Áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về khí nhà kính – tạo môi trường kinh doanh bền vững

Hạ tầng chất lượng liên quan đến khí nhà kính tại Việt Nam tập trung vào các biện pháp đo lường, giám sát, báo cáo, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia. Việt Nam đang phát triển hệ thống toàn diện để quản lý khí nhà kính nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Về khung pháp lý, các quy định và luật pháp quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định, thông tư cụ thể về phát thải khí nhà kính. Về hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn, bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam (TCVN) và các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14064 về đo lường, báo cáo, thẩm tra phát thải khí nhà kính được áp dụng để tạo ra cơ sở cho việc giảm thiểu phát thải.

Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các phòng thử nghiệm, hệ thống đo lường, kiểm định, các thiết bị công nghệ phục vụ việc giám sát và quản lý khí nhà kính.

Các tổ chức thẩm tra và thẩm định, các tổ chức được cấp phép thực hiện giám sát và chứng nhận tính hợp lệ của các báo cáo phát thải khí nhà kính từ các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương – Trưởng Ban Quản lý chất lượng và Đánh giá sự phù hợp, Ủy Ban TCĐLCLQG, các tiêu chuẩn quốc gia về khí nhà kính bao gồm: Bộ TCVN ISO14060 cung cấp sự rõ ràng và nhất quán cho việc định lượng, giám sát, báo cáo và thẩm tra lượng phát thải và loại bỏ khí nhà kính; TCVN ISO 14080 Quản lý khí nhà kính và các hoạt động liên quan – Khuôn khổ và nguyên tắc cho phương pháp luận về hành động khí hậu; TCVN ISO 14090 Thích ứng với biến đổi khí hậu – Nguyên tắc, yêu cầu và hướng dẫn; TCVN ISO 14040 Quản lý môi trường – Đánh giá vòng đời sản phẩm – Yêu cầu và hướng dẫn; TCVN ISO 14044 Quản lý môi trường – Đánh giá vòng đời của sản phẩm – Nguyên tắc và khuôn khổ.

Các Tiêu chuẩn khí nhà kính dự kiến xây dựng trong năm 2024-2025 bao gồm ISO 14068-1:2023; ISO 14083:2023, ISO 14091:2021; ISO 14093:2022; ISO 14097:2021; ISO 14030-1:2021; ISO 14030-2:2021; ISO 14030-3:2022; ISO 14030-4:2021; ISO 14100:2022.

Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức trong xây dựng hạ tầng chất lượng liên quan đến khí nhà kính, bao gồm việc đảm bảo tính chính xác, minh bạch và phù hợp thông lệ quốc tế của các báo cáo kiểm kê khí nhà kính: các phương pháp kiểm kê khí nhà kính phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; các tổ chức thẩm định và thẩm tra khí nhà kính độc lập hoạt động đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế; cần phải chuẩn hóa năng lực đội ngũ chuyên gia kiểm kê, chuyên gia thẩm tra, thẩm định khí nhà kính.

Việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp Việt Nam thực hiện tốt các cam kết quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Tiểu My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích