Bến Cát (Bình Dương): Đưa chuyển đổi số vào cuộc sống

(Xây dựng) – Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 39-CTr/TU ngày 16/9/2022 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong 41 chỉ tiêu và 80 nhiệm vụ, Bến Cát đã hoàn thành 21 chỉ tiêu, 9 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành trước năm 2025, đồng thời đã thực hiện được 28 nhiệm vụ, 34 nhiệm vụ đang thực hiện…

Bến Cát (Bình Dương): Đưa chuyển đổi số vào cuộc sống
Công tác chuyển đổi số tại thành phố Bến Cát đã và đang đạt những thành quả tích cực.

Những thành tựu ban đầu

Thực hiện chương trình số 39-CTr/TU ngày 16/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Bình Dương về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thành phố Bến Cát đề ra 41 chỉ tiêu thuộc 3 nhóm lĩnh vực về chuyển đổi số: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đến năm 2025.

Sau 2 năm triển khai, Bến Cát đã hoàn thành 21 chỉ tiêu; 9 chỉ tiêu dự kiến hoàn thành trước năm 2025; 6 chỉ tiêu chưa đạt và 5 chỉ tiêu chưa thống kê được. Bên cạnh đó, Bến Cát cũng xác định 80 nhiệm vụ chuyển đổi số, đến nay đã thực hiện được 28 nhiệm vụ, 34 nhiệm vụ đang thực hiện; 18 nhiệm vụ chưa triển khai thực hiện.

Đối với hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại cơ quan hành chính được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin và điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt tỷ lệ trên 67%. Trong đó, số hồ sơ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt tỷ lệ gần 46%; số hồ sơ tiếp nhận một phần đạt tỷ lệ gần 22%.

Tại cấp xã, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt trên 84%. Trong đó, số hồ sơ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt tỷ lệ trên 18%; số hồ sơ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến một phần đạt tỷ lệ gần 66%.

Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Bến Cát và 100% xã, phường đã ký kết hợp tác với đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện thanh toán trực tuyến trên nền tảng quốc gia đối với các thủ tục hành chính có phát sinh phí, lệ phí. Đến ngày 30/9/2024, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên toàn địa bàn đạt hơn 86%.

Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) thành phố Bến Cát tuy chỉ mới thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2024, nhưng đến nay đã triển khai 24 phân hệ (lĩnh vực).

Trên địa bàn, 100% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử, các sản phẩm OCOP và một số sản phẩm của thành phố đã được hướng dẫn đưa lên các sàn thương mại điện tử. Đã có 8/8 các xã, phường hưởng ứng tổ chức lễ phát động thực hiện các tuyến đường, chợ truyền thống thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn mình quản lý. 100% các khu phố, ấp trên địa bàn thành phố đã thành lập Tổ công nghệ số với tổng số 330 thành viên.

Thành phố đang triển khai quyết liệt chuyển đổi số đến các khu phố, ấp để khu phố, ấp thực sự trở thành nền tảng xã hội quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số; trong đó đã phối hợp với các đối tác chiến lược cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác như: Triển khai chữ ký số công cộng, ví điện tử, các nền tảng số…

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” cơ bản

Bên cạnh những kết quả đạt được trên, công tác chuyển đổi số trên địa bàn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND Thành phố Bến Cát, 5 điểm nghẽn căn bản trong công tác chuyển đổi số của thành phố gồm: Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự chủ động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt; Công tác phối hợp giữa các ngành, các địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ; Nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu và yếu; Nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số còn thiếu, tỷ lệ ngân sách dành cho chuyển đổi số dưới 1% trong tổng chi ngân sách địa phương; An toàn thông tin, an ninh mạng tiềm ẩn nguy cơ cao nhất là đối với cấp xã.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Ân, để công tác chuyển đổi số trên địa bàn thành phố tiếp tục đạt những kết quả tích cực, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục tập trung cho công tác chuyển đổi số, tạo ra những giá trị mới thiết thực để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số thực chất, bền vững, mục đích cuối cùng là vì lợi ích của người dân.

Bến Cát (Bình Dương): Đưa chuyển đổi số vào cuộc sống
Để công tác chuyển đổi số tiếp tục đạt những kết quả tích cực, chính quyền thành phố Bến Cát đã xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết.

Đề xuất phương hướng, giải pháp đẩy mạnh triển khai dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đại diện Công an thành phố Bến Cát cho rằng, cần tối ưu hóa quy trình cung cấp các dịch vụ công thông qua việc tích hợp dữ liệu dân cư và hệ thống định danh điện tử, rút ngắn thời gian xử lý các yêu cầu về thủ tục hành chính từ phía người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh và bảo mật thông tin cá nhân trong quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia với dữ liệu chuyên ngành khác, chia sẻ các thông tin nhằm sử dụng hiệu quả các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở địa phương.

Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nhóm dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; định kỳ có tổ chức đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Có cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao…

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Bến Cát kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục có các chính sách giảm phí, lệ phí; giảm thời gian giải quyết hồ sơ đối với các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích