qua việc áp dụng các phương pháp xây dựng tiên tiến và Cách mạng công nghiệp 4.0” là một phần của dự án quốc tế “Upskilling and Pedagogical Improvements in Advanced Construction Manufacturing Skills” (Nâng cao kỹ năng và cải tiến sư phạm trong kỹ năng sản xuất xây dựng tiên tiến), được tài trợ bởi Hội đồng Anh thông qua Chương trình Tài trợ Nghiên cứu UK – China – BRI Countries Partnership. Dự án do Đại học Salford (Vương quốc Anh) chủ trì, với sự tham gia của các đối tác từ Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam.

Tọa đàm tập trung vào vai trò của các Phương pháp xây dựng tiên tiến (MMC), bao gồm xây dựng tiền chế, số hóa và tự động hóa, trong việc nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững của ngành Xây dựng Việt Nam.

Trong khuôn khổ Tọa đàm, các chủ đề chính sẽ được đề cập bao gồm: Xây dựng số và công nghiệp hóa tại Malaysia, tiềm năng ứng dụng công nghệ tiên tiến trong ngành Xây dựng Pakistan, cùng với những giải pháp sáng tạo nhằm cải thiện thiết kế và xây dựng nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thiên tai. Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng sẽ thảo luận về việc áp dụng các hệ thống dữ liệu chung cho các dự án BIM ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý dự án. Mục tiêu cuối cùng là vạch ra lộ trình rõ ràng cho việc ứng dụng các Phương pháp xây dựng tiên tiến, góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam và phát triển bền vững trong dài hạn.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Đây là Tọa đàm quan trọng, đưa ra những công nghệ mới, thúc đẩy việc thực hành, hướng tới phát triển bền vững của ngành Xây dựng Việt Nam trong tương lai. Tại Tọa đàm, đội ngũ diễn giả sẽ chia sẻ nhiều chủ đề khác nhau liên quan tới ngành Xây dựng. Để vượt qua những thách thức trong quá trình đô thị hóa, với những mối quan tâm về môi trường, bắt buộc chúng ta phải áp dụng các công nghệ, phương pháp đổi mới trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó đưa ra những công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững ngành Xây dựng.

PGS.TS Nguyễn Quốc Toản mong muốn các đại biểu, chuyên gia tham dự sẽ tích cực thảo luận, đặt câu hỏi và chia sẻ để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, bởi đây không chỉ là cơ hội mà còn là nền tảng để kết nối và tích hợp giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế trong ngành Xây dựng cũng như những học giả quan tâm về lĩnh vực này.

Các phương pháp tiên tiến và công nghệ 4.0: Hướng tới phát triển bền vững ngành Xây dựng
GS.TS. Zeeshan Aziz, Đại học Tổng hợp Salford, Vương quốc Anh tham luận tại Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, GS.TS. Zeeshan Aziz, Đại học Tổng hợp Salford, Vương quốc Anh tham luận với chủ đề “Hướng tới ngành Xây dựng phát thải ròng bằng 0 dựa trên những đổi mới trong xây dựng công nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”. GS.TS. Zeeshan Aziz cho biết, ngành Xây dựng là một trong những ngành có lượng phát thải khí CO2 cao nhất. Vì vậy, một trong những kỳ vọng của ông là mong muốn tạo ra những chương trình đạo tạo, các môn học nhất là về tiền chế. Ngoài việc những máy móc tự động làm việc dưới sự giám sát của cong người ngoài công trường, cần kết hợp các công nghệ như in 3D, mô đun hóa, kết nối AI và cơ sở dữ liệu để tạo ra những phương án thiết kế với nhiều sự lựa chọn khác nhau. Từ đó việc bàn giao công trình cho chủ đầu tư thông qua BIM sẽ được tối ưu hóa về thiết kế và ứng dụng, cho đến bảo trì bảo dưỡng công trình về sau.

Tại đây, 2 định nghĩa về MMC và IBS được đưa ra. Trong đó, MMC (Phương pháp xây dựng hiện đại): MMC đề cập đến một loạt các kỹ thuật và quy trình xây dựng sáng tạo khác với các phương pháp xây dựng tại chỗ truyền thống. Điều này có thể bao gồm chế tạo ngoài công trường, chế tạo sẵn các bộ phận, xây dựng mô đun và sử dụng các công nghệ tiên tiến như Mô hình thông tin tòa nhà (BIM) và robot.

IBS (Hệ thống tòa nhà công nghiệp): IBS đặc biệt đề cập đến một kỹ thuật xây dựng nhấn mạnh vào việc sản xuất các bộ phận tòa nhà trong môi trường nhà máy được kiểm soát trước khi được vận chuyển đến địa điểm xây dựng để lắp ráp. IBS có thể bao gồm nhiều phương pháp tiếp cận MMC khác nhau, nhưng nó thường liên quan đến các cấu kiện bê tông đúc sẵn và hệ thống xây dựng được tiêu chuẩn hóa.

Các phương pháp tiên tiến và công nghệ 4.0: Hướng tới phát triển bền vững ngành Xây dựng
ThS. Nguyễn Xuân Mẫn, Giám đốc, Kiến trúc sư trưởng Công ty TNHH XM chia sẻ việc ứng dụng mô đun hóa và tự động hóa trong thiết kế xây dựng nhà ở và nhà nổi tránh lũ.

Cũng tại Tọa đàm, ThS. Nguyễn Xuân Mẫn, Giám đốc, Kiến trúc sư trưởng Công ty TNHH XM cho biết, dự án “Thiết kế hệ thống tự động hóa xây dựng nhà module gỗ” đã phát triển một phương pháp trong đó các khối xây dựng và robot lắp ráp có hình dạng giống nhau. “Pizzabot” là một robot phân tán có hình dạng một chiếc hộp đơn giản, được làm từ vật liệu dạng tấm. Rộng hơn về ý nghĩa của tự động hóa đối với kiến trúc, dự án là một phần của quá trình xem xét lại kiến trúc kỹ thuật số, cả về thiết kế, sản xuất và kinh tế. Bằng cách xây dựng dựa trên các ý tưởng xung quanh vật liệu kỹ thuật số, tính mô đun, lắp ráp rời rạc và bằng cách xác định lại các phần cơ bản của các khối kiến trúc, các dự án gắn kết với các khía cạnh cơ bản của kiến trúc thông qua các mối quan hệ từng phần với tổng thể của nó.

Chia sẻ hình ảnh đang trong quá trình hoàn thiện: Pizzabot đang đổ các thùng chứa đầy các yếu tố xây dựng thụ động. Có thể thấy các robot đang leo lên cấu trúc và sử dụng nó làm giàn giáo. Cuối cùng, dự án đưa ra rằng việc sử dụng các robot tương đối, rời rạc là điều cơ bản nếu chúng ta muốn tự động hóa hoàn toàn việc xây dựng tòa nhà.

Một trong những mô hình nhà ở cho dự án làng khởi nghiệp trên đảo Prospera ở Honduras, đã áp dụng cách tiếp cận mô đun để cung cấp nhà ở giá rẻ cho các nhóm thu nhập thấp trên đảo. Chiến lược thiết kế và xây dựng sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương đồng thời tính đến các khía cạnh bền vững về môi trường. Cấu hình của các mô đun cho phép sự linh hoạt và biến thể của từng đơn vị trong khi vẫn đạt được diện mạo thống nhất trong quá trình phát triển.

Các phương pháp tiên tiến và công nghệ 4.0: Hướng tới phát triển bền vững ngành Xây dựng
Tọa đàm thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia đang làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng.

Tọa đàm diễn ra trong ngày với nhiều bài tham luận hấp dẫn, gợi mở những giải pháp công nghệ tiên tiến, mang tính ứng dụng cao trong ngành Xây dựng hiện nay như: Hệ thống xây dựng công nghệ số hóa tại Malaysia: Thực trạng của ông Mohamad Syazli Fathi, Đại học Tổng hợp UTM, Malaysia; Bùi Duy Anh và nhóm nghiên cứu dự án SERA34, trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ với chủ đề “Xây dựng tiên tiến, khái niệm, cách tiếp cận và công nghệ”; Nền tảng thông tin BIM: Hệ thống xây dựng thông minh sử dụng dữ liệu BIM của ông Hando Kim, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty Koryo Software, Hàn Quốc; Bê tông đúc sẵn lắp ghép Việt Nam: Tiềm năng và cơ hội của ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển, Công ty Cổ phần Ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng CJSC.

Ngoài ra, Tọa đàm còn được nghe chia sẻ về Dự án Sáng kiến vành đai và con đường, khả năng áp dụng của xây dựng tiên tiến trong ngành Xây dựng Pakistan của ông Adeel Arshad, Đại học Kỹ thuật và Công nghệ, Peshawar, Pakistan; Các nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn CDE cho các dự án BIM trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của TS. Nguyễn Thu Hà, Đại học Cần Thơ; Nghiên cứu sơ bộ về xây dựng khung năng lực cho kỹ sư xây dựng Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp 4.0 của TS. Nguyễn Văn Tâm, trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích