Ứng dụng khoa học công nghệ nâng tầm sản phẩm OCOP của Bình Phước
Doanh nghiệp tại Bình Phước áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sản phẩm thế mạnh đạt chuẩn OCOP. Ảnh minh họa
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bình Phước, tỉnh đã cấp Chứng nhận Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho 157 sản phẩm từ 3 đến 5 sao. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở chất lượng mà còn đòi hỏi sự mở rộng kênh tiêu thụ và thị trường. Trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay, các doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) đã và đang nỗ lực số hóa sản phẩm OCOP để tiếp cận người tiêu dùng nhanh hơn, không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Mỵ – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ, chia sẻ các sản phẩm điều của công ty đạt OCOP 5 sao đều có mã số truy xuất nguồn gốc, được thu mua trực tiếp từ vùng trồng điều tại xã Bom Bo và Phước Sơn, huyện Bù Đăng. Các sản phẩm được chăm sóc hữu cơ với giống mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Việc áp dụng quy trình khoa học trong trồng trọt và công nghệ truy xuất nguồn gốc đã nâng cao giá trị và uy tín sản phẩm trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Tiên – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Đông trùng hạ thảo PN Bình Phước, đã khẳng định thương hiệu nhờ chứng nhận OCOP 3 sao. HTX không chỉ đầu tư vào máy móc để tạo ra sản phẩm chất lượng mà còn chú trọng đến việc mở rộng kênh tiêu thụ. HTX đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền, gắn mã QR cho từng sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của HTX hiện được tiêu thụ mạnh qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), với khoảng 50% sản lượng được bán trực tuyến. Để phát triển thương hiệu xa hơn, HTX đang đăng ký chứng nhận OCOP 4 sao và tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Ông Vũ Tiến Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH mật ong Sông Bé, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài cho biết, hằng năm, công ty làm ra nhiều sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận. Trong đó, các sản phẩm mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa, tinh bột nghệ được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao; có các chứng chỉ ISO, kiểm nghiệm về đường, kháng sinh để đảm bảo cam kết với người tiêu dùng về sản phẩm sạch, chất lượng. Công ty đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm. Việc chủ động xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
HTX Cà phê nguyên chất Bù Đốp, dù mới thành lập, đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhờ chất lượng sản phẩm vượt trội. Theo anh Trần Xuân Ngọc – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, việc đầu tư máy móc hiện đại để rang xay, chế biến theo tiêu chuẩn đã giúp HTX khẳng định nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm. Với chiến lược này, HTX không chỉ tập trung phát triển trong tỉnh mà còn hướng tới các thị trường khó tính hơn. Sản phẩm của HTX đều có tem truy xuất nguồn gốc và mã QR, giúp minh bạch thông tin, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Về phía Sở NN&PTNT Bình Phước cũng đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp và HTX trong việc đưa sản phẩm OCOP ra thị trường. Hệ thống Co.opmart tại Đồng Xoài, Đồng Phú cùng các trung tâm thương mại lớn là nơi giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm như hạt điều Bà Tư, điều Hà Mỵ và yến sào Bảo Ngân.
Theo ông Huỳnh Hữu Nhưng – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế hợp tác, Sở NN&PTNT, để phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc phát triển sản phẩm OCOP, thời gian tới, sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp. Trong đó, tập trung những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch. Từng bước định hướng, nâng cao chất lượng, tăng cường đổi mới sáng tạo, đặc biệt đối với sản phẩm OCOP cấp tỉnh, quốc gia nhằm mở rộng và thúc đẩy thị trường xuất khẩu.
Việc áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm OCOP không chỉ giúp các doanh nghiệp tại Bình Phước mở rộng thị trường mà còn khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương. Sự phát triển bền vững này chính là chìa khóa giúp nông sản Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế.
Duy Trinh (t/h)